Tá tràng là gì, nằm ở đâu? Cấu tạo và chức năng
Trong cơ thể người, tá tràng là một đoạn hình chữ C dài khoảng 25cm. Bộ phận này giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình trung chuyển thức ăn từ dạ dày và tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn ở ruột non. Tuy nhiên, không nhiều người thật sự biết tá tràng là gì.
Tá tràng là gì và nằm ở đâu?
Các bệnh lý về dạ dày thường đi kèm với tá tràng. Một số tài liệu gọi chung hai bộ phận này là dạ dày – tá tràng. Cách gọi này khiến không ít người lầm tưởng tá tràng là dạ dày hoặc một phần của dạ dày. Vậy tá tràng là gì? Thực tế, tá tràng là phần đầu của ruột non. Hai thành phần còn lại của ruột non là hỗng tràng và hồi tràng.
Tá tràng nằm ở vị trí tiếp giáp giữa dạ dày và ruột non. Cụ thể, tá tràng bắt đầu từ môn vị của dạ dày tới góc tá tràng – hỗng tràng. Nói cách khác, tá tràng là đoạn ruột đầu của ruột non.
Ngoài ra, trong tên gọi, người ta còn xếp dạ dày và tụy vào cùng một nhóm và gọi chung là khối tá – tụy. Nguyên nhân là chúng khá giống nhau về đặc điểm giải phẫu. Đồng thời, các bệnh lý của tá tràng thường liên quan đến tụy và ngược lại.
Cấu tạo của tá tràng
So với tổng chiều dài của ruột non (trung bình là 6,5m) thì tá tràng có chiều dài khá khiêm tốn – chỉ 25cm. Phần còn lại là chiều dài của hỗng tràng và hồi tràng. Dù vậy, đặc điểm của tá tràng khá phức tạp. Nó được chia thành 4 phần. Mỗi phần có hình dạng khác nhau. Để dễ hình dung, bạn cần liên tưởng đến hình dạng của chữ C ngược:
- Tá tràng trên: Hướng lên phải. Có hình dạng phình ra như củ hành. Do đó, người ta còn gọi phần này là hành tá tràng. Nó thông với dạ dày qua lỗ môn vị.
- Tá tràng xuống: Chạy dọc theo phía bên phải của cột sống và có hai chỗ tiếp giáp. Chỗ tiếp giáp ở phía trên gọi là góc tá tràng trên, phía dưới gọi là góc tá tràng dưới.
- Tá tràng ngang: Chạy ngang qua cột sống theo hướng từ phải sang trái.
- Tá tràng lên: Hướng lên trái và tiếp giáp với hỗng tràng. Góc tiếp giáp gọi là góc tá hỗng tràng. Nó được treo vào cơ hoành nhờ cơ treo tá tràng.
Về đặc điểm giải phẫu, người ta chia tá tràng ra thành 5 lớp. Đây cũng là đặc điểm chung của một số cơ quan khác trong ống tiêu hóa. Trong đó có cả dạ dày, ruột non và ruột già. 5 lớp này gồm: lớp thanh mạc, dưới thanh mạc, lớp cơ, lớp dưới niêm mạc và lớp niêm mạc.
Chức năng của tá tràng
Bên cạnh thắc mắc tá tràng là gì, nhiều người còn thắc mắc bộ phận này làm nhiệm vụ gì trong cơ thể. Chức năng của tá tràng là trung chuyển thức ăn giữa dạ dày và ruột non. Ngoài ra, bộ phận này còn làm nhiệm vụ trung hòa axit của dịch mật và tụy trước khi nó xuống hỗng tràng và hồi tràng của ruột non.
Dịch tụy và dịch mật sẽ cùng với dịch ruột chuyển đổi phần lớn các chất trong thức ăn thành dinh dưỡng. Ruột non sẽ hấp thụ và đưa chúng theo đường tĩnh mạch chủ đến gan lọc bỏ chất độc hại. Sau đó, chúng tiếp tục theo đường tĩnh mạch chủ đến tim. Tim sẽ bơm máu chứa chất dinh dưỡng nuôi sống toàn bộ cơ thể.
Như vậy, nếu tá tràng hoạt động không tốt thì quá trình “liên lạc” của toàn bộ ống tiên hóa sẽ gặp vấn đề. Kéo theo đó là hàng loạt bệnh lý. Các bệnh này không chỉ ở tá tràng mà có thể còn ở dạ dày, ruột già và ruột non.
