Cách chữa tiêu chảy bằng lá lốt (lá + rễ và thân)

Chữa tiêu chảy bằng lá lốt là cách điều trị bệnh được lưu truyền trong dân gian. Cách chữa này dễ thực hiện và khá an toàn nên được áp dụng khá rộng rãi cho các trường hợp bị tiêu chảy hoặc đầy bụng, khó tiêu.

rễ và thân cây lá lốt chữa tiêu chảy
Tìm hiểu cách chữa tiêu chảy bằng lá lốt (lá + rễ và thân)

Công dụng của lá lốt đối với bệnh tiêu chảy

Lá lốt là loại rau gia vị quen thuộc của người Việt. Thảo dược này còn được tận dụng để điều trị và khắc phục các vấn đề sức khỏe thông thường.

Theo dân gian, lá lốt có vị thơm, cay nóng, tính ấm, có khả năng giảm đau, khu phong, trừ hàn, giải tán,…Thích hợp để điều trị các bệnh do phong hàn xâm nhập như phong thấp, cảm lạnh và tiêu chảy.

Tiêu chảy là tình trạng đi phân lỏng từ 3 lần/ ngày trở lên. Tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như ngộ độc thực phẩm, tác dụng phụ của một số loại thuốc,… Tuy nhiên dân gian cho rằng, tiêu chảy là do cơ thể bổ sung các thực phẩm có tính hàn khiến bụng lạnh và sinh ra tình trạng phân lỏng.

Ngoài ra dược lý hiện đại cũng tìm thấy trong lá lốt chứa nhiều thành phần chống oxy hóa, có khả năng chống viêm và kháng khuẩn. Thảo dược này tác dụng mạnh đối với các khuẩn gây bệnh ở đường tiêu hóa như E.coli, Salmonella typhi, Staphylococcus, Streptococcus, Shigella flexneri,.. Do đó khi áp dụng các bài thuốc từ lá lốt, thành phần trong thảo dược có khả năng ức chế vi khuẩn và làm giảm tình trạng đi phân lỏng, buồn nôn, đau bụng,…

Tuy nhiên lá lốt chỉ có tác dụng đối với những trường hợp tiêu chảy cấp và nhẹ. Với các trường hợp bị tiêu chảy mãn tính do các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng (hội chứng ruột kích thích, bệnh Corhn,…), bạn cần điều trị theo phác đồ được bác sĩ chỉ định.

4 Cách dùng rễ và thân cây lá lốt chữa tiêu chảy 

chữa tiêu chảy bằng lá lốt
Cả lá, thân và rễ của cây lá lốt đều được tận dụng để điều trị bệnh tiêu chảy

Bài thuốc 1

Bài thuốc này thích hợp với những trường hợp bị tiêu chảy do lạnh bụng, thường đi kèm với các triệu chứng như nấc cụt, buồn nôn và nôn mửa.

  • Chuẩn bị: 30 – 50g lá lốt tươi.
  • Thực hiện: Đem lá lốt rửa sạch với nước muối, sau đó nhai sống và nuốt lấy nước.

Hoặc bạn có thể áp dụng bài thuốc sắc sau đây:

  • Chuẩn bị: 30g lá lốt tươi, 300ml nước
  • Thực hiện: Đem lá lốt rửa sạch và sắc với 300ml, còn lại 100ml. Uống trong khoảng 3 – 5 để cải thiện triệu chứng.

Bài thuốc 2

Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy, bạn có thể áp dụng bài thuốc từ lá lốt, củ riềng để làm giảm tình trạng phân lỏng, nôn mửa và đau bụng ở trẻ.

  • Chuẩn bị: Củ riềng 10g và lá lốt 20g.
  • Thực hiện: Đem các nguyên liệu rửa sạch, sau đó sắc nước đặc và cho trẻ uống 2 – 3 lần liên tục. Mỗi lần cách nhau khoảng 1 tiếng.

Bài thuốc 3

Bài thuốc từ rễ lá lốt, bạch truật, cam thảo, sơn thù,… phù hợp với bệnh nhân bị tiêu chảy do viêm đại tràng mãn tính.

