Người bị viêm loét dạ dày có uống được sâm?
Khi bị viêm loét dạ dày, người bệnh không được dùng sâm. Sâm (và các chế phẩm từ sâm) sẽ khiến vết thương khó lành, tăng chảy máu, gây đau tại chỗ, khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Tác dụng của nhân sâm đối với sức khỏe
Sâm hay còn gọi là nhân sâm (Panax ginseng) là một loại thuốc quý có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ. Nhân sâm là một loại thực vật mọc hoang, có khả năng hấp thụ và chuyển hoá protein tốt, nên tích trữ nhiều chất dinh dưỡng.
Từ ngàn xưa, con người đã biết đến cây nhân sâm và phát hiện ra được dược tính trong nhân sâm. Tại Trung Hoa thời xa xưa, nhân sâm đã được nhắc đến trong sách “Thần Nông bản thảo” của vua Thần Nông. Vị vua này đã nói về những đặc tính cũng như công dụng của nhân sâm đối với sức khoẻ. Nhân sâm được tìm thấy nhiều ở Trung Hoa (có nhiều ở tỉnh Liêu Ninh và tỉnh Cát Lâm), Cao Ly (tên cũ của Triều Tiên), Ấn Độ, Nhật Bản,…
Rễ nhân sâm chính là bộ phận được con người đưa vào sử dụng trong Đông y. Rễ nhân sâm là bộ phận tích trữ nhiều dược chất và các chất dinh dưỡng. Rễ cây nhân sâm thuộc loại rễ củ. Mọi tổng hợp, chuyển hoá chất dinh dưỡng từ lá cây đều được vận chuyển xuống rễ.
Đối với Tây y, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra và đã công nhận khả năng điều trị bệnh của nhân sâm. Họ đã chiết xuất nhiều dược chất trong nhân sâm để bào chế thuốc chữa bệnh.
Theo Đông y, nhân sâm là một loại dược liệu quý hiếm đứng đầu. Bên cạnh nhân sâm còn có các loại dược liệu khác xếp sau như: nhung, quế và phụ.
Nhân sâm có những tác dụng dược lý sau:
- Ích huyết;
- Đại bổ nguyên khí;
- Sinh tân dịch;
- Ích trí;
- Định thần;
- Bồi bổ sức khoẻ.
Theo y học hiện đại, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra những công dụng khác của nhân sâm như:
- Tăng sức đề kháng của cơ thể, giúp hệ miễn dịch khoẻ mạnh hơn, chống chọi lại với vi khuẩn, virus khi chúng tấn công cơ thể;
- Chống lão hoá, thúc đẩy hoạt động tổng hợp protein trong cơ thể, giúp sản sinh tế bào mới;
- Điều hoà huyết áp của cơ thể;
- Giúp trẻ có thể chất yếu khoẻ mạnh hơn, ăn uống ngon miệng, phát triển tốt về thể lực lẫn trí tuệ.
Viêm loét dạ dày có uống được sâm không?
Không ai có thể phủ nhận tác dụng của nhân sâm đối với sức khoẻ và trong việc điều trị bệnh. Tuy nhiên, không phải đối tượng bệnh nhân nào cũng có thể dùng nhân sâm với mong muốn bồi bổ sức khoẻ, điều trị khỏi bệnh.
Người bệnh viêm loét dạ dày là đối tượng không nên sử dụng sâm. Nguyên nhân gây ra chứng viêm loét dạ dày là do dịch vị axit tiết ra quá nhiều, gây viêm và hình thành những vết loét. Từ đó, khí trong dạ dày bị trì trệ dẫn đến máu huyết bị rối loạn đường đi. Người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn tại dạ dày, buồn nôn và máu rỉ ra tại chỗ. Đặc tính của nhân sâm đó là giúp bổ khí. Khi người bệnh dạ dày dùng nhân sâm, khí sẽ được sản sinh nhiều hơn, máu huyết hưng vượng dẫn đến chảy máu tại chỗ nhiều hơn.
Người bệnh dạ dày cần tránh dùng nhân sâm hoặc các sản phẩm được chế biến từ nhân sâm như hồng sâm. Hồng sâm chính là sản phẩm được bào chế từ nhân sâm tươi. Thông thường, người ta thường chế biến hồng sâm từ nhân sâm 6 tuổi. Mặc dù hồng sâm được sấy khô, loại bỏ bớt nước nhưng vẫn còn giữ lại dược tính bồi bổ khí huyết. Các chế phẩm hồng sâm trên thị trường hiện nay như cao hồng sâm, kẹo hồng sâm, củ hồng sâm khô, mứt hồng sâm tẩm mật ong, nước hồng sâm, trà hồng sâm, viên uống hồng sâm,… Tất cả các loại sản phẩm này đều không phù hợp với người bệnh viêm loét dạ dày.
Không chỉ riêng người bệnh viêm loét dạ dày, một số trường hợp bệnh nhân sau đây cũng không nên dùng sâm (nhân sâm, hồng sâm):
- Người bị chướng bụng, rối loạn tiêu hoá;
- Bệnh nhân mắc chứng viêm khớp phong thấp;
- Bệnh nhân lupus ban đỏ;
- Người bị bệnh lao, bị giãn phế quản;
- Người mắc các chứng liên quan đến gan mật;
- Người đang bị cảm cúm;
- Phụ nữ đang mang thai;
- Người bị xuất tinh sớm, di tinh.
