Bà bầu bị nóng rát dạ dày là bệnh gì? Nguy hiểm không?

Bà bầu bị nóng rát dạ dày có thể do ảnh hưởng của hormone thai kỳ, ốm nghén hoặc do áp lực từ tử cung chèn ép lên cơ quan tiêu hóa. Ngoài ra triệu chứng này cũng có thể khởi phát do viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản hoặc do hội chứng Zollinger-Ellison.

Bà bầu bị nóng rát dạ dày
Bà bầu bị nóng rát dạ dày là bệnh gì? Phải làm sao để cải thiện?

Nhận biết triệu chứng nóng rát dạ dày

Nóng rát dạ dày là triệu chứng tiêu hóa khá phổ biến. Triệu chứng này đặc trưng bởi tình trạng vùng thượng vị dạ dày nóng, đau rát và khó chịu. Nóng rát dạ dày thường đi kèm với các triệu chứng khác như đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, chán ăn, ợ chua, đau thượng vị,…

Triệu chứng này thường gặp ở người trưởng thành – đặc biệt là ở phụ nữ mang thai. Nguyên nhân là do sự tăng sinh của hormone thai kỳ (hormone HCG), chế độ dinh dưỡng thay đổi đột ngột và áp lực từ tử cung chèn ép lên cơ quan tiêu hóa.

Bà bầu bị nóng rát dạ dày là bệnh gì?

Ngoài các nguyên nhân khách quan (áp lực từ thai nhi, sự gia tăng của hormone thai kỳ,…), bà bầu bị nóng rát dạ dày có thể là biểu hiện của các bệnh lý sau:

1. Viêm dạ dày/ đau dạ dày

Viêm dạ dày là bệnh tiêu hóa phổ biến và xảy ra với hơn 60% người trưởng thành. Viêm dạ dày đặc trưng bởi cơn đau thượng vị nhẹ kèm theo biểu hiện nóng rát, khó tiêu và đầy hơi.

Đau dạ dày là hệ quả do thói quen ăn uống không điều độ, stress hoặc căng thẳng kéo dài. Bệnh lý này thường có mức độ nhẹ và nhanh chóng thuyên giảm sau khi điều chỉnh chế độ ăn uống. Tuy nhiên trong thời gian mang thai, áp lực từ tử cung cùng với sự thay đổi đột ngột của nồng độ hormone có thể kích thích triệu chứng của viêm dạ dày tái phát.

2. Loét dạ dày tá tràng

Loét dạ dày tá tràng là tiến triển của bệnh viêm dạ dày. So với tình trạng viêm, loét dạ dày thường gây ra các triệu chứng có mức độ nặng nề hơn như đau thượng vị dữ dội, chán ăn, nóng rát dạ dày, đầy hơi, buồn nôn và nôn mửa sau khi ăn.

Bà bầu bị nóng rát dạ dày
Loét dạ dày tá tràng có thể gây nóng rát dạ dày, đau thượng vị, buồn nôn và ói mửa sau khi ăn

Loét dạ dày còn làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng và gây suy nhược cơ thể, sụt cân, giảm mức độ tập trung và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Mẹ bầu bị nóng rát dạ dày kèm theo các triệu chứng nói trên nên cân nhắc về khả năng này và tiến hành thăm khám trong thời gian sớm nhất.

3. Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý thường bùng phát mạnh trong thời gian mang thai. Hội chứng này đặc trưng bởi sự tăng tiết quá mức của dạ dày khiến lượng axit dư thừa trào ngược lên vùng thực quản và cổ họng.

Khi mang thai – đặc biệt là ở những tháng cuối thai kỳ, thai nhi thường phát triển mạnh và gây chèn ép lên cơ quan tiêu hóa. Hoạt động này khiến dịch vị trong dạ dày có xu hướng trào ngược lên thực quản và các cơ quan hô hấp trên.

Trào ngược dạ dày khi mang thai không chỉ gây nóng rát dạ dày mà còn đặc trưng bởi triệu chứng ợ nóng, ợ hơi, đầy hơi và đau cổ họng.

4. Hội chứng Zollinger-Ellison

Hội chứng Zollinger-Ellison là bệnh lý xảy ra khi tá tràng hoặc tuyến tụy xuất hiện các khối u gastrin. Những khối u này tạo ra hormone peptide – gastrin có khả năng kích thích dạ dày sản sinh dịch vị nhiều hơn bình thường.

