Các loại thuốc trị táo bón cho trẻ em & lưu ý khi dùng
Bệnh táo bón ở trẻ em thường xảy ra đột ngột nhưng đôi khi từ từ. Và hầu hết các bậc cha mẹ đều chữa bệnh cho con ngay tại nhà bằng cách thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu các biện pháp điều trị này không mang lại kết quả, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc trị táo bón cho trẻ em để cải thiện triệu chứng bệnh cho con.
Táo bón ở trẻ em là bệnh lý dễ phát hiện dựa trên dấu hiệu đi cầu của con trẻ. Nếu trẻ còn đang bú mẹ đi tiêu duới 3 lần trong tuần và trẻ lớn dưới 2 lần kèm theo triệu chứng phân rắn, vón cục hoặc cứng, rặn khi đi cầu,… khả năng trẻ mắc bệnh táo bón là khá cao. Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ có thể là do nhịn tiêu hoặc chế độ dinh dưỡng không đầy đủ. Ngoài ra, bệnh hình thành cũng có thể do trẻ lười vận động hay do tác dụng phụ của thuốc.
Bệnh táo bón ở trẻ tuy không gây bất kỳ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nếu không được điều trị sớm, về lâu dài có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như:
- Trẻ bị suy dinh dưỡng
- Biếng ăn
- Chậm lớn
- Thường xuyên đầy hơi, trướng bụng hoặc ăn khó tiêu,…
Táo bón khiến chất độc trong phân không được đào thải ra ngoài, tích tụ trong cơ thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm. Vì vậy, để kiểm soát và ngăn ngừa bệnh gây biến chứng, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện khám, chẩn đoán và điều trị.
Những loại thuốc trị táo bón cho trẻ em
Biện pháp điều trị táo bón cho trẻ em thường được các bậc phụ huynh áp dụng đó là thay đổi chế độ ăn và thói quen sinh hoạt hàng ngày của con trẻ. Một chế độ ăn nhiều chất xơ là cần thiết đối với trẻ. Bởi việc bổ sung chất xơ nhiều sẽ giúp tăng khối lượng phân, giúp phân mềm và dễ tống ra ngoài hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên cho con uống nhiều nước và tăng cường vận động. Bởi bổ sung đủ nước và vận động thường xuyên sẽ giúp thức ăn di chuyển dọc theo đường ruột và tăng cường chức năng hoạt động của ruột, hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp áp dụng các biện pháp này nhưng triệu chứng táo bón của trẻ không thuyên giảm, cha mẹ cần trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc trị táo bón cho trẻ em. Việc sử dụng thuốc đúng liều lượng và đúng cách giúp điều trị và ngăn ngừa bệnh tái phát ở trẻ.
Dưới đây là danh sách các loại thuốc trị táo bón cho trẻ thường được bác sĩ kê đơn:
1. Thuốc trị táo bón tăng thẩm thấu
Thuốc trị táo bón tăng tính thẩm thấu là một trong những loại thuốc trị táo bón có thể dùng ở trẻ nhằm cải thiện triệu chứng đầy hơi và khó chịu ở bụng. Thuốc có tác dụng giảm khả năng hấp thụ nước ở thành ruột nhưng giúp làm tăng lượng nước trong lòng ruột. Chính vì vậy mà thuốc giúp làm mềm phân, dễ dàng tống ra ngoài. Một số loại thuốc trị táo bón tăng thẩm thấu ở trẻ như Sorbitol (Sorbitol), Lactulose (Duphalac) và Polyethylene Glycol (Forlax),…
2. Thuốc trị táo bón tạo khối
Thuốc trị táo bón tạo khối bao gồm các hợp chất thiên nhiên như cám lúa mì, agar – agar, thạch, gôm Sterculia hay bán tổng hợp (methyl cellulose). Các loại thuốc này khi vào cơ thể không bị hấp thu nhưng nhờ tính hút nước và trương nở, chúng giúp làm tăng khối lượng phân. Đồng thời giúp kích thích nhu động ruột hoạt động tốt hơn, làm mềm phân và giúp đẩy phân ra ngoài dễ dàng. Tuy nhiên, vì thuốc có tính hút nhiều nước, do đó, cha mẹ nên cho con uống đúng liều lượng.
3. Thuốc làm mềm phân
Thuốc làm mềm phân bao gồm glycerol (Rectiofar), parafin lỏng và docusate. Thuốc thường dùng dưới dạng bơm trực tiếp vào hậu môn của trẻ nhằm giúp làm mềm phân và kích thích trẻ đi đại tiện. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ không nên sử dụng thuốc ở trẻ quá thường xuyên. Lý do là vì thuốc có thể gây kích ứng niêm mạc trực tràng gây tổn thương.
Lưu ý khi sử dụng thuốc trị táo bón cho trẻ em
Khi sử dụng thuốc điều trị bệnh cho con trẻ, cha mẹ cần lưu ý những điều sau đây:
- Thuốc điều trị táo bón cho con trẻ cần dùng dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng thuốc khi chưa có sự đồng ý của nhân viên y tế
- Liều lượng và thời gian sử dụng thuốc cần tuân thủ đúng theo yêu cầu in trên bao bì hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ. Tốt nhất nên cho trẻ uống thuốc cùng một giờ vào mỗi ngày
- Để bé uống thuốc dễ dàng hơn, cha mẹ có thể trộn thuốc với nước hoa quả hoặc nước lọc cho trẻ uống
- Không nên lạm dụng thuốc trị táo bón ở trẻ vì thuốc có thể gây các tác dụng phụ như co thắt cơ bụng, tiêu chảy, nôn hoặc trướng bụng,… Trong trường hợp sử dụng thuốc nếu trẻ bị tiêu chảy do viêm ruột, cha mẹ nên giảm liều hoặc ngừng sử dụng tạm thời
- Bổ sung men vi sinh hoặc thực phẩm chứa prebiotic cho trẻ. Đây đều là những thực phẩm có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ, giúp cung cấp hệ vi sinh vật có lợi cho đường ruột và giúp tăng cường chức năng hoạt động, giúp giảm chứng táo bón
- Nên tập luyện cho trẻ thói quen đi đại tiện mỗi ngày. Cha mẹ nên tập cho con đi tiêu sau bữa ăn tối 20 – 30 phút. Đồng thời nên tập cho con tư thế ngồi đại tiện đúng với lưng thẳng hoặc hơi nghiêng về phía trước, 2 chân chạm mặt sàn.
- Chế độ ăn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện bệnh táo bón. Do đó, cha mẹ nên cho con ăn nhiều loại thực phẩm có chứa chất xơ và tính nhớt như mồng tơi, rau đay, đu đủ và thanh long, chuối,…
- Nên cho trẻ uống nhiều nước. Đối với trẻ còn bú, cha mẹ nên cho bú ít nhất 500 – 600 ml/ngày
Trên đây là các loại thuốc trị táo bón cho trẻ em thường được bác sĩ kê đơn. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, cha mẹ cũng nên thực hiện các biện pháp khắc phục khác như massage bụng cho trẻ, thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt để tăng tính hiệu quả, giúp quyết nhanh chứng táo bón ở con trẻ. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên đưa trẻ thăm khám nếu triệu chứng táo bón kéo dài trên một tuần và kèm theo các biểu hiện như chán ăn, đi tiêu ra máu.