Cách chăm sóc bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa tại nhà
Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng đường tiêu hóa tổn thương nghiêm trọng. Sau khi thăm khám, chẩn đoán, điều trị cần chăm sóc bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa đúng cách để người bệnh nhanh chóng hồi phục và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
Xuất huyết tiêu hóa là gì?
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay tỷ lệ mắc xuất huyết tiêu hóa ở nam chiếm 60%, ở nữ chiếm 40%. Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng máu trong ống tiêu hóa chảy từ thực quản tới hậu môn qua 2 hình thức chủ yếu là ói và đi cầu ra máu. Bệnh xuất phát từ các nguyên nhân như viêm loét dạ dày hành tá tràng, bệnh về gan hoặc do các tổn thương khác ở đường tiêu hóa hay do người bệnh uống phải dung dịch kiềm, acid, căng thẳng mệt mỏi quá độ.
Khi bị xuất huyết tiêu hóa, người bệnh thường có các triệu chứng như:
- Đau đột ngột vùng bụng, thượng vị: Thường xuất hiện ở người từng mắc các bệnh lý về dạ dày tá tràng nhất là viêm loét dạ dày…
- Bụng cồn cào, người khó chịu, nóng rát vùng bụng
- Cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, nôn hoặc buồn nôn khi làm việc quá sức hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột.
- Đột ngột nôn ra nhiều máu tươi, thường gặp ở người vỡ tĩnh mạch thực quản.
Xuất huyết tiêu hóa có thể gây ra các biến chứng như: Thiếu máu và oxy lên não gây co giật; sốc do mất máu đột ngột; khó thở, đau ngực; nhũn não hôn mê và nếu nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong.
Chăm sóc bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa
Có thể thấy, xuất huyết tiêu hóa là căn bệnh nguy hiểm. Ngay khi có các triệu chứng bệnh, bệnh nhân nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị. Sau quá trình điều trị, để dạ dày được phục hồi tốt hơn, cần xây dựng chế độ chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa. Cụ thể:
Đối với bệnh nhân
Chăm sóc đúng cách không chỉ hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị, phục hồi mà còn giúp ngăn ngừa các biến chứng. Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cần được chăm sóc như sau:
- Tạo không gian yên tĩnh, tránh gây ồn ào để bệnh nhân được nghỉ ngơi.
- Cần chuẩn bị ống thở oxy sẵn sàng đề phòng trường hợp khi bệnh nhân khó thở sẽ sử dụng ngay nhằm tránh để người bệnh choáng váng, hôn mê.
- Giảm các cơn đau do vết mổ cho bệnh nhân hoặc các triệu chứng bệnh, tốt nhất là nên chườm ấm lên vùng bụng của bệnh nhân để giúp làm dịu cơn đau.
- Bệnh nhân cần hạn chế di chuyển nhiều, vận động mạnh, có thể đi lại nhẹ nhàng để thư giãn, tránh kê cao gối khi nằm.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, nên ăn uống đầy đủ để nhanh chóng hồi phục.
- Bệnh nhân chỉ nên ăn với lượng vừa phải, không nên quá đói hoặc quá no, trong giai đoạn hồi phục, chỉ nên sử dụng các thức ăn dễ tiêu hóa, tốt cho dạ dày.
Đối với người nhà bệnh nhân
Khi chăm sóc bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, người nhà cần:
- Thực hiện theo đúng yêu cầu của bác sĩ, cho bệnh nhân uống đúng thuốc, đúng giờ, đủ liều lượng.
- Thường xuyên theo dõi tình trạng chảy máu tiêu hóa trong ống thông. Ống thông được đặt trong cơ thể người bệnh nhằm để hút hết lượng máu đông trong dạ dày.
- Nên động viên tạo không khí thoải mái, khuyến khích người bệnh ăn uống đầy đủ, tránh căng thẳng mệt mỏi, suy nghĩ nhiều ảnh hưởng đến tình trạng bệnh.
- Đưa người bệnh tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ để kịp thời nắm bắt tình trạng bệnh.
Hướng dẫn theo dõi tình trạng của bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa
Ngoài việc xây dựng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi phù hợp cho bệnh nhân, người nhà cũng cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh. Điều này giúp xác định sức khỏe bệnh nhân có đang chuyển biến xấu hay hồi phục tốt nhằm có biện pháp xử lý phù hợp.
Cách theo dõi tình trạng bệnh của bệnh nhân
Người nhà có thể theo dõi tình trạng bệnh của bệnh nhân như sau:
- Thường xuyên theo dõi nhịp thở, nhiệt độ cơ thể huyết áp của bệnh nhân. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường nên nhanh chóng tìm để sự trợ giúp của bác sĩ.
- Kiểm tra tình trạng đi ngoài, tinh thần của bệnh nhân đồng thời theo dõi xem tình trạng nôn của người bệnh có thuyên giảm hay không.
- Chú ý đến cân nặng của người bệnh, nên nắm được bệnh nhân tăng hay giảm cân.
