Biểu hiện bệnh trĩ giai đoạn đầu và giải pháp điều trị

Đối với bệnh trĩ, việc phát hiện ngay từ giai đoạn đầu sẽ giúp việc điều trị trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời có thể ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh hoạt.

Phát hiện bệnh trĩ qua những biểu hiện ở giai đoạn đầu

Việc phát hiện bệnh trĩ khi nó còn ở giai đoạn đầu chính là cách tốt nhất để bạn có thể điều trị dễ dàng. Tuy nhiên, triệu chứng ở giai đoạn này thường chưa rõ nét. Điều này thường sẽ khiến cho người bệnh chủ quan và không phát hiện ra.

Để có thể sớm nhận biết, bạn cần nắm được những biểu hiện của bệnh ngay từ giai đoạn đầu. Các triệu chứng có thể sẽ có những điểm khác biệt ở bệnh trĩ nội và trĩ ngoại.

1. Đối với bệnh trĩ ngoại

Trĩ ngoại là một dạng của bệnh trĩ nhưng các búi trĩ được hình thành ngay phía bên dưới đường lược. Thời kỳ đầu của bệnh trĩ ngoại thường ít khi xuất hiện các dấu hiệu đặc trưng nên thường dễ bị bỏ qua.

Tuy nhiên, nếu chú ý thì người bệnh có thể vẫn sẽ nhận diện được một số triệu chứng sau đây:

  • Đại tiện gặp khó khăn, thường gây đau đớn, khó chịu
  • Có sự hiện diện của các búi trĩ nhỏ gây đau và ngứa ngáy
  • Nếp gấp hậu môn bị kích thích dẫn đến sưng viêm
  • Hậu môn có dấu hiệu nóng rát do viêm và sưng phồng tĩnh mạch
  • Có xuất hiện dịch nhầy, ẩm ướt hậu môn

2. Đối với bệnh trĩ nội

So với bệnh trĩ ngoại thì bệnh trĩ nội khi còn ở giai đoạn đầu sẽ có phần khó phát hiện hơn. Nhưng nếu chú ý quan sát và theo dõi thì người bệnh cũng có thể sẽ phát hiện thông qua một số biểu hiện sau:

  • Có máu đỏ tươi xuất hiện trên khăn giấy hay nhỏ giọt vào bồn cầu.
  • Búi trĩ hiếm khi gây khó chịu hay đau đớn nhưng bạn vẫn có thể thấy ngứa xung quanh vùng hậu môn.
  • Cảm thấy nóng rát mỗi lần đi đại tiện.
  • Có hiện tượng chảy dịch tạp điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây ướt át, khó chịu.
biểu hiện bệnh trĩ giai đoạn đầu
Đi ngoài có dính máu là một trong những biểu hiện bệnh trĩ giai đoạn đầu

Trong trường hợp mắc bệnh trĩ hỗn hợp thì bạn đồng thời sẽ gặp phải các triệu chứng của cả trĩ nội lẫn trĩ ngoại. Cần chú ý theo dõi để sớm phát hiện và thăm khám, tránh bệnh diễn tiến nặng nề.

Chẩn đoán bệnh trĩ giai đoạn đầu

Để chẩn đoán bệnh trĩ giai đoạn đầu, trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành việc thăm khám lâm sàng. Một số câu hỏi về triệu chứng cùng với lịch sử y tế của bạn sẽ thường được bác sĩ đặt ra.

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra triệu chứng một cách trực tiếp bằng cách yêu cầu bạn nằm nghiêng, hướng đầu gối về phía trước ngực. Tiếp đến, bác sĩ sẽ sử dụng tay để chia phần mông của bạn ra và quan sát hậu môn.

Việc thăm khám lâm sàng thường đã có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh trĩ ngoại. Tuy nhiên, đối với bệnh trĩ nội thì bác sĩ thường phải yêu cầu các thủ thuật y khoa chuyên sâu hơn.

Xét nghiệm nội soi là thủ thuật cơ bản nhất giúp chẩn đoán bệnh trĩ một cách chính xác. Hình ảnh nội soi sẽ cho phép bác sĩ quan sát rõ những tổn thương hiển thị bên trong hậu môn cũng như trực tràng.

Giải pháp điều trị khi bệnh trĩ còn ở giai đoạn đầu

Bệnh trĩ nếu phát hiện ngay từ giai đoạn đầu thì việc điều trị thường không quá phức tạp. Thời gian điều trị sẽ được rút ngắn và việc dự phòng bệnh tái phát cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Sau đây là một số giải pháp điều trị thường được áp dụng cho bệnh trĩ ở giai đoạn đầu.

1. Phương pháp dân gian

Đối với bệnh trĩ ở giai đoạn đầu thì việc sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên hoàn toàn có thể đáp ứng triệu chứng. Phương pháp dân gian có một ưu điểm vượt trội là lành tính, ít tác dụng phụ và không tốn kém. Chính vì thế mà từ lâu đã được sử dụng rất rộng rãi.

Bạn có thể thử áp dụng một số cách được hướng dẫn ngay dưới đây:

Sử dụng gel nha đam:

Đây là nguyên liệu tự nhiên rất dễ tìm được sử dụng phổ biến trong khắc phục các vấn đề về da. Đối với bệnh trĩ ở giai đoạn đầu thì việc dùng gel nha đam có thể giúp cải thiện triệu chứng.

điều trị bệnh trĩ giai đoạn đầu
Tinh chất từ gel nha đam giúp chống viêm và hỗ trợ chữa lành tổn thương do bệnh trĩ

Những thành phần khoáng chất trong gel nha đam không chỉ giúp làm dịu da mà còn giúp kháng viêm, chống khuẩn. Ngoài ra, enzyme bradykinase có trong nguyên liệu này còn hỗ trợ giảm đau. Đồng thời phục hồi niêm mạc tế bào bị tổn thương do bệnh trĩ gây ra.

Thực hiện:

  • Lá nha đam đem rửa sạch, gọt bỏ vỏ và cạo lấy gel.
  • Trộn đều gel nha đam và dầu oliu theo tỷ lệ 2:1.
  • Thoa hỗn hợp này lên búi trĩ và vùng da ở xung quanh sau khi đã vệ sinh hậu môn sạch sẽ.
  • Để nguyên trong ít nhất 20 phút rồi rửa lại với nước ấm.

Chườm đá:

Khi bị bệnh trĩ thì các tĩnh mạch tại trực tràng và hậu môn sẽ bị giãn ra, xung huyết và dẫn đến sưng tấy, đau nhức. Việc dùng đá chườm lên búi trĩ sẽ giúp giảm sưng đau và thu nhỏ tĩnh mạch.

Thực hiện:

  • Dùng khăn sạch để bọc đá lạnh
  • Chườm nhẹ lên búi trĩ trong khoảng 20 phút
  • Không được kéo dài thời gian chườm bởi có thể gây bỏng lạnh

Sử dụng giấm táo:

Việc sử dụng giấm táo rất phù hợp với đối tượng bị bệnh trĩ ngoại ở giai đoạn đầu. Giấm táo có tác dụng kháng viêm, sát trùng và loại bỏ vi khuẩn rất tốt. Ngoài ra những thành phần có trong nó còn giúp giảm ngứa và đau rát khi búi trĩ bị sưng tấy.

Thực hiện:

  • Dùng 1 thìa dấm táo pha loãng với một bát nước
  • Sử dụng hỗn hợp này để vệ sinh vùng hậu môn
  • Có thể áp dụng mỗi ngày 2 lần vào mỗi buổi sáng và buổi tối

Dùng nghệ vàng và diếp cá:

Kết hợp nghệ vàng, diếp cá và quả sung cũng là một liệu pháp chữa bệnh trĩ giai đoạn đầu được áp dụng rất phổ biến. Các nguyên liệu này đều có tác dụng diệt khuẩn và kháng viêm tốt. Đồng thời có thể cải thiện các triệu chứng sưng đau hay ngứa ngáy ở vùng hậu môn.

Thực hiện:

  • Cần có 1 củ nghệ vàng, 1 nắm lá diếp cá và 1 quả sung.
  • Các nguyên liệu trên đem rửa sạch, để ráo.
  • Nghệ đem gọt vỏ rồi giã nát, sung cắt đôi, diếp cá vò sơ.
  • Cho tất cả nguyên liệu vào nồi đun sôi với 2 lít nước trong 20 phút.
  • Chờ nước nguội còn khoảng 50 – 60 độ thì dùng để ngâm hậu môn.

Với cách này cần chú ý đến nhiệt độ của nước thuốc, nếu quá nóng có thể sẽ gây bỏng nhưng quá lạnh lại không đem lại kết quả tốt.

2. Sử dụng thuốc Tây

Các chuyên gia cho rằng, bệnh trĩ ở giai đoạn đầu hoàn toàn có thể đáp ứng bằng cách điều trị nội khoa. Trong đó việc sử dụng thuốc được cho là phương án đơn giản nhưng vẫn mang lại kết quả tốt.

cách chữa bệnh trĩ giai đoạn đầu
Một số thuốc điều trị tại chỗ có thể được chỉ định để điều trị trĩ giai đoạn đầu

Trong trường hợp này, bác sĩ có thể kê toa cho người bệnh sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm hay chống nhiễm trùng. Và cũng tùy thuộc vào biểu hiện của triệu chứng cũng như dạng bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc phù hợp.

Sau đây là những lựa chọn thường được ưu tiên:

  • Titanoreine
  • Hydrocortisone
  • Proctolog

Các loại thuốc này mặc dù được dùng để điều trị tại chỗ nhưng vẫn sẽ có nguy cơ gây ra các tác dụng ngoại ý. Chính vì thế mà người bệnh cần chú ý khi sử dụng. Hãy đảm bảo rằng bạn luôn dùng thuốc đúng cách theo chỉ dẫn từ bác sĩ. Khi có vấn đề bất thường xảy ra, cần chủ động báo cáo để được hỗ trợ kịp thời.

3. Các bài tập hỗ trợ điều trị

Ngoài việc dùng thuốc Tây hay áp dụng các mẹo chữa dân gian thì người bệnh còn có thể thực hiện các bài tập để hỗ trợ điều trị. Các bài tập được hướng dẫn dưới đây được cho là có thể giúp cải thiện triệu chứng bệnh trĩ một cách rệt.

Bài tập co thắt hậu môn:

  • Đứng thẳng người, toàn thân thả lỏng, mông và đùi kẹp chặt.
  • Hít sâu vào, áp lưỡi vào vòm họng và thít chặt vùng hậu môn lại.
  • Thở ra từ từ và thả lỏng dần cơ thể.
  • Lặp lại động tác trên trong khoảng từ 15 – 20 lần.

Bài tập hô hấp bằng bụng:

  • Nằm ngửa và thả lỏng toàn thân, 2 tay chồng chéo lên nhau và để trên bụng.
  • Tiến hành hít thở. Lúc hít vào thì phồng bụng lên. Khi thở ra cần hóp bụng vào.
  • Lặp lại các thao tác trên trong vòng 10 – 20 lần.

Bài tập nâng xương chậu:

  • Nằm ngửa, co đầu gối lại để gót chân chạm mông.
  • 2 tay đặt sau đầu, dùng lòng bàn chân và vai làm trọng tâm.
  • Từ từ hít vào và nâng vùng xương chậu lên, đồng thời thít hậu môn lại.
  • Thở ra từ rừ và thả lỏng cơ thể.
  • Lặp lại động tác trên khoảng 20 lần.

**Chú ý: Các bài tập hỗ trợ điều trị bệnh trĩ chỉ nên áp dụng khi các triệu chứng của bệnh còn ở mức độ nhẹ. Tuyệt đối không thực hiện khi bị sa búi trĩ nặng, viêm nhiễm, phù nề hoặc nứt kẽ hậu môn.

Chăm sóc và dự phòng khi bị bệnh trĩ giai đoạn đầu

Đây cũng là một vấn đề đặc biệt quan trọng mà người mắc bệnh trĩ giai đoạn đầu cần hết sức chú ý. Việc chăm sóc tốt không chỉ giúp bệnh nhanh lành mà còn ngăn ngừa được nguy cơ bệnh tái diễn.

Sau đây là những vấn đề cần lưu tâm:

1. Cân bằng chế độ ăn uống

Chế độ ăn không khoa học chính là một trong những nguyên nhân gây bệnh trĩ hoặc khiến cho triệu chứng của bệnh thêm nặng nề. Khi mắc bệnh lý này, bạn cần chú ý ăn các thực phẩm giàu chất xơ lành mạnh. Điển hình như rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên cám…

chữa bệnh trĩ giai đoạn đầu
Bổ sung chất xơ trong khẩu phần ăn là điều mà bệnh nhân trĩ nên làm

Bên cạnh đó, cần tránh các loại đồ ăn cay nóng, thức ăn mặn, thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ… Bởi những loại thức ăn này thường cản trở tiêu hóa, tăng nguy cơ táo bón. Từ đó gây đau rát nhiều hơn khi đại tiện.

2. Điều chỉnh thói quen đại tiện

Đây cũng là vấn đề mà người bệnh cần chú ý ngay khi bệnh trĩ còn ở giai đoạn đầu. Bởi đại tiện không đúng cách cũng có thể làm triệu chứng nặng thêm, khiến các búi trĩ bị sa ra ngoài nhiều hơn. Tuyệt đối không nên rặn khi đại tiện, đồng thời cố gắng thiết lập thói quen đi tại tiện theo một khung giờ nhất định.

3. Uống nhiều nước

Việc đáp ứng đủ nhu cầu chất lỏng cơ thể cần mỗi ngày luôn là cách tốt để hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn. Uống đủ nước cũng là cách tốt để ngăn ngừa nguy cơ táo bón. Đồng thời giúp đào thải chất cặn bã ra ngoài dễ dàng, tránh gây đau rát hậu môn khi đại tiện.

4. Mặc quần áo rộng thoáng

Khi bị bệnh trĩ ở bất cứ giai đoạn nào thì bạn vẫn nên lựa chọn quần áo rộng thoáng. Điều này sẽ giúp tránh làm nặng nề thêm các triệu chứng. Bởi quần áo chật sẽ làm tăng ma sát, khiến cho vùng hậu môn nóng rát và khó chịu hơn. Chính vì thế, việc chọn chất liệu quần áo mỏng nhẹ, thiết kế rộng thoáng là hoàn toàn phù hợp khi bạn đang mắc bệnh trĩ.

Bệnh trĩ giai đoạn đầu thường không gây ra các biến chứng nghiêm trọng và hoàn toàn có thể đáp ứng với điều trị nội khoa. Tuy nhiên, nếu không sớm phát hiện và can thiệp đúng cách, bệnh sẽ diễn tiến rất nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và quá trình chữa trị.