Xuất huyết hang vị dạ dày điều trị như thế nào?

Xuất huyết hang vị dạ dày xảy ra khi niêm mạc ở hang vị bị viêm loét nặng nề. Đối với tình trạng này, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi cầm máu và đánh giá mức độ tổn thương trước khi chỉ định phương pháp điều trị.

xuất huyết hang vị dạ dày
Xuất huyết hang vị dạ dày là một trong những tình trạng có mức độ nghiêm trọng

Xuất huyết hang vị dạ dày là gì?

Xuất huyết hang vị dạ dày đề cập đến hiện tượng mạch máu ở hang vị bị giãn quá mức, gây vỡ và chảy máu. Tình trạng này đặc trưng bởi triệu chứng nôn ra máu, bã cà phê, đại tiện ra phân hắc ín (màu đen) hoặc có lẫn máu tươi.

Xuất huyết tiêu hóa nói chung và xuất huyết hang vị dạ dày nói riêng đều có thể gây tử vong và làm phát sinh các biến chứng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.

Dấu hiệu nhận biết xuất huyết hang vị dạ dày

Nhận biết xuất huyết hang vị sớm có thể giảm thiểu số lượng máu thất thoát và tránh đe dọa đến tính mạng. Tình trạng này gây ra một số triệu chứng cơ năng và triệu chứng toàn thân có tính đặc trưng cao.

xuất huyết hang vị dạ dày
Nôn ra máu là dấu hiệu điển hình của xuất huyết hang vị dạ dày

Triệu chứng cơ năng, bao gồm:

  • Đại tiện ra phân màu đen hoặc có lẫn máu tươi: Phân ở trạng thái sền sệt, lượng phân nhiều, đen bóng như hắc ín hoặc có máu đỏ tươi. Mùi phân hôi thối khó chịu và bất thường.
  • Nôn ra máu hoặc bã cà phê: Triệu chứng nôn thường xảy ra sau khi cảm thấy khó chịu, đầy bụng và buồn nôn. Dịch nôn thường chứa thức ăn lẫn máu tươi, khi nôn thường có cảm giác tanh ở miệng.
  • Đau bụng dữ dội: Với những trường hợp xuất huyết nặng, dạ dày có thể tăng co bóp và gây đau bụng dữ dội.

Triệu chứng toàn thân, bao gồm:

  • Ngất xỉu sau khi nôn
  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Người đổ mồ hôi nhiều
  • Da tái và xanh nhợt
  • Khát nước
  • Ù tai

Với những trường hợp chảy máu nhẹ và tiến triển chậm, các triệu chứng toàn thân có thể không xuất hiện.

Yếu tố làm tăng nguy cơ chảy máu hang vị dạ dày

Viêm loét hang vị dạ dày là nguyên nhân trực tiếp gây chảy máu ở vị trí này. Tuy nhiên hiện tượng xuất huyết chỉ khởi phát khi có một số yếu tố tác động, như:

xuất huyết hang vị dạ dày
Thường xuyên uống rượu bia là nguyên nhân gây chảy máu cơ quan tiêu hóa
  • Sử dụng corticoid hoặc thuốc giảm đau không chứa steroid (NSAID)
  • Không tiến hành điều trị khiến vị trí viêm lan rộng, gây loét và tổn thương mạch máu.
  • Thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu bia.
  • Ăn thực phẩm cay nóng, chế biến sẵn và thức ăn nhanh.
  • Căng thẳng thần kinh và stress kéo dài.
  • Chấn thương cơ học mạnh (té ngã từ trên cao, tai nạn giao thông,…).
  • Nhịn ăn và ăn không đủ bữa.

Phần lớn các trường hợp xuất huyết tiêu hóa xảy ra ở những người trên 50 tuổi, mang nhóm máu O, có tiền sử chảy máu dạ dày hoặc mắc các bệnh về máu (rối loạn đông máu, hồng cầu lưỡi liềm,…).

Chảy máu hang vị dạ dày có nguy hiểm không?

