Axit dạ dày là gì? Vai trò của axit dạ dày trong hệ tiêu hóa

Axit dạ dày là một khái niệm rất quen thuộc liên quan đến hệ tiêu hóa nhưng không phải ai cũng hiểu rõ. Vậy axit dạ dày là gì? Nó có vai trò như thế nào với hệ tiêu hóa? Nội dung bài viết dưới đây sẽ tổng hợp đầy đủ những thông tin liên quan đến vấn đề này.

axit dạ dày
Axit dạ dày là gì? Có vai trò như thế nào?

Axit dạ dày là gì?

Axit dạ dày là thuật ngữ mô tả của một chất dịch tiêu hóa hình thành trong dạ dày, được tìm thấy ở dịch vị. Thành phần chính của nó là Axit Clohydric được sản xuất bởi tế bào oxyntic. 

Quá trình sản xuất axit dạ dày được điều hòa bởi hệ thống thần kinh tự trị cùng một số hormone. Hệ thống đối giao cảm thần kinh sẽ thông qua các dây thần kinh phế vị cùng các hormone gastrin để kích thích tế bào sản xuất axit dạ dày.

Việc sản xuất axit ở trong dạ dày được điều chỉnh rất chặt chẽ bởi một số chất điều chỉnh tích cực cùng cơ chế phản hồi tiêu cực. Trong đó, tế bào thành phần, tế bào D, tế bào G và tế bào giống enterochromaffine được cho là liên quan trực tiếp đến quá trình này.

Có 3 giai đoạn trong việc tiết axit để làm tăng tốc độ tiêu hóa một bữa ăn, bao gồm:

  • Giai đoạn cephalic: Có khoảng 30% tổng số dịch tiết axit được sản xuất ở giai đoạn này, kích thích bởi sự dự đoán về mùi và vị của thức ăn. Tín hiệu này được phát ra từ các trung tâm trong nãi thông qua dây thần kinh phế vị.
  • Giai đoạn dạ dày: Khoảng 60% tổng lượng axit cho một bữa ăn được tiết ra ở giai đoạn này. Quá trình tiết axit được kích thích bởi hoạt động co bóp của dạ dày cùng các axit amin có trong thức ăn. 
  • Giai đoạn ruột:10% lượng axit còn lại được tiết ra khi khối bán lỏng của thức ăn được di chuyển xuống ruột non. 

Vai trò của axit dạ dày trong hệ tiêu hóa

Axit dạ dày mặc dù không phải là enzyme tiêu hóa nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng với hoạt động của hệ tiêu hóa. 

1. Làm tăng hoạt tính của pepsin

Đây là một trong những chức năng được cho là rất quan trọng của axit dạ dày. Nó có thể làm tăng hoạt tính của pepsin thông qua các cơ chế sau đây:

  • Hoạt hóa pepsinogen để hình thành nên pepsin.
  • Tạo ra môi trường pH thích hợp để pepsin hoạt động.
  • Phá vỡ mô liên kết bao bọc xung quanh các khối cơ nhằm giúp pepsin phân giải phần protid của khối cơ. Sự phối hợp giữa acid HCl và pepsin sẽ có tác dụng tiêu hóa protid cực mạnh.

2. Hỗ trợ tiêu hóa thức ăn

Đây là một trong những công dụng chính của axit dạ dày giúp hòa tan một số loại muối khó tan ở trong quá trình ăn uống.

vai trò của axit dạ dày
Axit dạ dày có vai trò hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn

Axit Clohydric còn chính là chất xúc tác của các phản ứng thủy phân để tiêu thụ một số chất trong thực phẩm. Phản ứng thủy phân sẽ biến các chất đạm hay bột đường trong thực phẩm thành những thành phần đơn giản, dễ hấp thụ hơn.

3. Sát khuẩn

Axit Clohydric còn có tính sát khuẩn rất mạnh. Nhờ đó mà có thể tiêu diệt được vi khuẩn hay các mầm bệnh xâm nhập dạ dày thông qua thức ăn. Điều này giúp ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ nhiễm trùng.

Các vấn đề thường gặp về axit dạ dày

Thông thường nồng độ acid HCl trong dạ dày sẽ dao động ở khoảng 0,0001 – 0,001 mol/l. Nếu sự hiện diện của axit Clohydric quá thấp hay quá cao cũng có thể khiến các vấn đề bất thường phát sinh.

Sau đây là 2 vấn đề thường gặp nhất cùng các yếu tố đi kèm:

1. Axit dạ dày thấp

Còn được biết đến với thuật ngữ y học là Hypochlorhydria, đặc trưng bởi tình trạng dạ dày không sản xuất đủ axit Clohydric. Những người bị Hypochlorhydria có thể sẽ gặp các vấn đề về tiêu hóa, thiếu hụt dinh dưỡng hay tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể là:

  • Vấn đề tuổi tác
  • Căng thẳng kéo dài
  • Sử dụng kéo dài thuốc kháng axit hay thuốc ức chế bơm proton
  • Nhiễm khuẩn
  • Thiếu kẽm
  • Phẫu thuật dạ dày

Người bệnh có thể sẽ thường xuyên gặp phải các triệu chứng như đầy hơi, ăn uống khó tiêu. Ngoài ra, một số biểu hiện khác như ợ nóng, đau dạ dày, rụng tóc, móng tay yếu, nhiễm trùng đường ruột… cũng có thể sẽ kích hoạt.

axit dạ dày là gì
Căng thẳng kéo dài có thể khiến dạ dày giảm tiết acid

Nếu sớm phát hiện và kịp thời can thiệp, thì tình trạng axit dạ dày thấp thường không phát sinh các vấn đề căng thẳng. Điều chỉnh chế độ ăn uống và quản lý căng thẳng là 2 cách tốt nhất giúp khắc phục tình trạng này.

2. Dư thừa axit dạ dày

Còn có tên khoa học là tình trạng Hyperchlorhydria, đặc trưng bởi lượng các chất tiết trong dạ dày cao hơn so với mức bình thường. So với lượng axit thấp thì dư thừa axit dạ dày là vấn đề phổ biến hơn.

Nguyên nhân thường là do sử dụng nhiều rượu bia, căng thẳng, thiếu ngủ hay ăn uống bất thường. Dưới đây là một số triệu chứng giúp nhận diện:

  • Đầy hơi, sôi bụng
  • Thường xuyên ợ chua, vị chua trong miệng kéo dài
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Rối loạn tiêu hóa, có thể là táo bón hay tiêu chảy
  • Khó tập trung, mệt mỏi, căng thẳng thần kinh

Lượng axit dư thừa nhiều là nguyên nhân chính gây ra chứng trào ngược dạ dày thực quản. Lúc này axit sẽ khiến cho niêm mạc dạ dày cũng như thực quản bị ăn mòn. Lâu ngày sẽ kích thích sự phát triển của các phản ứng viêm. Đồng thời làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày thực quản hay xuất huyết dạ dày.

Ngoài việc quản lý căng thẳng và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng thì trong nhiều trường hợp bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để khắc phục tình hình. Omeprazol, lansoprazol, cimetidin, rannitidin… là những loại thuốc giảm tiết axit được dùng phổ biến.

Hoạt động của hệ tiêu hóa chỉ diễn ra tốt nhất khi lượng axit dạ dày được trung hòa. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống cũng như các biện pháp chăm sóc của bạn.