- Bên cạnh đó, cũng cần đo lượng nước tiểu của bệnh nhân để kiểm tra triệu chứng thiểu niệu hoặc vô niệu.
Dấu hiệu cho thấy bệnh nhân hồi phục tốt
Có thể nhận biết bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục và hồi phục tốt thông qua các biểu hiện như:
- Tinh thần thoải mái, giảm dần các triệu chứng và cảm giác đau đớn, khó chịu do bệnh gây ra.
- Các chỉ số cơ thể đều ở mức ổn định và bình thường
- Không có các triệu chứng như đau bụng, đau thượng vị dữ dội, nôn hoặc đi ngoài ra máu.
- Có thể đi lại thoải mái và ăn uống bình thường.
Chế độ dinh dưỡng cho người bị xuất huyết tiêu hóa
Sau khi cấp cứu, bên cạnh việc nghỉ ngơi, sử dụng thuốc theo chỉ định, để hỗ trợ quá trình hồi phục, tránh gây kích thích niêm mạc đường tiêu hóa, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý. Cụ thể:
Người bị xuất huyết tiêu hóa nên ăn gì?
Người bị xuất huyết tiêu hóa nên ăn uống đúng giờ, tránh ăn khuya, nên chia nhỏ bữa ăn và thực hiện chế độ ăn uống hợp lý giúp giảm lượng acid dịch vị trong dạ dày, giúp các vết thương tại vùng niêm mạc bị xuất huyết nhanh lành.
Các thực phẩm nên ăn bao gồm:
- Thực phẩm giúp bọc niêm mạc dạ dày: Tốt cho đường tiêu hóa đặc biệt là người bị xuất huyết tiêu hóa. Các thực phẩm này bao gồm khoai tây, khoai lang, bánh mì, cơm, các loại gạo nếp, khoai sắn…
- Thực phẩm giúp giảm tiết dịch vị: Dịch vị nhiều sẽ tác động lên niêm mạc dà dày, ống tiêu hóa, ảnh hưởng đến tình trạng xuất huyết. Vì thế nên dùng các thực phẩm giúp giảm tiết dịch vị như mật ong, đường bánh quy…
- Thực phẩm giúp trung hòa acid: Thường dùng là trứng, sữa; người bệnh có thể uống sữa nguội, sữa ấm hoặc ăn trứng luộc.
- Thức ăn mềm: Trong những ngày đầu sau điều trị, bệnh nhân chỉ nên ăn các thức ăn mềm, lỏng dễ tiêu hóa như canh hầm nhừ, cháo, súp, sữa nguội, sữa chua… Ngoài ra, nên ăn các loại rau củ quả non mềm, ít xơ già để giảm gánh nặng cho dạ dày và đường tiêu hóa.
Người bị xuất huyết tiêu hóa không nên ăn gì?
Bên cạnh những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa, để tránh kích thích niêm mạc dạ dày, không làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, người bệnh cần hạn chế, không sử dụng những thực phẩm sau đây:
- Rau sống thực phẩm chưa chế biến: Chứa nhiều vi khuẩn, có thể khiến tình trạng xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng hơn.
- Thực phẩm dai, khó tiêu: Các thực phẩm dai, nhiều xơ già, thô cứng ảnh hưởng đến đường tiêu hóa là sụn, gân, rau củ quả già… Các thực phẩm nhiều chất béo, khó tiêu không nên ăn là lạp xưởng, xúc xích, dăm bông…
- Thực phẩm kích thích niêm mạc: Các thực phẩm làm chua như dưa muối, củ kiệu, cải chua, các loại hoa quả, trái cây nước uống có vị chua.
- Các gia vị mạnh như hành, tỏi, ớt, giấm, tiêu
- Đồ uống không tốt cho hệ tiêu hóa như cà phê, nước ngọt có ga, rượu bia
- Tuyệt đối không hút thuốc lá, hít nhiều khói thuốc lá trong và sau điều trị.
Phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa
Để ngăn ngừa tình trạng xuất huyết tiêu hóa tái phát, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Xây dựng chế độ làm việc, nghỉ ngơi khoa học, hạn chế căng thẳng mệt mỏi
- Ngủ đủ giấc, tốt nhất là 8 tiếng/ngày và ngủ trước 23h mỗi ngày để tránh gây áp lực cho hệ tiêu hóa
- Trước khi dùng thuốc kháng viêm, cần hỏi ý kiến bác sĩ, tránh tác dụng phụ
- Tái khám định kỳ để có biện pháp xử lý phù hợp dù có dấu hiệu tái phát hay không
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, có thể tham gia các hoạt động vận động nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đánh cầu lông.
Tóm lại, trên đây là một số hướng dẫn giúp chăm sóc bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa tốt nhất mà mọi người có thể tham khảo và áp dụng để chăm sóc những người thân yêu của mình. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn không còn lúng túng khi gặp phải trường hợp này.