Cách xử lý tại chỗ khi bị xuất huyết dạ dày

Biết cách xử lý tại chỗ khi bị xuất huyết dạ dày sẽ giúp người bệnh không bị mất nhiều máu và bảo toàn được tính mạng. Dưới đây là các bước sơ cấp cứu đúng cách thân nhân người bệnh cần nắm rõ.

 Xuất huyết dạ dày là gì? Làm sao nhận biết?

Xuất huyết dạ dày là căn bệnh xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương và chảy máu. Đây là hậu quả của việc lạm dụng nhiều bia rượu, ăn uống không hợp vệ sinh, sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài, căng thẳng thần kinh quá mức. Ngoài ra, xuất huyệt dạ dày còn được xem là biến chướng của các bệnh lý như viêm loét dạ dày, hội chứng Mallory Weiss, thủng dạ dày, hoặc nguy hiểm hơn là ung thư dạ dày.

cách xử lý tại chỗ khi bị xuất huyết dạ dày
Người bị xuất huyết dạ dày cần được xứ lý cấp cứu đúng cách để đảm bảo an toàn cho tính mạng

Bệnh xuất huyết dạ dày nếu không được xử lý đúng cách có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Chính vì vậy cần nhanh chóng nhận biết được các dấu hiệu của căn bệnh này để có hướng xử trí cấp cứu kịp thời.

Một số triệu chứng nhận biết nhanh bệnh xuất huyết dạ dày:

  • Nôn ói ra máu
  • Đau bụng dữ dội, đặc biệt là ở khu vực thượng vị dạ dày. Cơn đau sau đó dần lan tỏa ra khắp ổ bụng 
  • Ấn vào bụng thấy căng cứng, đau
  • Đi phân có lẫn máu. Máu thường có màu nâu sẫm hoặc trộn lẫn vào trong phân khiến phân có màu đen, mùi hôi thối. 
  • Trường hợp nặng, xuất huyết dạ dày ồ ạt thì bệnh nhân còn đi ngoài ra cả máu tươi, phân loãng.
  • Các biểu hiện bên ngoài: Da tái xanh, sắc mặt nhợt nhạt, chóng mặt, hoa mắt, lạnh tay chân, mạch đập yếu, tụt huyết áp, mất tỉnh táo, ngất xỉu do sốc mất máu.

Lúc này, người nhà nên xử lý tại chỗ để cầm máu cho bệnh nhân trước khi đưa tới bệnh viện.

Cách xử lý tại chỗ khi bị xuất huyết dạ dày

Các bước xử lý khi bị xuất huyết tại chỗ bao gồm:

Bước 1: Đặt người bệnh nghỉ ngơi cố định một chỗ trên giường

Khi bị xuất huyết dạ dày, người bệnh không nên di chuyển, hoạt động nhiều sẽ khiến tổn thương chảy máu nhiều hơn. Thay vào đó, hãy nằm nghỉ ngơi ở một chỗ cố định trên giường.

Ngươi nhà chú ý nhẹ nhàng bế bệnh nhân đặt nằm ngửa trên giường ở nơi thoáng khí, phần đầu đặt hơi thấp, hai chân chèn một cái gối phía dưới để kê cao hơn so với phần thân trên. Điều này sẽ giúp kích thích lưu thông tuần hoàn máu, giảm áp lực xuống đại trạng và giảm bớt được hiện tượng tiêu chảy cho người bệnh.

Tránh để người bệnh nằm ở nơi có gió lùa. Khi mất nhiều máu, người bệnh sẽ bị tụt huyết áp và bị lạnh tay chân. Nếu cần thiết, có thể quấn chăn để giữ ấm cơ thể cho người bệnh.

Thông thường, người bệnh cần được nằm yên một chỗ ít nhất 15 – 30 phút để tránh tác động đến tổn thương trong dạ dày, giảm tình trạng chảy máu. 

cách xử lý khi bị xuất huyết dạ dày
Bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày cần được nằm nghỉ cố định một chỗ trên giường và hạn chế vận động

Bước 2: Cầm máu dạ dày

Cầm máu là bước xử lý tại chỗ khi bị xuất huyết dạ dày vô cùng quan trọng. Người nhà bệnh nhân có thể thực hiện một trong 2 cách cầm máu sau:

Cách 1: Cho người bệnh uống nước muối pha loãng

Uống nước muối pha loãng là một cách cầm máu khá hiệu quả. Ngoài ra, nó còn giúp bổ sung lượng nước và chất điện giải bị thất thoát khi người bệnh nôn ói hoặc tiêu chảy.

