Trẻ hay bị nôn trớ – Nguyên nhân và cách khắc phục, chăm sóc
Trẻ hay bị nôn trớ có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa hay các vấn đề sức khỏe khác. Các bậc phụ huynh chớ nên xem thường, hãy chủ động nhờ đến sự giúp đỡ từ bác sĩ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho con của mình.
Nguyên nhân khiến trẻ hay bị nôn trớ
Nôn trớ là một trong những tình trạng rất thường gặp ở đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hiện tượng này sẽ xảy ra khi thức ăn từ dạ dày có xu hướng bị đẩy ngược lên thực quản và trào ra bên ngoài theo đường miệng.
Tình trạng nôn trớ diễn ra thường xuyên sẽ khiến cho trẻ mệt mỏi, sợ hãi, dễ quấy khóc. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nôn trớ ở trẻ.
Có thể là do bạn ép trẻ ăn quá nhiều, cùng với đó là trẻ nằm ngay hay vận động nhiều khi vừa ăn xong. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tình trạng nôn trớ ở trẻ là do những nguyên nhân khác, đôi khi còn là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe đáng quan ngại.
1. Dị ứng thức ăn
Tình trạng này không phổ biến ở trẻ sơ sinh nhưng lại rất phổ biến khi trẻ đang ở độ tuổi ăn dặm hay thiếu niên. Ngoài nôn trớ ra, trẻ có thể sẽ gặp một số dấu hiệu khác. Cần chú ý nhất là nổi mề đay, thở khò khè, ho liên tục, khó nuốt…
Lúc này bạn nên kiểm tra lại xem trong khẩu phần ăn của trẻ có chứa các loại thức ăn dễ gây dị ứng hay không. Điển hình nhất là:
- Quả hạch như óc chó, điều, hạnh nhân…
- Đậu phộng, đậu nành, lúa mì
- Cá, tôm, cua
- Trứng, sữa
Các triệu chứng dị ứng thức ăn ở trẻ thường sẽ xuất hiện sau khi trẻ ăn khoảng từ 2 – 6 giờ. Nhiều trẻ còn có thể bị tiêu chảy, thậm chí là đi ngoài ra máu. Bạn cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở nhi khoa gần nhất để bác sĩ kịp thời can thiệp.
2. Trào ngược dạ dày
Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cho trẻ hay bị nôn trớ. Có thể là do hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động chưa tốt. Điều này khiến cho cơ thắt thực quản không mở ra để thức ăn đi vào dạ dày. Từ đó thức ăn sẽ bị trả ngược lại thực quản và gây ra tình trạng nôn trớ.
Ở trường hợp trẻ sơ sinh, dạ dày vốn còn nằm ngang nên các cơ co thắt cũng sẽ hoạt động chưa tốt. Sẽ rất khó để hạn chế tình trạng này cho đến khi dạ dày của bé xoay dọc lại như người trưởng thành.
3. Viêm dạ dày
Viêm dạ dày đặc trưng bởi tình trạng nhiễm trùng ở cơ quan này do sự tấn công của vi khuẩn. Trong đó vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) chính là tác nhân phổ biến nhất.
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân rất thường gặp khiến trẻ hay bị nôn trớ. Các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày ở trẻ thường kéo dài trong khoảng một vài ngày.
4. Sốc thuốc
Trẻ sẽ rất dễ bị nôn trớ khi được cho uống một số loại thuốc lúc bụng còn rỗng. Bởi lúc này, các tác dụng phụ của thuốc sẽ có nguy cơ kishc hoạt cao hơn.
Đôi khi nôn trớ cũng là một dấu hiệu cho thấy rằng có thể bạn đang cho trẻ uống quá nhiều loại thuốc. Sau đây là một số loại thuốc phổ biến nhất có thể khiến trẻ bị nôn trớ:
- Thuốc trị hen suyễn
- Chất sắt
- Acetaminophen
- Ibuprofen
- Erythromycin
- Codein
5. Tắc đường ruột
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tình trạng nôn trớ nhiều có thể là dấu hiệu cho thấy đường ruột của trẻ đang bị tắc nghẽn. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng con bạn có thể đang bị hẹp môn vị. Tình trạng này khiến cho dạ dày bị thu hẹp lại ngăn thức ăn đi qua. Từ đó khiến thức ăn có nguy cơ bị trào ngược về lại thực quản.
6. Chứng đau nửa đầu
Thống kê cho thấy rằng, có tới khoảng 10% trẻ em ở trong độ tuổi tới trường phải thường xuyên đối mặt với tình trạng đau nửa đầu. Những cơn đau thường xuất hiện phổ biến ở những trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên.
Chứng đau nửa đầu khiến trẻ rất khó chịu bởi nó gây ra nhiều triệu chứng tiêu cực như:
- Buồn nôn, nôn trớ
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Nhạy cảm hơn với âm thanh và mùi
Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định rõ nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu ở trẻ em. Khi trẻ gặp các triệu chứng được đề cập ở trên thì nên sớm đưa trẻ thăm khám để tránh những hệ lụy nghiêm trọng phát sinh.
7. Say tàu xe
Việc di chuyển bằng tàu xe có thể sẽ khiến não của trẻ xuất hiện các tín hiệu rối loạn. Nhất là khi trẻ hay nhìn ra ngoài cửa sổ khi đi tàu xe. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tương đối thường gặp khiến trẻ bị nôn trớ.
Đi kèm với tình trạng say tàu xe ở trẻ là rất nhiều những triệu chứng khó chịu. Thường thấy nhất là nôn ói, đau bụng, đổ mồ hôi, cảm giác khó chịu. Chứng say tàu xe ở trẻ em được cho là có khả năng di truyền từ bố mẹ.
