Nội soi tiêu hóa để làm gì, cần lưu ý gì?
Nội soi tiêu hóa là kỹ thuật phổ biến trong chẩn đoán các bệnh lý như viêm dạ dày, loét đại tràng, ung thư dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản,… Ngoài ra nội soi còn được ứng dụng trong việc điều trị bệnh polyp và ung thư đường tiêu hóa.
Nội soi tiêu hóa là gì? Các đối tượng nào nên thực hiện?
Nội soi tiêu hóa bao gồm nội soi dạ dày, tá tràng, đại tràng và trực tràng. Kỹ thuật này sử dụng dây nội soi có chứa camera thu nhỏ nhằm quan sát các cơ quan của hệ tiêu hóa.
Những đối tượng nên thực hiện phương pháp này:
- Người có gặp phải các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, trào ngược axit,…
- Người có các triệu chứng rối loạn đại tiện như táo bón, tiêu chảy, phân đen, có màu, đại tiện ra chất nhầy, có mùi tanh,…
- Người có nguy cơ ung thư, viêm hoặc loét cơ quan tiêu hóa.
- Những người đã được chẩn đoán bệnh cũng có thể thực hiện nội soi nhằm sinh thiết để xác định vi khuẩn Hp và tế bào ác tính.
- Bệnh nhân có ung thư và polyp ở cơ quan tiêu hóa có thể nội soi để cắt bỏ.
Mục đích của nội soi tiêu hóa
Nội soi là kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong việc chẩn đoán và điều trị.
Các mục đích cụ thể của kỹ thuật này:
- Quan sát biểu hiện của thành niêm mạc tiêu hóa nhằm phát hiện tình trạng viêm, loét, hình thành khối u ác tính hoặc polyp,… Từ đó góp phần chẩn đoán chính xác các bệnh lý như viêm dạ dày, viêm đại tràng, ung thư dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản,…
- Sinh thiết mô tại cơ quan tiêu hóa nhằm tầm soát ung thư và xác định sự hiện diện của vi khuẩn Hp.
- Hỗ trợ trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ ung thư và polyp.
Các kỹ thuật trong nội soi tiêu hóa
Hiện nay nội soi tiêu hóa có 2 kỹ thuật phổ biến nhất là nội soi thông thường và nội soi gây mê.
1. Nội soi thông thường
Nội soi thông thường (nội soi không gây mê) là kỹ thuật nội soi khi bệnh nhân ở trạng thái tỉnh táo. Ống nội soi có thể được đưa vào đường mũi, miệng hoặc hậu môn tùy vào cơ quan bị ảnh hưởng. Để giảm cảm giác khó chịu, bác sĩ có thể xịt thuốc tê sâu trong miệng/ hậu môn trước khi đưa ống nội soi vào.
Quy trình nội soi không gây mê bao gồm các bước sau:
- Xịt thuốc tê vào miệng/ hậu môn, đặt bệnh nhân nằm nghiêng bên trái và co chân lên (đối với bệnh nhân nội soi trực tràng).
- Đưa ống nội soi qua họng, mũi hoặc hậu môn.
- Sau đó ống nội soi sẽ được đưa đến cơ quan cần quan sát.
- Bác sĩ sẽ căn cứ vào hình ảnh hiển thị để đưa ra chẩn đoán.
- Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể sinh thiết mô để cung cấp thêm cơ sở cho việc chẩn đoán.
2. Nội soi gây mê
Nội soi gây mê thường được áp dụng với những người chịu đau kém, dễ buồn nôn và ói mửa. Kỹ thuật này tiến hành gây mê trước khi nội soi nhằm làm giảm các triệu chứng do nội soi thông thường gây ra.
Quy trình nội soi gây mê được thực hiện theo trình tự như sau:
- Thăm khám sức khỏe và tìm hiểu tiền sử dị ứng thuốc của bệnh nhân.
- Bệnh nhân nằm nghiêng bên trái và được gây mê bằng cách truyền tĩnh mạch.
- Thực hiện nội soi tương tự như nội soi không gây mê.
- Sau khi kết thúc nội soi, bệnh nhân có thể được dùng thuốc hồi tỉnh và ở lại bệnh viện vài giờ để theo dõi.
So với nội soi thông thường, nội soi gây mê có thể hạn chế được cảm giác khó chịu trong quá trình thực hiện. Ngoài ra với bệnh nhân đã được gây mê, bác sĩ sẽ dễ dàng di chuyển ống nội soi và quan sát kỹ các biểu hiện của cơ quan tiêu hóa.
