Hội chứng dạ dày tá tràng là gì? Các loại thường gặp
80% các trường hợp mắc bệnh về tiêu hóa có liên quan đến hội chứng dạ dày tá tràng. Hội chứng này là gì, có nguy hiểm không, phòng và chữa bệnh thế nào… sẽ được trình bày trong bài viết dưới đây.
Hội chứng dạ dày tá tràng là gì và biểu hiện
Trước hết, bạn cần biết mối liên hệ giữa dạ dày và tá tràng trong cơ thể. Thứ nhất, chúng đều thuộc ống tiêu hóa. Thứ hai, tá tràng thuộc ruột non nhưng chịu tác động nhiều bởi hoạt động của dạ dày.
Tá tràng là nơi chuyển tiếp thức ăn từ dạ dày xuống hỗng tràng và hồi tràng (của ruột non). Ngoài ra, nó còn giữ nhiệm vụ trung hòa dịch vị của dạ dày, dịch tiết từ mật và tụy trước khi đưa xuống hai thành phần còn lại của ruột non. Do đó, một khi dạ dày có vấn đề, tá tràng là bộ phận ảnh hưởng trực tiếp. Mức độ tổn thương không khác gì ở dạ dày.
Rất nhiều người nghĩ rằng bệnh lý liên quan giữa hai cơ quan này thường là viêm loét dạ dày – tá tràng. Tuy nhiên, thực tế còn có hội chứng dạ dày tá tràng. Nó có thể không gây nguy hiểm nếu được điều trị đúng cách và kịp thời. Tuy nhiên, sinh hoạt và tâm lý của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Biểu hiện
Biểu hiện thường thấy của hội chứng dạ dày tá tràng là:
- Ăn nhanh no nhưng khó tiêu và luôn cảm thấy chướng bụng.
- Đau vùng thượng vị (xung quanh xương ức).
- Buồn nôn và nôn.
- Sụt cân.
- Đại tiện hoặc tiểu tiện ra máu.
- Thiếu máu.
- Tuy nhiên, một số trường hợp mắc phải hội chứng lâu ngày, thậm chí nhiều năm vẫn không có biểu hiện rõ ràng.
Dựa vào nguyên nhân, các nhà khoa học phân chia Hội chứng dạ dày tá tràng thành 2 loại: bệnh lý và chức năng.
Hội chứng dạ dày tá tràng bệnh lý
Bệnh nhân sẽ có một vài hoặc tất cả các dấu hiệu như đã liệt kê ở trên. Nguyên nhân là do sự tấn công của xoắn khuẩn Hp (Helicobacter pylori).
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra ở nước ta, tỷ lệ người nhiễm khuẩn này có thể lên đến 70%. Đây đồng thời cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng viêm loét dạ dày – tá tràng cũng như hội chứng ở hai bộ phận này.
Người ta có thể điều trị hội chứng này bằng cách dùng 2 loại thuốc. Thứ nhất là kháng sinh để tiêu diệt Hp. Thứ hai là thuốc ức chế axit để đưa môi trường trong dạ dày trở lại trạng thái bình thường. Các vết tổn thương có thể dùng thuốc hỗ trợ khôi phục hoặc chờ cơ chế tự phục hồi của cơ thể.
Để xác định trường hợp dùng thuốc đặc trị, bệnh nhân cần được bác sĩ kiểm tra có phải do xoắn khuẩn Hp gây ra hay không. Biện pháp chẩn đoán chính xác nhất là nội soi kết hợp với sinh thiết. Ngoài ra, một số trường hợp sẽ được chẩn đoán qua hơi thở.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị khác nhau. Kết thúc phác đồ, bệnh nhân sẽ được kiểm tra lại xem còn xoắn khuẩn Hp trong dạ dày hoặc trực tràng không.
Khi thực hiện xét nghiệm này, người bệnh không được sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc ức chế dạ dày tiết axit trước đó ít nhất 2 tuần. Kỹ thuật xét nghiệm lại có thể tương tự như kỹ thuật chẩn đoán ban đầu.
Hội chứng dạ dày tá tràng chức năng
Đa số các trường hợp mắc hội chứng này không tự phát hiện được mà phải thông qua hoạt động thăm khám. Bởi người bệnh thường không có những dấu hiệu rõ ràng.
Kỹ thuật chẩn đoán chính xác hội chứng này là nội soi. Tuy nhiên, một số trường hợp đã mắc bệnh nhiều năm và nội soi nhiều lần vẫn không phát hiện. Một số khác thì bị nhầm lẫn với tình trạng viêm dạ dày dạng nhẹ. Đến nay, nguyên nhân gây hội chứng dạ dày tá tràng chức năng vẫn chưa được làm rõ.
Phòng và điều trị hội chứng dạ dày tá tràng
Hội chứng dạ dày tá tràng để lâu không điều trị có thể gây thủng hoặc ung thư dạ dày và tá tràng. Tuy nhiên, nó lại hay bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Một số trường hợp lại rất khó phát hiện bệnh. Do đó, bạn cần chủ động các biện pháp phòng bệnh. Ngoài ra, các biện pháp được đề cập dưới đây cũng sẽ cải thiện bệnh tình theo chiều hướng tích cực.
- Chú ý ăn uống điều độ và đảm bảo chế độ dinh dưỡng trong các bữa ăn.
- Ăn chậm, nhai kỹ. Không bỏ bữa hoặc để bụng quá đói mới ăn.
- Hạn chế ăn đồ cay nóng và đồ nhiều dầu mỡ.
- Không hoạt động mạnh sau khi ăn no.
- Hạn chế dùng chất kích thích như: rượu, bia và thuốc lá.
- Luyện tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút /1 ngày.
- Ngủ đủ giấc, không thức quá khuya.
- Giữ cho tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng quá mức.