Các bệnh liên quan đến dạ dày thường gặp và cách xử lý

Các bệnh lý liên quan đến dạ dày ngày càng có xu hướng gia tăng do chế độ ăn và sinh hoạt không điều độ. Trong trường hợp để bệnh kéo dài, tế bào niêm mạc có thể bị xơ hóa, gây xuất huyết hoặc tăng nguy cơ hình thành khối u ác tính.

các bệnh liên quan đến dạ dày
Các bệnh liên quan đến dạ dày thường gặp và cách xử lý

Các bệnh lý có liên quan đến dạ dày thường gặp nhất

Dạ dày là cơ quan của hệ tiêu hóa, có vai trò tiếp nhận và chuyển hóa thức ăn. Sau đó, thức ăn sẽ được vận chuyển xuống tá tràng và đại – trực tràng.

Tuy nhiên cơ quan này có thể gặp phải một số vấn đề nếu bạn duy trì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt không điều độ, lạm dụng thuốc giảm đau, hút thuốc lá hoặc nghiện rượu.

Dưới đây là một bệnh có liên quan đến dạ dày, bao gồm:

1. Viêm loét dạ dày – tá tràng

Viêm loét dạ dày – tá tràng là bệnh lý thường gặp nhất ở cơ quan này. Bệnh phát sinh khi niêm mạc ở dạ dày (thường là hang vị) hoặc phần đầu của ruột bị sưng viêm và loét.

Viêm loét dạ dày – tá tràng là hệ quả do căng thẳng thần kinh kéo dài, thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá, sinh hoạt và ăn không thiếu khoa học. Triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là cơn đau thượng vị xảy ra sau khi ăn, buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, mệt mỏi, ăn không ngon,…

các bệnh liên quan đến dạ dày
Viêm loét dạ dày – tá tràng đặc trưng bởi cơn đau thượng vị, cảm giác buồn nôn và đầy hơi sau khi ăn

Viêm loét dạ dày – tá tràng có thể được điều trị và kiểm soát tốt. Tuy nhiên với những trường hợp chủ quan, bệnh có thể tiến triển xấu và gây hẹp môn vị, thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa,…

2. Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là loại ung thư đường tiêu hóa phổ biến thứ 2, chỉ sau ung thư đại – trực tràng. Khối u ác tính có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận của dạ dày nhưng thường xảy ra ở vị trí niêm mạc đã từng bị viêm loét.

Tương tự như các bệnh ung thư khác, ung thư dạ dày thường không gây ra triệu chứng trong giai đoạn đầu. Chỉ khi khối u phát triển lớn, bạn mới nhận thấy một số triệu chứng như ợ chua, đầy bụng, khó tiêu, ăn không ngon, đau thượng vị, tiêu chảy hoặc táo bón, buồn nôn, khó nuốt, mệt mỏi, sụt cân bất thường,…

Ung thư dạ dày có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân cộng hưởng như nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, hút thuốc lá, nghiện rượu, viêm loét dạ dày kéo dài,…

3. Hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản và cổ họng. Bệnh lý này xảy ra khi dạ dày tăng tiết quá mức hoặc cơ thắt dưới của thực quản bị rối loạn chức năng.

các bệnh liên quan đến dạ dày
Trào ngược dạ dày xảy ra khi dạ dày tăng tiết dịch vị quá mức

Trào ngược dạ dày đặc trưng bởi triệu chứng ợ chua, ợ nóng, đầy bụng, khó tiêu, đau họng, ho,… Bệnh lý này kéo dài có thể tăng nguy cơ mắc bệnh viêm họng, viêm thực quản, viêm amidan và ung thư thực quản.

4. Xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày xảy ra khi tĩnh mạch trong cơ quan này bị giãn quá mức, gây sung huyết, vỡ và chảy máu. Hiện tượng xuất huyết thường xảy ra ở người uống quá nhiều rượu bia, viêm loét dạ dày mãn tính, sử dụng thuốc chống viêm liều lượng lớn hoặc dùng trong điều trị dài hạn, hội chứng Mallory-Weiss,…

Nôn ra máu, bã cà phê, đại tiện ra máu tươi hoặc phân đen là dấu hiệu đặc trưng của xuất huyết tiêu hóa. Đây là tình trạng nguy kịch và có khả năng gây tử vong nếu không kịp thời khắc phục.

5. Hội chứng Zollinger-Ellison

Hội chứng Zollinger-Ellison đề cập đến tình trạng tá tràng và tuyến tụy xuất hiện khối u gastrin. Khối u này kích thích sản sinh gastrin – hormone thúc đẩy dạ dày giải phóng dịch vị. Do đó ở những người mắc hội chứng này, dạ dày thường có xu hướng tăng tiết dịch vị quá mức.

các bệnh liên quan đến dạ dày
Hội chứng Zollinger-Ellison kích thích hormone gastrin sản sinh và tăng lượng dịch vị trong dạ dày

Hội chứng Zollinger-Ellison đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nóng rát, ợ chua, ăn không ngon, tiêu chảy ra phân mỡ,… Người mắc hội chứng này thường có nguy cơ bị viêm loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản.

Các bệnh liên quan đến dạ dày có mức độ nguy hiểm không?

Các bệnh liên quan đến dạ dày ảnh hưởng trực tiếp lên hoạt động của hệ tiêu hóa. Những bệnh lý kéo dài gây suy giảm sức khỏe, thiếu hụt dinh dưỡng, giảm sức đề kháng và sụt cân bất thường.