8. Viêm ruột thừa
Tình trạng này thường đi kèm với những cơn đau ở dạng cấp tính khiến trẻ bị đau bụng dữ dội. Phản ứng viêm sẽ trở nên tồi tệ một cách rất nhanh chóng nếu không được can thiệp kịp thời.
Ngoài đau bụng dữ dội thì trẻ cũng có thể sẽ bị nôn trớ nhiều. Trong hầu hết các trường hợp bị viêm ruột thừa, bạn cần khẩn cấp đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ can thiệp càng sớm càng tốt.
9. Các yếu tố khác
Ngoài những nguyên nhân được đề cập ở trên thì còn rất nhiều các yếu tố khác cũng có thể sẽ liên quan đến tình trạng nôn trớ ở trẻ. Phải kể đến một số ví dụ điển hình như:
- Các bệnh lý về tai – mũi – họng
- Cho trẻ ăn thực phẩm dễ gây trào ngược
- Quấn tã hoặc cho trẻ mặc quần áo quá chặt
- Rơ lưỡi cho trẻ không đúng cách
- Trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp
- Trẻ không dung nạp sữa
Trẻ em là nhóm đối tượng đặc biệt ở trẻ, nên những triệu chứng bất thường về sức khỏe, điển hình như nôn trớ cũng sẽ rất đáng quan ngại. Bạn cần chú ý theo dõi sát sao để xử lý đúng cách, tránh ảnh hưỡng xấu đến sức khỏe của con mình.
Trẻ bị nôn trớ có nguy hiểm không?
Mức độ nguy hiểm của tình trạng nôn trớ ở trẻ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó điển hình nhất không thể loại trừ là nguyên nhân kích hoạt vấn đề.
Nếu tình trạng nôn trớ của trẻ là do các vấn đề sinh lý gây ra thì không có gì đáng quan ngại. Triệu chứng có thể được cải thiện rất tốt khi bạn thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên, trong trường hợp tình trạng nôn trớ ở trẻ là do các bệnh lý kích hoạt nên thì bạn hãy cẩn trọng nhiều hơn. Bởi nếu không sớm phát hiện và điều trị thì bệnh sẽ diễn tiến rất nhanh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ mà trong nhiều trường hợp nó còn đe dọa đến cả tính mạng.
Khi nào cần thăm khám khi trẻ bị nôn trớ?
Tình trạng nôn trớ do vấn đề sinh lý thường có thể tự cải thiện mà không cần điều trị chuyên sâu. Nhưng trong nhiều trường hợp, trẻ hay bị nôn trớ có thể còn là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng cần quan tâm kịp thời.
Chú ý đưa trẻ thăm khám khi:
- Trẻ bị nôn ói liên tục không kiểm soát
- Nôn ra dịch vàng hay có dính máu
- Trẻ có dấu hiệu sốt cao trên 38°C
- Tiêu chảy nhiều lần trong ngày
- Trẻ mệt mỏi, đờ đẫn, không tập trung
- Các triệu chứng đau bụng, đau đầu, chóng mặt, chán ăn đi kèm
Lúc này, khi thăm khám bác sĩ sẽ kiểm tra lâm sàng đồng thời chỉ định trẻ thực hiện các thủ thuật cần thiết. Từ đó có thể tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục phù hợp.
Cách khắc phục tình trạng nôn trớ ở trẻ
Khi thấy trẻ bị nôn trớ, bạn cần nhanh chóng tìm cách khắc phục cho trẻ càng sớm càng tốt. Ngoài việc thăm khám và điều trị theo chỉ dẫn từ bác sĩ thì bạn cũng cần chú ý đến việc chăm sóc trẻ ngay tại nhà. Dưới đây là một số thao tác mà bạn cần làm khi không may bé bị nôn trớ:
- Khẩn trường nghiêng đầu trẻ về một bên để tránh tình trạng trẻ bị sặc chất nôn. Tiếp theo, sử dụng khăn mềm để lau sạch vùng miệng cũng như cổ họng và sau đó là mũi của trẻ.
- Khum bàn tay lại và tiến hành vỗ nhẹ vào 2 bên lưng của trẻ. Cách này có thể sẽ giúp trấn an tinh thần cho trẻ và khiến trẻ bớt sợ hơn, đồng thời giúp bé nôn sạch hết phần thức ăn còn lại ra bên ngoài.
- Chuẩn bị một chậu nước ấm, lấy khăn xô thấm ướt rồi vắt cho bớt nước. Dùng khăn này lau sạch vùng mặt và vùng cổ của bé. Các mẹ cũng nên nhanh chóng thay quần áo sạch cho trẻ nếu chúng bị chất nôn dính lên.
- Nếu trẻ đã bớt sợ, tinh thần đã được ổn định trở lại, hãy cho trẻ uống nước ấm hay sử dụng oresol ấm. Điều này sẽ ngăn ngừa được nguy cơ mất nước khi trẻ bị nôn trớ.
- Tuyệt đối không được tự ý cho trẻ uống các loại thuốc chống nôn. Bởi chúng có thể phát sinh các tác dụng phụ khiến cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
- Chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống cho trẻ một cách khoa học nhất. Trong vòng 24 giờ kể từ sau khi trẻ bị nôn trớ, bạn không nên cho trẻ ăn thức ăn đặc. Thay vào đó hãy chọn sữa hay thức ăn dạng mềm lỏng để trẻ tiêu hóa tốt hơn.
Bài viết đã tổng hợp những thông tin cần thiết nhất về tình trạng trẻ bị nôn trớ. Mong rằng chúng sẽ là nguồn kiến thức hữu ích giúp bạn bảo vệ sức khỏe con mình được tốt hơn.