Bà bầu bị nóng rát dạ dày
Bà bầu bị nóng rát dạ dày có thể là biểu hiện của hội chứng Zollinger-Ellison

Hiện tượng axit dạ dày tăng tiết quá mức có thể dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản, viêm/ loét dạ dày – tá tràng. Vì vậy khi mắc hội chứng này, mẹ bầu có thể nhận thấy một số triệu chứng điển hình như nóng rát dạ dày, đầy bụng, thường xuyên ợ hơi và khó tiêu.

5. Nguyên nhân khác

Ngoài những bệnh lý kể trên, bà bầu bị nóng rát dạ dày có thể xuất phát do những nguyên nhân sau:

Bà bầu bị nóng rát dạ dày
Ốm nghén là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra triệu chứng nóng rát dạ dày ở mẹ bầu
  • Ốm nghén: Ốm nghén là tình trạng thường gặp ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu. Đặc trưng của ốm nghén là triệu chứng buồn nôn, chán ăn và nôn mửa. Áp lực từ hoạt động nôn mửa kéo dài có thể gây nóng rát dạ dày và đau vùng thượng vị.
  • Do thói quen ăn uống: Một số mẹ bầu thường có xu hướng thích các loại trái cây có vị chua như me, mơ, mận hoặc xoài. Tuy nhiên ăn quá nhiều thực phẩm chứa axit có thể làm giảm độ pH trong dạ dày và khiến cơ quan này bị nóng rát, khó chịu,…
  • Căng thẳng và lo lắng quá mức: Suy nghĩ quá nhiều và lo lắng thường xảy ra ở những người lần đầu tiên làm mẹ. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của sản phụ mà còn kích thích lên cơ quan tiêu hóa và gây nóng rát dạ dày, tiêu chảy, táo bón, khó tiêu, đầy hơi,…

Nóng rát dạ dày khi mang thai có nguy hiểm không?

Có đến 85% trường hợp bà bầu bị nóng rát dạ dày do thói quen dinh dưỡng không phù hợp, căng thẳng, ốm nghén, áp lực từ thai nhi,… Nếu do những nguyên nhân này, triệu chứng thường có dấu hiệu thuyên giảm sau khi điều chỉnh thói quen dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và kiểm soát căng thẳng.

Bà bầu bị nóng rát dạ dày
Nóng rát dạ dày kéo dài có thể gây suy nhược cơ thể mẹ và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi

Ngược lại nếu do hội chứng Zollinger-Ellison, loét dạ dày tá tràng hay trào ngược dạ dày thực quản, triệu chứng thường có xu hướng kéo dài và nghiêm trọng hơn vào những tháng cuối thai kỳ. Nóng rát dạ dày xảy ra với tần suất thường xuyên có thể làm giảm sức khỏe của sản phụ, gây suy nhược cơ thể và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Do đó mẹ bầu nên chủ động thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện hoạt động của dạ dày và kiểm soát các triệu chứng khó chịu.

Bà bầu bị nóng rát dạ dày nên làm gì để cải thiện?

Để làm giảm triệu chứng nóng rát dạ dày khi mang thai, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau đây:

1. Thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học

Chế độ dinh dưỡng chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra hàng loạt các vấn đề ở cơ quan tiêu hóa. Chính vì vậy để cải thiện tình trạng nóng rát dạ dày, bạn nên thiết lập chế độ ăn khoa học và lành mạnh.

Bà bầu bị nóng rát dạ dày
Để cải thiện các triệu chứng ở dạ dày, nên thiết lập chế độ ăn khoa học và hợp lý

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu bị nóng rát dạ dày:

  • Không ăn các thực phẩm chứa nhiều gia vị cay (ớt, tiêu), muối, đường và thực phẩm có độ axit cao (ổi, cóc, me, tắc,…).
  • Nên tăng cường uống nước, bổ sung nhiều rau xanh và các loại trái cây chứa nhiều dinh dưỡng như bơ, vú sữa, quả hồng, cam, quýt, lựu.
  • Ăn 1 – 2 hũ sữa chua mỗi ngày giúp cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột và điều hòa hoạt động của dạ dày.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng và tốt cho thai nhi như cá hồi, cá chép, thịt bò, trứng, sữa tươi, khoai lang, bí đỏ, bí ngòi, khoai tây, thịt gà,…
  • Nên xây dựng chế độ dinh dưỡng theo từng giai đoạn của thai kỳ nhằm đảo bảo thai nhi phát triển toàn diện và duy trì sức khỏe cho mẹ bầu.
  • Với những sản phụ thường xuyên bị đầy bụng, khó tiêu, nên chia nhỏ bữa ăn để tránh gây áp lực lên dạ dày.
  • Tránh sử dụng thức ăn chế biến sẵn và đồ ăn nhanh. Hầu hết những loại thực phẩm này đều chứa nhiều muối, dầu mỡ, chất bảo quản và có giá trị dinh dưỡng thấp.