Tình trạng xuất huyết tại hang vị dạ dày có thể gây chảy máu kéo dài, tăng nguy cơ nhiễm trùng và tử vong. Do đó khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, cần tiến hành thăm khám và điều trị kịp thời. Ở những trường hợp xuất huyết nhẹ và khó nhận biết, người bệnh dễ bị thiếu máu, suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng,… 

Chẩn đoán xuất huyết hang vị dạ dày

Trước khi tiến hành điều trị, bác sĩ sẽ yêu cầu chẩn đoán nhằm xác định vị trí chảy máu và phân biệt một số vấn đề sức khỏe có triệu chứng tương tự.

xuất huyết hang vị dạ dày
Cần thực hiện chẩn đoán trước khi can thiệp các phương pháp điều trị chuyên sâu

Các thủ thuật chẩn đoán có thể được thực hiện, bao gồm:

  • Nội soi: Nội soi là phương pháp chẩn đoán quan trọng và chính xác nhất. Thông qua nội soi, bác sĩ có thể xác định vị trí chảy máu và một số biểu hiện bất thường ở dạ dày. Với những trường hợp tiếp tục chảy máu, bác sĩ có thể tiêm xơ, laser và đốt điện ngay trong quá trình nội soi.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện nhằm xác định số lượng huyết sắc tố, bạch cầu, nhóm máu, tiểu cầu, hematocrit,… để đánh giá mức độ mất máu.
  • Siêu âm: Siêu âm được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ chảy máu ở hang vị có đi kèm với một số vấn đề ở gan (viêm gan, vàng da ứ mật,…).

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể yêu cầu chẩn đoán phân biệt với tình trạng xuất huyết do một số bệnh lý sau:

  • Viêm niêm mạc dạ dày
  • Viêm dạ dày chảy máu
  • Giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày
  • Chảy máu đường mật
  • Ung thư dạ dày
  • Viêm thực quản chảy máu
  • Hội chứng Mallory-Weiss
  • U cơ trơn ở dạ dày

Xuất huyết hang vị dạ dày điều trị như thế nào?

Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ thực hiện các thủ thuật nhằm theo dõi và hồi sức. Trong thời gian theo dõi, bệnh nhân sẽ được đánh giá mức độ mất máu và chảy máu trước khi chỉ định phương pháp điều trị.

1. Thủ thuật nhằm hồi sức và theo dõi

Nhằm ổn định tình trạng chảy máu và hỗ trợ bệnh nhân hồi sức, bác sĩ sẽ tiến hành sẽ tiến hành các thủ thuật sau:

  • Đặt sonde dạ dày (ống thông dạ dày) nhằm hút máu và dịch ứ đọng bên trong. Đồng thời theo dõi mức độ xuất huyết ở cơ quan này.
  • Đặt sonde niệu đạo nhằm theo dõi nồng độ trong nước tiểu. Vì ở một số trường hợp mất máu nhiều, bệnh nhân có khả năng bị suy thận cấp.
  • Đặt 2 catheter (ống thông tĩnh mạch) nhằm truyền máu và dịch. Ngoài ra thủ thuật này còn hỗ trợ đo huyết áp tĩnh mạch và theo dõi tình trạng của bệnh nhân.

Trong thời gian này, cần lập bảng theo dõi huyết áp và mạch để đánh giá mức độ chảy máu ở dạ dày.

2. Phương pháp nội soi

Nội soi được thực hiện trước khi chỉ định phương pháp điều trị bảo tồn hoặc ngoại khoa.

xuất huyết hang vị dạ dày
Nội soi được thực hiện nhằm chẩn đoán và cầm máu tại vị trí xuất huyết

Nội soi điều trị xuất huyết hang vị dạ dày bao gồm các thủ thuật sau:

  • Laser hoặc đốt điện
  • Tiêm xơ xung quanh ổ loét bằng Adernalin hoặc Polydocanol

Tuy nhiên với những trường hợp chảy máu nhẹ và đã ngưng hẳn, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bảo tồn mà không cần can thiệp các kỹ thuật nội soi.

