Búi trĩ bị Viêm – Có mủ – Hoại tử nguy hiểm thế nào & Cách trị
Búi trĩ bị viêm, có mủ và hoại tử là các cấp độ tiến triển của bệnh trĩ. Khi xuất hiện những biểu hiện này, cần tiến hành điều trị để tránh các biến chứng nguy hiểm phát sinh.
Búi trĩ bị Viêm – Có mủ – Hoại tử là gì?
Búi trĩ là tình trạng mạch máu ở trực tràng và hậu môn bị kéo giãn, gây ứ huyết và tạo thành từng búi. Sự xuất hiện của búi trĩ gây ra triệu chứng đau rát, khó chịu, ngứa ngáy và khó khăn khi đi đại tiện.
Ban đầu búi trĩ thường có dấu hiệu viêm, sau đó chuyển sang giai đoạn có mủ và cuối cùng là hoại tử. So với giai đoạn đầu, búi trĩ có mủ thường gây ra triệu chứng có mức độ nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên nếu để búi trĩ hoại tử, bạn có thể gặp phải triệu chứng đau đớn dữ dội và có nguy cơ lây lan nhiễm trùng sang các cơ quan lân cận.
Nguyên nhân khiến búi trĩ bị viêm, có mủ và hoại tử
Búi trĩ là hệ quả do sự giãn nở quá mức của mạch máu ở trực tràng và hậu môn. Do đó khi máu ứ đọng tại cơ quan này, búi trĩ sẽ có xu hướng sưng viêm và đỏ rát. Đây là giai đoạn nhẹ nhất và có khả năng điều trị bằng các phương pháp bảo tồn.
Tuy nhiên nếu không kịp thời điều trị hoặc mắc phải các sai lầm trong chế độ chăm sóc, ăn uống, sinh hoạt, búi trĩ có thể bị bội nhiễm, dẫn đến tình trạng ứ mủ tại cơ quan này.
Còn với búi trĩ bị hoại tử, nguyên nhân trực tiếp là do tắc mạch ở trực tràng. Khi búi trĩ bị viêm, các mạch máu nhỏ có thể vỡ ra, gây xuất huyết và tắc mạch. Mạch máu bị tắc làm gián đoạn quá trình tuần hoàn oxy và dưỡng chất đến vùng trực tràng, từ đó gây hoại tử búi trĩ.
Dấu hiệu nhận biết búi trĩ viêm, hoại tử và có mủ
Ở từng giai đoạn cụ thể, triệu chứng của bệnh trĩ sẽ có mức độ khác nhau.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết búi trĩ viêm:
- Búi trĩ có thể nằm sâu bên trong trực tràng hoặc lòi ra khỏi hậu môn
- Có cảm giác đau hậu môn khi ngồi hoặc mang vác nặng
- Khó khăn khi đi đại tiện
- Luôn có cảm giác buồn đi đại tiện
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết búi trĩ có mủ:
- Vùng hậu môn – trực tràng đau rát và sưng nóng
- Hậu môn có thể tiết dịch hoặc có mùi hôi
- Đau rát khi đi đại tiện hoặc mang vác nặng
- Phân có dịch hoặc mủ lẫn bên trong
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết búi trĩ hoại tử:
- Vùng trực tràng – hậu môn đau rát dữ dội
- Phân có kèm máu và mùi hôi khó chịu
- Không thể đi đại tiện hoặc mất rất nhiều thời gian mới đi được
- Có dấu hiệu viêm và nhiễm trùng ở ngoài hậu môn
Búi trĩ bị viêm, có mủ và hoại tử có nguy hiểm không?
Búi trĩ viêm là tình trạng phổ biến và có mức độ nhẹ nhất. Trong khi đó búi trĩ có mủ và hoại tử là dấu hiệu cảnh báo bệnh trĩ đã tiến triển theo chiều hướng xấu.
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và hiệu suất làm việc mà còn có nguy cơ gây ra các biến chứng như thiếu máu, lở loét hậu môn, thủng trực tràng,… Vì vậy khi nhận thấy búi trĩ hình thành, bạn nên tiến hành điều trị để dự phòng các rủi ro có thể xảy ra.