Tuy nhiên nội soi gây mê thường mất thời gian, chi phí cao và có thể không phù hợp với người dị ứng với thuốc gây mê, người bị động kinh, mắc bệnh tim mạch, suy hô hấp nặng, trẻ dưới 3 tuổi,…
Trước và sau khi nội soi tiêu hóa cần lưu ý điều gì?
Nội soi tiêu hóa là kỹ thuật khá đơn giản và dễ thực hiện. Tuy nhiên nên thiếu thận trọng, bạn có thể gặp phải các biến chứng sau khi nội soi.
Chính vì vậy trước và sau khi nội soi, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:
1. Chuẩn bị trước khi nội soi
Để bác sĩ có thể dễ dàng quan sát biểu hiện thực thể ở dạ dày, ruột non, trực tràng,… bạn nên:
- Nhịn ăn trong khoảng 7 – 8 giờ để khoang dạ dày trống. Ngoài ra nên hạn chế uống các loại nước có màu đậm như trà đặc, rượu, cà phê, nước ngọt,…
- Với người nội soi hậu môn – trực tràng, nên đại tiện trước khi thực hiện.
- Giữ tâm lý thoải mái, hạn chế lo lắng và căng thẳng.
- Chủ động thông báo với bác sĩ các loại thuốc bạn đang sử dụng. Bác sĩ có thể yêu cầu ngưng một số loại thuốc để đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện.
- Điều trị dứt điểm các tình trạng nhiễm trùng trước khi thực hiện (nếu có).
- Nếu có tiền sử dị ứng thuốc mê hoặc đang điều trị các vấn đề sức khỏe đặc biệt, bạn nên trình bày với bác sĩ để cân nhắc giữa kỹ thuật nội soi gây mê và nội soi thông thường.
- Nên nhờ người nhà đi cùng – đặc biệt là với người thực hiện nội soi có gây mê.
- Có thể dùng kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ nếu bạn có nguy cơ nhiễm trùng cao.
2. Sau khi nội soi cần lưu ý điều gì?
Nội soi tiêu hóa là thủ thuật khá đơn giản và ít xâm lấn. Tuy nhiên ống nội soi có thể gây trầy xước niêm mạc cơ quan tiêu hóa và làm phát sinh các triệu chứng như:
- Xuất huyết (phân có màu, phân màu đen hoặc màu sẫm,…)
- Nhiễm trùng (tăng thân nhiệt, khó thở, sốt, nôn mửa,…)
- Rách/ thủng cơ quan tiêu hóa
Ngoài ra sau khi nội soi, bạn có thể gặp phải các triệu chứng khó chịu như đau buốt họng, buồn nôn, ói mửa, mệt mỏi,…
Để làm giảm cảm giác khó chịu và hạn chế biến chứng do nội soi, bạn nên:
- Không nên ăn hoặc uống sau khi nội soi từ 1 – 2 giờ. Bạn chỉ được ăn uống trở lại khi có sự đồng ý của bác sĩ.
- Nên uống sữa, trà đường, ăn cháo hoặc soup lỏng để làm dịu cổ họng. Tuy nhiên cần tránh dùng thức ăn còn nóng vì nhiệt độ cao có thể gây kích ứng cơ quan tiêu hóa.
- Súc miệng bằng nước muối loãng và chải răng thường xuyên để tránh nhiễm trùng cổ họng.
- Tuyệt đối không la hét lớn, nói nhiều, sử dụng bia rượu, cà phê và thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, gia vị,… sau khi nội soi.
- Nên chia nhỏ bữa ăn để tránh gây áp lực lên dạ dày và đường ruột.
Thời gian và chi phí nội soi tiêu hóa
Thời gian nội soi trung bình rơi vào khoảng 10 – 15 phút. Tuy nhiên với những trường hợp có sinh thiết hoặc cắt bỏ polyp, ung thư, thời gian có thể kéo dài đến vài giờ. Ngoài ra yếu tố này còn phụ thuộc vào cơ quan cần nội soi, mức độ tổn thương và một số yếu tố khách quan khác.
Chi phí nội soi tiêu hóa thông thường dao động trong khoảng 200.000 – 400.000 đồng và nội soi gây mê dao động trong khoảng 1.000.000 – 1.200.000 đồng. Tuy nhiên chi phí thực tế có thể chênh lệch tùy thuộc vào cơ sở thực hiện.
Bài viết đã tổng hợp một số thông tin cần biết về nội soi tiêu hóa. Để được tư vấn cụ thể về chi phí, quy trình,… của phương pháp này, bạn nên liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.