Cách phân biệt xuất huyết tiêu hóa trên và dưới đúng nhất
Xuất huyết tiêu hóa gồm xuất huyết tiêu hóa trên và dưới. Người bệnh cần nắm rõ cách phân biệt xuất huyết tiêu hóa trên và dưới để có biện pháp khắc phục và điều trị đúng đắn.
Xuất huyết tiêu hóa là gì?
Xuất huyết đường tiêu hóa là triệu chứng của rối loạn chảy máu bên trong đường tiêu hóa. Máu thường xuất hiện trong phân hoặc chất nôn. Tuy nhiên đôi khi người bệnh có thể không nhìn thấy máu, thay vào đó là tình trạng phân có màu đen hoặc màu hắc ín và có mùi tanh. Mức độ chảy máu có thể từ nhẹ đến nặng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến xuất huyết tiêu hóa thường là do chấn thương. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm nhiễm trùng, nhiễm vi khuẩn Hp, sưng viêm hoặc khối u, polyp bên trong hệ thống tiêu hóa.
Về cơ bản, có hai loại xuất huyết tiêu hóa là:
- Xuất huyết tiêu hóa trên: Là tình trạng chảy máu ở đường tiêu hóa trên gây nôn ra máu hoặc đi ngoài ra phân đen, tối màu. Xuất huyết tiêu hóa trên thường là do máu tụ và chảy liên tục với số lượng nhỏ trong một thời gian dẫn đến thay đổi màu phân. Nếu máu không thể thoát ra khỏi cơ thể thông qua hậu môn sẽ dẫn đến tình trạng nôn ra dịch màu nâu giống như bã cà phê.
- Xuất huyết tiêu hóa dưới: Là tình trạng chảy máu từ tá tràng đến ruột già và hậu môn. Nguy cơ mắc bệnh thường tăng theo thời gian, đặc biệt là bệnh nhân trên 50 tuổi. Chảy máu đường tiêu hóa dưới có thể đau hoặc không đau và thường do nhiễm trùng, viêm hoặc khối u, polyp trong hệ thống tiêu hóa.
Cách phân biệt xuất huyết trên và dưới
Xuất huyết tiêu hóa có thể xảy ra ở đường tiêu hóa trên hoặc dưới. Người bệnh có thể phân biệt xuất huyết trên và dưới theo một số đặc điểm sau:
1. Vị trí
- Xuất huyết tiêu hóa trên xuất phát từ thực quản, dạ dày, phần trên của ruột non (tá tràng).
- Xuất huyết tiêu hóa dưới xuất phát ở ruột non, trực tràng, đại tràng và đi qua hậu môn.
2. Màu sắc của máu
- Xuất huyết tiêu hóa trên: Phân tanh, màu đen, đậm như hắc ín và chất nôn màu nâu trông giống như bã cà phê.
- Xuất huyết tiêu hóa dưới: Máu đỏ tươi.
3. Nguyên nhân
Xuất huyết tiêu hóa trên:
- Viêm loét dạ dày tá tràng, đây là nguyên nhân phổ biến nhất của chảy máu đường tiêu hóa trên. Bệnh thường do vi khuẩn, quá nhiều axit dạ dày hoặc sử dụng lâu dài một số loại thuốc gây ra.
- Hội chứng Mallory – Weiss có thể gây chảy máu tiêu hóa trên nghiêm trọng. Bệnh thường phổ biến ở những người uống rượu quá mức.
- Giãn tĩnh mạch thực quản hoặc các bất thường khác thường phổ biến ở những người bị bệnh gan nghiêm trọng.
- Viêm thực quản thường có liên quan đến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Xuất huyết tiêu hóa dưới:
- Bệnh lý túi thừa, là tình trạng các túi nhỏ, phình ra trong đường tiêu hóa (túi thừa) bị viêm hoặc nhiễm trùng, dẫn đến xuất huyết.
- Bệnh viêm ruột bao gồm viêm loét đại tràng, bệnh Crohn và viêm niêm mạc của đường tiêu hóa.
- Khối u, polyp lành tính hoặc ung thư của thực quản, dạ dày, đại tràng hoặc trực tràng có thể làm suy yếu niêm mạc của đường tiêu hóa và gây xuất huyết tiêu hóa.
- Polyp đại tràng là tình trạng xuất hiện các khối u nhỏ trên niêm mạc đại tràng và dẫn đến chảy máu. Hầu hết các trường hợp polyp đều lành tính nhưng một số có thể phát triển thành ung thư hoặc có thể trở thành ung thư nếu không được loại bỏ kịp lúc.
- Bệnh trĩ là tình trạng tĩnh mạch ở hậu môn hoặc trực tràng dưới bị sưng và gây chảy máu. Hiện tượng này tương tự như tình trạng giãn tĩnh mạch.
- Vết nứt hậu môn là tình trạng tổn thương niêm mạc hậu môn và gây chảy máu.
- Viêm niêm mạc trực tràng có thể gây chảy máu từ trực tràng.
4. Dấu hiệu nhận biết
Xuất huyết tiêu hóa trên:
- Đầy bụng khó tiêu
- Đau tim hoặc đau vùng thượng vị
- Có chứng khó nuốt
- Đau bụng nhẹ
- Vàng da nếu chảy máu có liên quan đến bệnh gan
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Ngất xỉu hoặc thần trí không rõ ràng
- Mệt mỏi, buồn nôn, mạch nhanh
Xuất huyết tiêu hóa dưới:
- Sốt
- Giảm cân hoặc có dấu hiệu mất nước
- Đau bụng hoặc có cảm giác chuột rút ở bụng
- Huyết áp thấp
- Giảm nồng độ huyết sắc tố
- Vẻ ngoài xanh xao nhợt nhạt
5. Chẩn đoán
- Xuất huyết tiêu hóa trên: Nội soi thực quản.
- Xuất huyết tiêu hóa dưới: Nội soi đại tràng.
6. Điều trị
Việc điều trị phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của chảy máu. Hầu hết các trường hợp xuất huyết tiêu hóa được điều trị thông qua nội soi hoặc thuốc.
- Xuất huyết tiêu hóa trên: Thường được điều trị bằng thuốc ức chế bơm Proton (PPI) để ức chế sản xuất axit dạ dày. Sau khi xác định được nguồn chảy máu, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị phù hợp khác.
- Xuất huyết tiêu hóa dưới: Thường được chỉ định sử dụng thuốc làm co mạch máu, tiêm Epinephrine cầm máu, truyền máu khi cần thiết và phẫu thuật cho các trường hợp nghiêm trọng.
Biến chứng xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết đường tiêu hóa có thể dẫn đến:
- Sốc do thiếu máu
- Thiếu máu cấp tính
- Đột quỵ
- Tử vong
Do đó, để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng và hạn chế nguy cơ tử vong, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp như:
- Hạn chế sử dụng thuốc chống viêm không Steroid.
- Hạn chế sử dụng rượu.
- Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá.
- Nếu bạn bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc các bệnh lý đường tiêu hóa khác hãy điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
Xuất huyết tiêu hóa không phải là một bệnh lý mà là một tình trạng tổn thương mô của đường tiêu hóa và là dấu hiệu của một số bệnh lý khác. Nắm rõ cách phân biệt xuất huyết tiêu hóa trên và dưới là điều cần thiết để có biện pháp điều trị thích hợp. Trao đổi với bác sĩ điều trị nếu có bất cứ câu hỏi hoặc thắc mắc nào có liên quan.