Cách thực hiện khá đơn giản: Dùng 6 – 8g muối ăn đem pha với 100ml nước ấm. Khuấy tan và dùng thìa đút cho bệnh nhân uống từng ngụm nhỏ cho đến khi hết.

– Cách 2: Uống thuốc cầm máu

Nếu nhà ở gần tiệm thuốc tây, người nhà có thể hỏi ý kiến dược sĩ về việc mua và sử dụng một trong các loại thuốc cầm máu dưới đây để người bị xuất huyết dạ dày uống:

  • Thuốc Posthypophyse.
  • Vitamin K dạng ống có dung tích 5ml
  • Hemocaprol: Thuốc dạng dung dịch lỏng được đóng gói trong các ống dung tích 10ml

Bước 3: Gọi xe cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa người bệnh đến các trung tâm y tế gần nhất

 Sau bước sơ cứu xử lý tại chỗ cho bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày, nếu người bệnh có các biểu hiện nguy cấp, hãy gọi ngay trung tâm cấp cứu 115. Các trường hợp còn lại cũng cần được nhanh chóng đưa đến các trung tâm y tế gần nhất để nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ.

Quy trình xử lý cấp cứu cho bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày tại bệnh viện

Tại bệnh viện, bác sĩ có thể áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để cấp cứu cho bệnh nhân

Bước 1: Hồi sức

Để hồi sức cho người bệnh, nhân viên y tế tiến hành một số thao tác sơ cấp cứu cơ bản như:

  • Đặt bệnh nhân nằm trên giường bệnh với tư thế ngửa, đầu hơi thấp so với chân
  • Đặt nội khí quản đối với các trường hợp có biểu hiện bị trào ngược phổi, rối loạn ý thức hoặc có nguy cơ cao bị suy hô hấp.
  • Trường hợp khó thở, cho bệnh nhân sử dụng máy thở oxy mũi với lưu lượng oxy dao động từ 2 – 6 l/phút.
  • Tiến hành đặt 2 đường tuyền tĩnh mạch với kích thước phù hợp cho người bệnh
  • Đặt ống thông tiểu ( sonde ) nhằm mục đích theo dõi được lưu lượng nước tiểu của người bệnh
  • Đặt sonde dạ dày và tiến hành rửa sạch máu tồn đọng bên trong
  • Lấy mẫu máu của bệnh nhân đem đi làm xét nghiệm công thức máu tổng quát
xử lý khi bị xuất huyết dạ dày
Bác sĩ đang xử lý cấp cứu cho một bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày

Bước 2: Áp dụng kỹ thuật phục hồi và chống sốc cho người bệnh

  • Truyền tĩnh mạch các dung dịch gồm NaCl 0,9%, keo (Heamaccel, Gelafundin) hay dung dịch bù nước và chất điện giải Ringer lactat.
  • Kiểm tra thường xuyên trong quá trình bệnh nhân được truyền dịch để theo dõi được số lượng và tốc độ truyền.

**Lưu ý: Hạn chế truyền dung dịch Glucose 5% cho bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày vì nó cho hiệu quả không cao trong việc bù thể tích lòng mạch của người bệnh.

Bước 3: Truyền máu bù đắp lại một phần máu đã mất

Bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày nặng hoặc bị xuất huyết trong giai đoạn tiến triển gây mất nhiều máu có thể được xem xét truyền máu với nhóm máu tương ứng.

Quy trình truyền máu sẽ được tiến hành cho đến khi đưa được lượng huyết động trở về mức ổn định và chỉ số Ht > 25%. Trường hợp bệnh nhân là người cao tuổi, người đang có vấn đề ở mạch vành hoặc người bị suy hô hấp thì chỉ số Ht đạt yêu cầu phải > 30%.

Một số bệnh nhân mắc chứng rối loạn đông máu sẽ được truyền huyết tương tươi đông lạnh. Tỷ lệ phức hệ Prothrombin < 30%.