  • Chuẩn bị: Củ riềng 12g, cam thảo 12g, củ đinh lăng 16g, sơn thù 16g, lá khổ sâm 16g, rễ và thân lá lốt 20g, búp ổi 12g, bạch truật 16g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống, chia thành 3 lần dùng. Mỗi ngày dùng 1 thang.

So với trường hợp tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy do viêm đại tràng mạn tính thường có xu hướng kéo dài. Vì vậy khi áp dụng bài thuốc, bạn cần kiên trì thực hiện để đạt được kết quả như mong đợi.

Bài thuốc 4

Với trường hợp tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa (thường đi kèm với các triệu chứng khác như nôn mửa, mất nước, huyết áp thấp, rối loạn điện giải, cơ thể mệt mỏi,…), bạn có thể áp dụng 2 bài thuốc sau đây.

  • Chuẩn bị: Bạch truật 16g, cây cứt lợn sao vàng 16g, củ riềng 12g, hậu phác 12g, sâm bố chính 16g, trần bì sao 12g, toàn cây lá lốt 20g, hạt sen 15g, rau má sao 20g, cam thảo 12g, sinh khương 8g và bạch biển đậu 16g.
  • Thực hiện: Đem sắc mỗi ngày 1 thang, chia thành 3 lần uống.

Nếu triệu chứng không quá nghiêm trọng, bạn có thể thực hiện bài thuốc từ lá lốt, nụ sim, lá khổ sâm và búp ổi:

  • Chuẩn bị: Bột búp ổi 1g, lá khổ sâm 5g và nụ sim 2g, lá lốt 10g.
  • Thực hiện: Đem các vị sao vàng, tán bột. Mỗi lần dùng 10g uống với nước sắc củ sắn dây và gạp nếp rang. Ngày dùng 2 lần cho đến khi khỏi.

Ngoài ra, bạn nên bổ sung lá lốt vào các món ăn thường ngày để hỗ trợ quá trình điều trị tiêu chảy và các vấn đề về đường tiêu hóa.

Những lưu ý khi áp dụng bài thuốc chữa tiêu chảy từ lá lốt

So với việc dùng thuốc, cách chữa tiêu chảy bằng lá lốt được dân gian ưa chuộng vì có tính an toàn cao, dễ thực hiện và chi phí thấp. Tuy nhiên nếu áp dụng sai bài thuốc hoặc thiếu thận trọng khi thực hiện, bạn có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn.

chữa tiêu chảy bằng lá lốt
Khi áp dụng bài thuốc từ lá lốt, cần uống nhiều nước để cân bằng điện giải

Vì vậy khi thực hiện cách chữa này, bạn cần lưu ý những thông tin sau:

  • Cần rửa sạch nguyên liệu trước khi thực hiện. Vi khuẩn và một số loại sán có thể bám trên lá lốt và đi vào đường tiêu hóa khiến tình trạng tiêu chảy trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Khi áp dụng bài thuốc chữa tiêu chảy bằng lá lốt, cần kết hợp với các biện pháp chăm sóc để phục hồi hoạt động của đường ruột như uống nhiều nước, bổ sung thực phẩm mềm lỏng, chứa nhiều dinh dưỡng, nghỉ ngơi,…
  • Tác dụng của lá lốt chỉ có khả năng hỗ trợ điều trị. Với trường hợp tiêu chảy đi kèm với nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác, bạn cần liên hệ với bác sĩ để thực hiện các biện pháp chuyên sâu.
  • Trong trường hợp ngộ độc thực phẩm nặng, tuyệt đối không tự ý áp dụng bất cứ cách chữa nào tại nhà. Lúc này, bạn cần chủ động đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.

Cách chữa tiêu chảy bằng lá lốt có khả năng làm giảm và kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên để điều trị dứt điểm tình trạng này, bạn cần can thiệp chuyên sâu theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu không điều trị đúng cách, tiêu chảy chuyển sang giai đoạn mạn tính và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.