3. Điều trị bảo tồn

Điều trị bảo tồn thường được chỉ định cho trường hợp xuất huyết hang vị lần đầu và có mức độ chảy máu nhẹ đến trung bình.

xuất huyết hang vị dạ dày
Sau khi máu ngưng chảy, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng thuốc để ngăn chặn quá trình tăng tiết dịch vị

Các phương pháp điều trị bảo tồn, bao gồm:

  • Rửa dạ dày với nước lạnh để loại bỏ máu và dịch vị tồn đọng.
  • Kết hợp truyền dịch và vitamin để cân bằng điện giải và hỗ trợ hồi phục sức khỏe.
  • Sau đó yêu cầu truyền thuốc ức chế bơm proton (Omeprazole) hoặc thuốc kháng histamine H2 (Cimetidine) theo đường tĩnh mạch để hạn chế sản sinh acid.
  • Sử dụng thuốc giảm đau chống co thắt đường uống (Baralgin hoặc Atropin) nếu bệnh nhân gặp phải cơn đau nặng nề.
  • Dùng thuốc chứa nhôm/ magie hydroxid để bảo vệ niêm mạc và hạn chế chảy máu tái phát.

Khi điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ quan sát trong 24 giờ để đánh giá mức độ đáp ứng. Nếu ngưng chảy máu hoàn toàn, bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa tiếp tục. Ngược lại trong trường hợp xuất huyết kéo dài, các thủ thuật ngoại khoa sẽ được can thiệp để hạn chế phát sinh biến chứng.

4. Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa được thực hiện với trường hợp điều trị bảo tồn thất bại. Hoặc trường hợp bị chảy máu nghiêm trọng, có tiền sử xuất huyết tiêu hóa và đối tượng đã xuất hiện các biến chứng (thủng dạ dày, hẹp môn vị,…).

xuất huyết hang vị dạ dày
Phẫu thuật được thực hiện với những đối tượng đã có tiền sử xuất huyết, chảy máu kéo dài và nghiêm trọng

Các thủ thuật trong điều trị ngoại khoa, bao gồm:

  • Khâu cầm ổ loét nhằm hạn chế chảy máu và ngăn ngừa biến chứng thủng hang vị dạ dày.
  • Cắt 2/3 dạ dày được thực hiện với những trường hợp loét nặng và đi kèm với biến chứng.

Phẫu thuật chỉ được thực hiện với những trường hợp thực sự cần thiết. Vì phương pháp này có khả năng gây tổn thương cơ quan tiêu hóa, rối loạn cơ, tăng nguy cơ nhiễm trùng và hình thành sẹo ở dạ dày,…

Chăm sóc người bị xuất huyết hang vị dạ dày

Sau khi tình trạng chảy máu đã được ổn định, cần thực hiện chế độ chăm sóc hợp lý để hỗ trợ phục hồi niêm mạc bị loét và tổn thương.

xuất huyết hang vị dạ dày
Nên xây dựng chế độ ăn lành mạnh để hỗ trợ niêm mạc dạ dày hồi phục

Chăm sóc người bị xuất huyết hang vị dạ dày với các biện pháp sau:

  • Nên dành thời gian nghỉ ngơi trong 1 tuần đầu sau khi điều trị. Hoạt động mạnh trong thời gian này có thể gây đau thượng vị.
  • Chế biến thức ăn mềm lỏng, ít gia vị và dầu mỡ. Đồng thời nên chia nhỏ bữa ăn để tránh kích thích và tăng áp lực lên dạ dày.
  • Chú trọng nhóm thực phẩm lành mạnh như ngũ cốc, rau xanh, củ, cá hồi, trứng, quả bơ,…
  • Tuyệt đối không sử dụng thuốc giảm đau tùy tiện. Nếu cơn đau phát sinh, có thể dùng thuốc chống co thắt theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Không hút thuốc lá, uống rượu bia hay cà phê. Đồng thời cần hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thịt đỏ và hải sản.
  • Tránh vận động sau khi ăn ít nhất 30 – 60 phút.
  • Ăn chậm và nhai kỹ nhằm hạn chế kích thích vị trí niêm mạc bị viêm loét.
  • Nên ngủ sớm và ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, thức khuya và làm việc quá sức.
  • Thăm khám thường xuyên để bác sĩ đánh giá mức độ phục hồi của niêm mạc hang vị.

Xuất huyết hang vị dạ dày có thể được điều trị bảo tồn hoặc điều trị ngoại khoa tùy vào mức độ chảy máu. Trong những trường hợp tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và chăm sóc đúng cách, vết loét ở hang vị thường có tiến triển và mức độ phục hồi nhanh chóng.