Người mắc bệnh huyết áp cần thận trọng về liều lượng khi dùng: Dùng nhân sâm ở liều lượng cao sẽ giúp làm hạ huyết áp, dùng ở liều lượng thấp sẽ làm tăng huyết áp. Cần phải biết điều chỉnh lượng dùng để có thể giúp huyết áp ở mức ổn định.
Viêm loét dạ dày nên dùng những loại dược liệu nào?
Người bệnh viêm loét dạ dày cần tránh xa các loại sâm và nên chọn dùng các loại thảo dược, dược liệu lành tính, giúp bệnh mau chóng hồi phục.
Chè dây
Cây chè dây là dược liệu lành tính, không gây ngộ độc. Thông thường, chè dây được chế biến bằng cách làm sạch, phơi khô, sao cho thơm, sau đó hãm nước uống. Nước chè dây có vị ngọt, dễ chịu, có tính mát, giúp làm giảm đau khi viêm loét dạ dày, trung hoà axit, cầm máu.
Người bệnh viêm loét dạ dày có thể hãm nước chè dây, uống nước hàng ngày thay cho nước trà.
Bạch truật
Bạch truật là một loại dược liệu quý hiếm trong Đông y. Bạch truật vốn là loài cây thân thảo, có phần thân và gốc rễ to. Người ta thường dùng phần rễ bạch truật để làm thuốc. Rễ bạch truật có chứa dầu thơm nhẹ.
Bạch truật là một loại dược liệu tốt cho người bệnh đau, viêm loét dạ dày. Tinh dầu trong bạch truật chứa nhiều dược chất giúp làm trung hoà axit, giảm bớt lượng axit trong dạ dày, làm giảm đau, giảm cảm giác nóng rát thượng vị. Bạch truật cũng có công dụng điều trị các vấn đề về rối loạn tiêu hoá như tiêu chảy, táo bón, ợ chua, ợ hơi,…
Người bệnh đau dạ dày có thể sắc bạch truật để uống nước hàng ngày. Mỗi ngày nên dùng từ 6 – 12g bạch truật.
Dạ cẩm
Dạ cẩm là một loại thực vật thuộc họ cà phê, còn được gọi với những tên khác như: chạm khẩu cắm, loét mồm, đất lượn,… Cây dạ cẩm được thu hái quanh năm, dùng để làm dược liệu. Người ta thường dùng lá cây để làm thuốc trị bệnh.
Dạ cẩm là dược liệu tốt cho bệnh nhân viêm loét dạ dày, giúp người bệnh giảm đau rát, giảm ợ chua, làm lành vết loét nhanh chóng. Ngoài ra, dạ cầm còn có công dụng thanh nhiệt, giúp điều trị nhiệt miệng, điều trị bệnh ngoài da,…
Người ta thường bào chế dạ cẩm thành các dạng như cao dạ cẩm, cốm dạ cẩm hoặc sắc nước uống để điều trị bệnh viêm loét dạ dày.
Bên cạnh việc dùng các loại dược liệu như dạ cẩm, bạch truật, chè dây,… để điều trị viêm loét dạ dày, người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt để giúp bệnh mau chóng được hồi phục. Người bệnh cần ăn uống đúng giờ giấc, tránh bỏ bữa, ăn nhiều rau xanh, trái cây, thịt nạc. Người bệnh viêm loét dạ dày nên ăn cơm mềm, tránh ăn thực phẩm khô cứng, thực phẩm cay nóng.
Người bệnh viêm loét dạ dày nên tránh dùng bia, rượu, thuốc lá và cần thận trọng trong việc sử dụng thuốc Tây.
Phòng tránh bệnh viêm loét dạ dày như thế nào?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày như: dùng quá nhiều thuốc Tây, tiêu thụ nhiều thuốc lá, bia rượu, nhiễm vi khuẩn HP, thường xuyên ăn thức ăn cay nóng, stress, bỏ bữa,… Viêm loét dạ dày gây ra những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và có thể gây ra những biến chứng nặng nề.
Chúng ta hoàn toàn có thể phòng chống bệnh viêm loét dạ dày bằng cách đi từ nguyên nhân gây bệnh đến việc tránh xa những nguyên nhân ấy.
Sau đây là một số biện pháp phòng tránh bệnh viêm loét dạ dày:
Về chế độ dinh dưỡng
- Ăn uống đúng giờ, không ăn muộn, không bỏ bữa;
- Ăn uống đầy đủ chất, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, thịt nạc;
- Nên ăn thức ăn nấu chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hoá;
- Tránh ăn thức ăn chiên xào, nhiều chất béo, cay nóng, chua.
Về chế độ sinh hoạt
Ngủ đủ giấc hàng ngày, tránh thức khuya;
- Loại bỏ stress ra khỏi cuộc sống;
- Giữ tinh thần luôn lạc quan, thoải mái;
- Tránh tiêu thụ quá nhiều thuốc lá, rượu bia;
- Tránh nằm ngay sau khi ăn no hoặc vận động mạnh sau khi ăn;
- Không lạm dụng thuốc Tây;
- Khám sức khoẻ định kỳ.
Tóm lại, người bị viêm loét dạ dày không nên dùng sâm. Nhân sâm và các loại chế phẩm khác từ sâm tuy bổ dưỡng nhưng sẽ khiến người bệnh đau dạ dày khó lành vết loét, gây đau khó chịu. Người bệnh viêm loét dạ dày có thể dùng các vị thuốc, dược liệu khác lành tính, giúp điều trị viêm loét dạ dày như chè dây, bạch truật, dạ cẩm,…
Mọi thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo!