Bị xuất huyết dạ dày có phải mổ không?
Xuất huyết dạ dày không phải là bệnh mà chính là một biến chứng phát sinh khi dạ dày bị tổn thương nặng. Liệu xuất huyết dạ dày có phải mổ không hay chỉ cần điều trị nội khoa? Vấn đề này sẽ được bác sĩ chuyên khoa lý giải với thông tin từ bài viết bên dưới.
Xuất huyết dạ dày có phải mổ không? Bác sĩ tư vấn
Tình trạng xuất huyết dạ dày đặc trưng bởi hiện tượng các tĩnh mạch ngay tại dạ dày bị vỡ gây chảy máu. Đây có thể là hệ quả của việc sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid trong thời gian kéo dài. Và trong rất nhiều trường hợp, nó là biến chứng của các bệnh như viêm loét dạ dày tá tràng hay ung thư dạ dày.
Khi bị xuất huyết dạ dày, người bệnh sẽ thường gặp các triệu chứng như nôn ra máu, đi ngoài ra máu hay đau rất dữ dội ở vùng thượng vị. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp tình trạng sốc cùng các biến chứng nghiêm trọng nếu chảy máu nhiều và đột ngột. Vậy làm thế nào để điều trị xuất huyết dạ dày, có cần phải mổ không?
Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc, bà cho biết:
“Xuất huyết dạ dày là một tình trạng y tế rất nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nếu không can thiệp kịp thời. Tùy theo mức độ của vấn đề mà sẽ có cách can thiệp phù hợp.
Khi ở mức độ nhẹ, tình trạng chảy máu hoàn toàn có thể đáp ứng với điều trị nội khoa. Bởi lúc này tổn thương dạ dày chưa quá nghiêm trọng. Sau khi cho người bệnh sử dụng thuốc cầm máu để ức chế triệu chứng, bác sĩ chỉ định thêm các thuốc khác để duy trì điều trị.
Tuy nhiên, đối với trường hợp chảy máu nhiều với mức độ nghiêm trọng thì phương án điều trị nội khoa sẽ không còn khả năng đáp ứng. Lúc này, bắt buộc người bệnh phải mổ để điều trị. Nếu máu chảy nhiều khiến mất máu nghiêm trọng mà không tiến hành mổ để cầm máu kịp thời thì người bệnh sẽ đứng trước nguy cơ tử vong.
Xuất huyết dạ dày thường phải mổ trong trường hợp thủng dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng thể nặng hay ung thư dạ dày… Trong quá trình mổ bác sĩ thường sẽ truyền thêm máu để ngăn ngừa khả năng mất quá nhiều máu ảnh hưởng đến sự thành công của ca mổ.”
Như vậy, có thể thấy rằng, xuất huyết dạ dày có phải mổ hay không phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của vấn đề. Nếu bạn sớm phát hiện và xử lý kịp thì thường sẽ không phải phẫu thuật mà có thể dùng thuốc để điều trị.
Chăm sóc người bệnh xuất huyết dạ dày sau mổ
Thông thường, ngay sau khi kết thúc quá trình mổ điều trị xuất huyết dạ dày, người bệnh sẽ được yêu cầu ở lại bệnh viện để theo dõi. Điều này sẽ giúp can thiệp kịp thời nếu có bất thường hậu phẫu phát sinh.
Khi sức khỏe của bệnh nhân phục hồi trở lại, bác sĩ sẽ cho xuất viện. Tuy nhiên, ở thời gian đầu từ viện về, người bệnh cần đặc biệt chú ý đến chế độ chăm sóc. Điều này sẽ ngăn ngừa tình trạng tái diễn, đồng thời hỗ trợ chữa lành tổn thương ở niêm mạc dạ dày.
Cần chú ý đến một số vấn đề như sau:
- Ưu tiên sử dụng các loại thức ăn lỏng, mềm như cháo, súp…
- Bổ sung những thức ăn giúp hỗ trợ giảm tiết acid dịch vị tốt như: Mật ong, bánh quy, đường, dầu thực vật.
- Ăn những thức ăn giúp bọc hút niêm mạc dạ dày và chứa ít mùi vị như: Gạo nếp, khoai, bột sắn, bánh mỳ…
- Bổ sung những thức ăn có ít xơ sợi: Các loại rau củ non giúp giảm tiết dịch vị, đồng thời hỗ trợ cải thiện tình trạng dạ dày đang bị tổn thương.
- Đối với đồ uống thì nên chú ý uống nước đun sôi để nguội hoặc nước ấm. Tránh uống nước đá, cà phê hay chè đặc, thức uống có gas, có cồn.
- Chế biến thức ăn nên hấp luộc, nấu chín hầm nhừ hay nghiền nát hoặc xay nhuyễn để hỗ trợ tiêu hóa và giảm kích thích niêm mạc dạ dày cũng như hạn chế áp lực co bóp.
- Những loại hoa quả tốt cần bổ sung nhiều hơn như táo, đu đủ, chuối, đu đủ…
- Hạn chế thức ăn gây kích ứng niêm mạc như các loại nước sốt, xúc xích, lạp xưởng. Đồng thời tránh thức ăn cứng, dai, nhiều xơ sợi, đồ chế biến sẵn, nhiều gia vị hay dầu mỡ.
- Đặc biệt hạn chế những thức ăn chua như hành muối, dưa cà, hoa quả chua. Trong nấu ăn cần tránh các loại gia vị như dấm, ớt, hạt tiêu, tỏi…
- Nên chia các bữa ăn lớn ra làm nhiều bữa trong ngày để giúp hoạt động tiêu hóa của dạ dày diễn ra tốt hơn. Chú ý ăn uống điều độ, tuyệt đối không để bụng quá đói hoặc quá no.
- Thức ăn không để quá nóng hay quá lạnh, nhiệt độ thức ăn, nước uống phù hợp nhất là ở từ 40 – 50°C.
- Ngoài ra, cần dành nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi, tránh áp lực, căng thẳng kéo dài. Đồng thời chú ý đi ngủ đúng giờ, đủ giấc, không nên thức quá khuya hay làm việc nhiều vào buổi tối.
Bài viết đã cho bạn có được câu trả lời xác đáng về vấn đề “xuất huyết dạ dày có phải mổ không?”. Đây là một trong những vấn đề y tế nguy hiểm mà ngay khi nhận ra triệu chứng bạn cần tìm đến bác sĩ ngay để được can thiệp kịp thời.