Cách điều trị búi trĩ viêm, có mủ và hoại tử
Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ dựa vào biểu hiện thực thể, kích thước và mức độ tổn thương ở búi trĩ để chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
1. Điều trị búi trĩ bị viêm
Phần lớn các trường hợp búi trĩ bị viêm đều được điều trị nội khoa bằng cách sử dụng thuốc và thay đổi một số thói quen ăn uống.
Các loại thuốc được chỉ định cho trường hợp viêm búi trí:
- Sử dụng thuốc bôi giảm viêm (Mastu – S, Proctolog,…): Những loại thuốc này được thoa trực tiếp lên búi trĩ nhằm giảm viêm, hạn chế chảy máu, cải thiện ngứa ngáy và giảm mức độ tổn thương mô. Tuy nhiên trước khi sử dụng thuốc bôi, cần đi đại tiện và vệ sinh hậu môn bằng nước sạch.
- Thuốc gây tê và giảm đau tại chỗ (Trimebutin, Medicone, Dibucaine,…): Loại thuốc này có tác dụng gây tê niêm mạc hậu môn và làm giảm cơn đau do búi trĩ gây ra.
- Thuốc bôi chứa vitamin E: Vitamin E có khả năng dưỡng ẩm và làm dịu niêm mạc. Do đó sử dụng loại thuốc này lên búi trĩ có thể giảm ngứa ngáy và hạn chế tình trạng chảy máu.
- Thuốc co mạch (Epinephrine, Phenylephrine, Norepinephrine,…): Những loại thuốc này được sử dụng ở ở đường uống nhằm giảm sưng viêm và thu nhỏ kích thước búi trĩ.
- Thuốc chống viêm (Hydrocortisone): Được sử dụng nhằm làm giảm hiện tượng viêm ở búi trĩ, từ đó cải thiện triệu chứng sưng đau, ngứa rát,… do bệnh trí gây ra.
- Thuốc giảm đau (Acetaminophen, NSAIDs): Thuốc giảm đau toàn thân được sử dụng nếu triệu chứng đau rát ở búi trĩ có xu hướng tăng lên và ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt thông thường.
2. Điều trị búi trĩ có mủ
Búi trĩ có mủ là biểu hiện cho thấy vùng hậu môn đã bị bội nhiễm. Với trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định thuốc kháng sinh và một số loại thuốc giảm đau thông thường.
- Thuốc kháng sinh (Carbapenem, Penicillin và Cephalosporin): Loại thuốc này có tác dụng ức chế vi khuẩn và cải thiện tình trạng nhiễm trùng ở búi trĩ.
- Thuốc giảm đau như Acetaminophen hay NSAIDs cũng có thể được sử dụng để cải thiện cơn đau do búi trĩ có mủ gây ra.
3. Điều trị búi trĩ hoại tử
Với những trường hợp hoại tử, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật để hạn chế nhiễm trùng lây lan. Bên cạnh đó, bệnh nhân thường được sử dụng kháng sinh trong trường hợp đã có dấu hiệu bội nhiễm.
Ngoài ra phẫu thuật cũng có thể được áp dụng với trường hợp búi trĩ bị viêm và mủ nhưng có kích thước lớn hoặc đáp ứng kém với điều trị nội khoa.
Các phương pháp phẫu thuật để loại bỏ búi trĩ, bao gồm:
- Phương pháp Longo
- Cắt trĩ với tia laser
- Phương pháp Milligan Morgan
- Phẫu thuật trĩ với phương pháp siêu âm Doppler – THD
- Cắt búi trĩ bằng sóng cao tần HCPT
Phẫu thuật búi trĩ có thể điều trị bệnh dứt điểm. Tuy nhiên can thiệp ngoại khoa có khả năng gây ra các rủi ro và biến chứng nguy hiểm. Vì vậy bạn nên trao đổi kỹ càng với bác sĩ trước khi quyết định thực hiện.
Thông tin về các biện pháp điều trị búi trĩ bị viêm, có mủ và hoại tử trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán và tiến hành các biện pháp khắc phục phù hợp.