Các bệnh lý ở tá tràng
Viêm loét tá tràng
Toàn bộ các vị trí của tá tràng đều có khả năng bị viêm loét. Tuy nhiên, hành tá tràng là vị trí dễ bị nhất. Nguyên nhân là nơi đây thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với dịch vị dạ dày. Trong dịch vị của dạ dày có axit clohydric (HCl). Bản chất của HCl là có độ ăn mòn cao. Dạ dày chứa được nó và không bị thương tổn lớp niêm mạc là nhờ dịch nhầy.
Nếu dạ dày tiết quá nhiều axit và chúng xuống tá tràng quá nhanh, đồng thời nồng độ natri bicacbonat (làm nhiệm vụ trung hòa axit) quá ít thì hành tá tràng sẽ bị tổn thương. Lớp trong cùng của tá tràng là niêm mạc sẽ chịu tổn thương đầu tiên. Các vết loét có thể tiếp tục lan rộng và dẫn đến xuất huyết nếu lượng axit vẫn quá nhiều và tá tràng không đủ natri bicacbonat để trung hòa.
Nguyên nhân gây viêm loét tá tràng có thể là vi khuẩn HP. Ngoài ra, chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học cũng góp phần vào nguyên nhân gây bệnh. Những người lạm dụng chất kích thích, ăn nhiều đồ cay nóng và thường xuyên căng thẳng là đối tượng thường mắc bệnh này.
Biểu hiện của bệnh viêm loét tá tràng là đau bụng, đầy hơi và chán ăn. Một số người sẽ cảm thấy buồn nôn hoặc nôn. Kèm theo đó có thể là tình trạng rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài). Trường hợp năng có thể bị đại tiện ra máu.
Biến chứng của tình trạng viêm loét có thể gây ra thủng tá tràng. Khi đó, người bệnh có thể bắt buộc phải phẫu thuật. Ngoài ra, một số tài liệu còn cho rằng viêm loét có mối liên hệ với bệnh ung thư tá tràng.
U tá tràng
Đây là các khối u biểu mô đệm. So với 2 thành phần còn lại của ruột non thì tá tràng là thành phần ít bị khối u hơn. Nó chiếm khoảng 12-18% các trường hợp có khối u ở ruột non. Khối u tá tràng đa số lành tính (không di căn). Phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp điều trị tốt nhất. Bởi khối u ảnh hưởng nhiều đến hoạt động tiêu hóa bình thường của cơ thể.
Biểu hiện của người bị khối u ở tá tràng là thường khó chịu và đau âm ỉ ở bụng. Sau khi ăn, cơn đau vẫn không dứt. Ngoài ra, một số người còn bị sốt, thiếu máu, buồn nôn và chán ăn. Sức khỏe cũng vì thế mà suy kiệt nhanh chóng.
Polyp tá tràng
Polyp tá tràng là bệnh lý khá hiếm gặp. Đây là tình trạng khối các tế bào hình thành bất thường trên lớp niêm mạc tá tràng. Polyp không phải ung thư. Người mắc bệnh này không biểu hiện triệu chứng cụ thể. Trừ khi khối polyp phát triển lớn, bị viêm loét và chảy máu. Trường hợp polyp còn nhỏ, có thể bạn không cần phải phẫu thuật. Một số trường hợp sẽ được bác sĩ cân nhắc các phương pháp phù hợp nhất.
Ung thư tá tràng
Ung thư tá tràng hình thành khi tế bào ở một số vị trí tăng sinh quá mức. Nó chèn ép, xâm lấn mạch máu và các tế bào bình thường. Sau đó, các tế bào này tiếp tục di căn đến ruột, dạ dày, gan và nhiều bộ phận khác trong cơ thể.
Bệnh chia thành 4 giai đoạn và chưa có thuốc đặc trị. Các biểu hiện của ung thư tá tràng tương tự như tình trạng viêm loét. Đa số các trường hợp chỉ phát hiện bệnh thông qua xét nghiệm.
Biện pháp phẫu thuật cắt bỏ tế bào ung thư hoặc hóa trị và xạ trị để tiêu diệt các tế bào này không chữa khỏi hoàn toàn các trường hợp mắc bệnh. Nhất là khi các tế bào ung thư đã di căn.
Tắc hoặc hẹp tá tràng bẩm sinh
Tỷ lệ mắc phải tình trạng này cũng rất hiếm gặp. Người ta ước tính rằng khoảng 5.000 – 10.000 trẻ mới có 1 trẻ bị tắc hoặc hẹp tá tràng bẩm sinh. Đa số, tình trạng này sẽ được phát hiện trong 12 – 24h sau sinh và có thể được phẫu thuật thông tá tràng. Sau đó, trẻ vẫn phát triển bình thường.