Bước 4: Điều trị cầm máu cho từng trường hợp tùy theo nguyên nhân gây bệnh

Trong hầu hết các trường hợp, vết loét trong dạ dày có thể tự cầm máu. Chỉ có khoảng 20% trong tổng số bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày phải sử dụng các biện pháp y tế để can thiệp cầm máu. Các phương pháp có thể được áp dụng bao gồm:

  • Nội soi dạ dày kết hợp sử dụng các loại thuốc có tác dụng co mạch tại chỗ (ví dụ như Adrenalin), hoặc một số chất gây xơ ( chẳng hạn như cồn nguyên chất hay polidocanol ).
  • Can thiệp cầm máu bằng nội khoa. Sử dụng các thuốc rửa dạ dày kết hợp biện pháp truyền nước lạnh có nhiệt độ 5 độ C liên tục thông qua ống sonde đã được đặt vào dạ dày trước đó.
  • Truyền một số thuốc có tác dụng ức chế sản xuất dịch vị và axit dạ dày, chẳng hạn như Ranitidine hay Omeprazole.
  • Phẫu thuật ngoại khoa để can thiệp cầm máu đối với những bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày ồ ạt, máu chảy dai dẳng không dứt hoặc không đáp được được với các biện pháp cầm máu ngoại khoa.

Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày

Trong quá trình điều trị xuất huyết dạ dày, bệnh nhân cần được chăm sóc tốt để nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Người nhà cần đặc biệt lưu ý những vấn đề sau:

  • Đảm bảo không gian nghỉ ngơi của người bệnh phải được yên tĩnh, thoáng mát, tránh nơi có gió lùa. Không để bệnh nhân nằm gối đầu.
  • Theo dõi thường xuyên nhiệt độ cơ thể, huyết áp, mạch đập, tình trạng nôn ói hay đau bụng của người bệnh. Nếu có dấu hiệu nào bất thường cần thông báo cho bác sĩ ngay cho bác sĩ hoặc điều dưỡng biết.
  • Người nhà cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, thời gian dùng thuốc và chế độ ăn uống cho người bệnh.
  • Tránh cho bệnh nhân ăn khi dạ dày vẫn còn đang chảy máu mặc dù người bệnh còn duy trì được sự tỉnh táo
  • Khi bệnh nhân không còn nôn ói ra máu, có thể cho người bệnh ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp hay sữa. Những ngày sau đó, tùy theo tốc độ hồi phục sức khỏe mà tăng dần độ đặc của thức ăn và dần dần có thể chuyển qua ăn cơm nhão.
  • Có thể cho người bệnh ăn thịt bò, thịt nạc lợn để tăng thêm năng lượng nhưng nên bằm nhuyễn và hầm nhừ cùng với cháo để bệnh nhân dễ tiêu hóa, giảm gánh nặng cho dạ dày.
  • Hạn chế các thực phẩm giàu chất xơ khi chế biến thức ăn cho người bệnh. Lý do bởi khi vào dạ dày, quá nhiều chất xơ sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị cọ sát dẫn đến đau bụng, khó tiêu và chảy máu nhiều hơn.
  • Cho bệnh nhân uống thêm nước trái cây hoặc uống sinh tố, ăn trái cây tươi không chua để bổ sung vitamin và khoáng chất giúp cải thiện sức đề kháng, đẩy nhanh tốc độ phục hồi sức khỏe.
  • Tránh để bệnh nhân ăn đồ thô cứng làm ảnh hưởng đến tiến trình hồi phục của tổn thương, nghiêm trọng hơn nó có thể làm dạ dày chảy máu trở lại.
  • Ưu tiên chế biến thức ăn cho người bị xuất huyết dạ dày dưới dạng hấp, luộc, nấu hoặc hầm nhừ để dễ tiêu hóa. Tránh thêm nhiều dầu mỡ vào trong món ăn.
  • Không cho bệnh nhân ăn thức ăn quá nóng ( trên 60 độ ) hoặc quá lạnh ( dưới 5 độ ) khiến các cơ trơn trong dạ dày bị kích thích và co bóp nhiều, từ đó ảnh hưởng không tốt đến quá trình điều trị.
  • Xây dựng chế độ ăn nhiều bữa trong ngày cho bệnh nhân, khoảng 6 – 8 bữa nhỏ một ngày. Lúc này dạ dày đang bị tổn thương nghiêm trọng nên không thể tiếp nhận được một lượng lớn thức ăn nạp vào như thông thường.

Trên đây là cách xử lý tại chỗ khi bị xuất huyết dạ dày đúng cách. Nếu có tiền sử từng mắc căn bệnh này hoặc có nguy cơ bị xuất huyết dạ dày cao, bạn nên ghi chép lại để áp dụng khi cần thiết.

Bạn có thể tìm hiểu thêm:

  • Phương pháp điều trị bệnh xuất huyết dạ dày hiệu quả nhất hiện nay
  • Bệnh xuất huyết dạ dày có nguy hiểm không?
  • Các món ăn bài thuốc cho người bị xuất huyết dạ dày