Ở những bệnh lý có mức độ trung bình như viêm loét dạ dày và trào ngược thực quản, bạn có thể dễ dàng kiểm soát bằng cách sử dụng thuốc, xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý.

các bệnh liên quan đến dạ dày
Ung thư và xuất huyết dạ dày có mức độ nghiêm trọng và gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời

Trong khi đó với bệnh ung thư dạ dày, hội chứng Zollinger-Ellison và xuất huyết dạ dày, cần sử dụng thuốc phối hợp với can thiệp ngoại khoa. Với những trường hợp phát hiện muộn, xuất huyết và ung thư dạ dày có thể gây ra di chứng vĩnh viễn và tử vong.

Phương pháp điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày

1. Tiến hành thăm khám

Trong trường hợp cơn đau thượng vị, ợ chua, ợ hơi, buồn nôn,… kéo dài, bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng cơ năng để chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán trước khi đưa ra kết quả nhận định.

các bệnh liên quan đến dạ dày
Tìm gặp bác sĩ có thể giúp bạn xác định vấn đề sức khỏe và áp dụng biện pháp điều trị hợp lý

Việc thăm khám sớm có thể giảm mức độ ảnh hưởng của bệnh và đem lại kết quả khả quan với những bệnh lý nguy hiểm như ung thư dạ dày.

2. Điều trị y tế

Phần lớn các bệnh lý ở dạ dày đều phải tiến hành điều trị y tế. Tuy nhiên bác sĩ sẽ cân nhắc về mức độ tổn thương và triệu chứng phát sinh để chỉ định điều trị bảo tồn hoặc can thiệp ngoại khoa.

  • Viêm loét dạ dày – tá tràng và trào ngược dạ dày: Các bệnh lý này thường được điều trị bằng thuốc (thuốc kháng acid, thuốc kháng sinh, ức chế bơm proton, thuốc giảm đau chống co thắt),… Đồng thời cần kết hợp với chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng lành mạnh.
  • Hội chứng Zollinger-Ellison: Hội chứng này thường được chỉ định cắt bỏ các khối u gastrin nhằm hạn chế nguy cơ loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên trong một số trường hợp sau phẫu thuật, khối u có thể tái phát. Lúc này, cần phối hợp với hóa trị và xạ trị.
  • Ung thư dạ dày: Là bệnh lý có mức độ nguy hiểm, vì vậy bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ riêng biệt trước khi tiến hành điều trị. Ung thư dạ dày thường được điều trị bằng cách phẫu thuật và hóa xạ trị.
  • Xuất huyết dạ dày: Với tình trạng này, trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành nội soi cầm máu. Sau đó bạn có thể được sử dụng thuốc co mạch, thuốc kéo dài thời gian đông máu, thuốc kháng acid,… để ngăn ngừa xuất huyết tái phát. Tuy nhiên trong trường hợp xuất huyết kèm biến chứng, bác sĩ buộc phải can thiệp ngoại khoa.

*Lưu ý: Các biện pháp điều trị được giới thiệu trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Ở từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc và thủ thuật ngoại khoa tương ứng.

3. Chăm sóc tại nhà

Các bệnh có liên quan đến dạ dày đều chịu tác động lớn từ thói quen sinh hoạt và ăn uống. Chính vì vậy bên cạnh việc sử dụng thuốc và can thiệp ngoại khoa, cần chú trọng vào các biện pháp chăm sóc.

các bệnh liên quan đến dạ dày
Ăn uống điều độ và khoa học có thể làm giảm triệu chứng và mức độ tiến triển của các bệnh ở dạ dày

Biện pháp chăm sóc cho người mắc bệnh lý liên quan đến dạ dày, bao gồm:

  • Dành thời gian nghỉ ngơi trong thời gian triệu chứng của bệnh bùng phát mạnh.
  • Nên chế biến thức ăn ở dạng mềm, dễ nuốt, ít gia vị và dầu mỡ.
  • Hạn chế ăn quá no hoặc quá đói. Thay vào đó cần chia nhỏ bữa để giảm khối lượng thức ăn trong dạ dày, từ đó giảm nguy cơ đau thượng vị, đầy bụng và khó tiêu.
  • Uống nhiều nước để trung hòa acid, giảm viêm loét và thúc đẩy hoạt động của cơ quan tiêu hóa.
  • Bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa để phục hồi thể trạng, bù lượng máu do xuất huyết và nâng cao sức đề kháng.
  • Luyện tập 15 – 30 phút/ ngày nhằm tăng cường tuần hoàn máu, thúc đẩy hoạt động tiêu hóa của dạ dày và hạn chế tình trạng trào ngược acid.
  • Tuyệt đối không hút thuốc lá, sử dụng thực phẩm khó tiêu, uống rượu bia và cà phê.
  • Chỉ làm việc 8 giờ/ ngày nhằm hạn chế căng thẳng thần kinh. Bên cạnh đó nên đảm bảo ngủ đủ giấc và ngủ trước 23 giờ.
  • Có thể tận dụng một số thảo dược như nghệ, gừng và đậu bắp để làm giảm tổn thương niêm mạc dạ dày.

Các bệnh liên quan đến dạ dày rất dễ khởi phát khi ăn uống và sinh hoạt không điều độ. Vì vậy bạn nên thay đổi những thói quen thiếu lành mạnh để chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa các bệnh lý nói trên.