2. Dành thời gian nghỉ ngơi

Khi mang thai, bạn thường dễ mệt và khó chịu hơn bình thường do ảnh hưởng của hormone thai kỳ. Vì vậy trong thời gian này, mẹ bầu nên tăng cường thời gian nghỉ ngơi và giảm khối lượng công việc.

Vào tháng thứ 8 thai kỳ, bạn nên ngưng hẳn các hoạt động làm việc và dành thời gian để chuẩn bị quá trình sinh nở. Trong thời gian này, nên ngủ đủ 8 giờ/ ngày, hạn chế thức khuya và thực hiện một số hoạt động giúp thư giãn đầu óc như nghe nhạc, đọc sách, xem phim,…

3. Thường xuyên tập thể dục

Sau 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu nên dành từ 10 – 15 phút luyện tập. Hoạt động thể chất với cường độ thích hợp có thể giảm đau nhức xương khớp, tăng độ linh hoạt và dẻo dai của xương chậu. Đồng thời thúc đẩy nhu động ruột và hoạt động tiêu hóa của dạ dày.

Bà bầu bị nóng rát dạ dày
Tập luyện không chỉ điều hòa hoạt động của dạ dày mà còn giảm đau nhức xương khớp ở mẹ bầu

Các chuyên gia cho biết, sản phụ có chế độ luyện tập khoa học ít gặp phải triệu chứng đầy hơi, nóng rát dạ dày, buồn nôn, ợ hơi và chán ăn. Trong khi đó sản phụ lười vận động và có cân nặng tăng đột ngột dễ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa. Những bộ môn thể dục thích hợp với mẹ bầu, bao gồm bơi lội, yoga, đi bộ, ngồi thiền,…

4. Áp dụng biện pháp giảm nóng rát dạ dày tại nhà

Các biện pháp trên cần phải được thực hiện trong thời gian dài mới đem lại cải thiện đối với các vấn đề về dạ dày. Vì vậy bạn có thể kết hợp với một số biện pháp giúp làm giảm nóng rát dạ dày nhanh chóng như:

Bà bầu bị nóng rát dạ dày
Mẹ bầu có thể uống sữa nghệ để giảm nóng rát dạ dày và cải thiện chức năng tiêu hóa
  • Uống trà nghệ và sữa tươi có tác dụng làm dịu triệu chứng nóng rát ở dạ dày. Ngoài ra, bạn cũng có thể trộn đều bột nghệ với mật ong và ăn vào buổi sáng để giảm các triệu chứng khó chịu.
  • Sử dụng trà hoa cúc vào buổi tối trước khi đi ngủ có tác dụng giảm đau dạ dày và cải thiện chất lượng giấc ngủ cho mẹ bầu. Không giống với những loại trà khác, trà hoa cúc không chứa caffeine và các chất kích thích.
  • Có thể hòa tan ½ thìa muối với nước ấm và uống từng ngụm để làm giảm cơn đau và triệu chứng nóng rát dạ dày. Nhiệt độ ấm và natri ở trong muối giúp làm thư giãn cơ dạ dày và cải thiện các triệu chứng nhanh chóng.

5. Tìm gặp bác sĩ

Ở một số trường hợp, bà bầu bị nóng rát dạ dày bắt nguồn từ những bệnh lý mãn tính như trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng Zollinger-Ellison, loét dạ dày tá tràng,… Vì vậy nếu triệu chứng không thuyên giảm khi áp dụng các biện pháp nói trên, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được hướng dẫn cách điều trị.

Thông thường, các bệnh lý ở dạ dày đều được kiểm soát tốt nếu thực hiện chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt điều độ. Do đó trong thời gian mang thai, bác sĩ hiếm khi chỉ định thuốc trị đau dạ dày cho mẹ bầu.

Bà bầu bị nóng rát dạ dày là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau. Nếu triệu chứng có dấu hiệu kéo dài, mẹ bầu nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân và tiến hành điều trị kịp thời.