HP âm tính là gì? Có cần trị viêm dạ dày hp âm tính?

HP âm tính là tình trạng không nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (xoắn khuẩn sống ký sinh trong dạ dày người). Do đó quá trình điều trị viêm dạ dày HP âm tính thường có đáp ứng tốt hơn so với các trường hợp dương tính với loại xoắn khuẩn này.

âm tính với vi khuẩn hp
HP âm tính là gì?

Xét nghiệm HP âm tính là gì?

Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là loại xoắn khuẩn sinh sống trong dạ dày người. Vi khuẩn này là một trong những nguyên nhân gây ra hàng loạt các vấn đề về đường tiêu hóa như viêm dạ dày, loét dạ dày, ung thư dạ dày, hẹp môn vị, trào ngược dạ dày thực quản,…

Khi phát sinh các triệu chứng của bệnh dạ dày, bác sĩ thường yêu cầu xét nghiệm vi khuẩn HP trước khi đưa ra phác đồ điều trị. Xét nghiệm tìm vi khuẩn HP thường được thực hiện bằng cách test hơi thở, phân tích phân, nội soi dạ dày, sinh thiết mô dạ dày, xét nghiệm máu,…

viêm dạ dày hp âm tính
Kết quả xét nghiệm HP âm tính có nghĩa là bạn không nhiễm vi khuẩn Helocobacter pylori

Kết quả xét nghiệm HP âm tính có nghĩa là bạn không nhiễm vi khuẩn HP. Trong trường hợp này, viêm dạ dày có thể là hệ quả do thói quen ăn uống không điều độ, thường xuyên thức khuya, căng thẳng, stress kéo dài, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia hoặc do lạm dụng thuốc chống viêm.

Viêm dạ dày HP âm tính có nguy hiểm không?

So với viêm dạ dày dương tính với vi khuẩn HP, viêm dạ dày HP âm tính có mức độ nhẹ và quá trình điều trị thường đơn giản hơn. Bởi sự xuất hiện của vi khuẩn HP là nguyên nhân làm thay đổi độ pH trong dịch vị, kích thích tăng tiết acid dạ dày và thúc đẩy quá trình viêm loét diễn ra nhanh chóng hơn.

viêm dạ dày hp âm tính có nguy hiểm không
Viêm dạ dày HP âm tính kéo dài có thể dẫn đến loét dạ dày tá tràng, thủng dạ dày, hẹp môn vị

Trong khi đó, viêm dạ dày HP âm tính có tiến triển chậm và phụ thuộc phần lớn vào chế độ ăn uống, sinh hoạt và chăm sóc. Tuy nhiên với những trường hợp không điều trị và chăm sóc đúng cách, viêm dạ dày HP âm tính có thể tiến triển theo chiều hướng xấu và gây ra các biến chứng như:

  • Loét dạ dày tá tràng
  • Hẹp môn vị
  • Polyp dạ dày
  • Xuất huyết đường tiêu hóa trên
  • Thủng dạ dày

Hơn nữa viêm dạ dày kéo dài còn gây ra cảm giác khó chịu, mệt mỏi, ăn uống kém, thường xuyên đau thượng vị, buồn nôn và nôn mửa sau khi ăn. Các triệu chứng của bệnh có thể làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ quan tiêu hóa và gây suy nhược cơ thể, sụt cân không chủ đích, mệt mỏi, thiếu tập trung,…

Có cần trị viêm dạ dày HP âm tính? Điều trị bằng cách nào?

Mặc dù có mức độ nhẹ nhưng viêm dạ dày HP âm tính vẫn có nguy cơ gây ra biến chứng nguy hiểm. Vì vậy sau khi có kết quả chẩn đoán, bạn nên tiến hành điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Một số biện pháp điều trị viêm dạ dày HP âm tính:

1. Sử dụng thuốc Tây Y

Thuốc được chỉ định trong điều trị viêm dạ dày với mục đích bảo vệ vùng niêm mạc bị viêm và cải thiện các triệu chứng của bệnh.

Các loại thuốc thường được sử dụng, bao gồm:

  • Thuốc kháng antacid (Varogel, Phospholugel, Pepsane, Grangel): Thuốc kháng antacid có tác dụng bảo vệ ổ viêm và trung hòa dịch vị dạ dày. Thuốc thường được sử dụng trước khi ăn để tránh cảm giác đau thượng vị, nôn mửa, buồn nôn, ợ hơi,…
  • Thuốc kháng histamine H2 (Cimetidine, Ranitidine, Famotidine): Thuốc kháng histamine H2 hoạt động bằng cách ức chế chọn lọc thụ thể H2 ở thành dạ dày nhằm làm giảm lượng dịch vị được bài tiết. Nhóm thuốc này được hấp thu tốt và có thể cải thiện các triệu chứng thường gặp của viêm dạ dày âm tính với vi khuẩn HP. Tuy nhiên sử dụng thuốc kháng histamine H2 có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, táo bón, mệt mỏi, nhức đầu, hạ huyết áp,…
  • Thuốc ức chế bơm proton/ PPI (Lansoprazol, Pantoprazole, Esomeprazol, Omeprazole): Thuốc ức chế bơm proton cũng có tác dụng làm giảm bài tiết dịch vị. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế thụ thể proton ở tế bào viền của dạ dày. Tuy nhiên so với thuốc kháng histamine H2, PPI có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như tăng chủng vi khuẩn có hại trong dạ dày và tăng nguy cơ loãng xương.

Với viêm dạ dày âm tính với vi khuẩn HP, bác sĩ thường không yêu cầu sử dụng kháng sinh.

2. Điều trị bằng thuốc Đông Y

Ngoài việc sử dụng thuốc Tây, bạn cũng có thể điều trị viêm dạ dày với bài thuốc từ Đông Y. Các bài thuốc từ Đông Y thường có độ an toàn cao, ít gây tác dụng phụ và tương thích với cơ địa của người Á Đông. Tuy nhiên trước khi áp dụng bài thuốc, bạn nên tìm gặp thầy thuốc để được bắt mạch và xác định thể bệnh.

viêm dạ dày hp âm tính có nguy hiểm không
Có thể dùng bài thuốc Đông Y để kiểm soát triệu chứng và phục hồi vùng niêm mạc dạ dày bị tổn thương

Dưới đây là một số bài thuốc Đông Y trị chứng viêm dạ dày HP âm tính:

– Bài thuốc theo thể can khí phạm vị

  • Chuẩn bị: Bạch thược 12g, xuyên khung 8g, sài hồ 8g, hương phụ 8g, chỉ xác 8g, cam thảo 4g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.

– Bài thuốc theo thể hỏa uất

  • Chuẩn bị: Sa sâm, mạch môn đông, câu kỷ tử và đương quy mỗi vị 12g, xuyên luyện tử 6g, sinh địa 14g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.

– Bài thuốc theo thể huyết ứ

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng và ngũ linh chi mỗi vị 12g.
  • Thực hiện: Đem tán thành bột mịn, mỗi ngày dùng 10g chia thành 2 lần uống.

– Bài thuốc theo thể tỳ vị hư hàn

  • Chuẩn bị: Gừng sống 5 lát, hoàng kỳ 8g, cam thảo 4g, cao lương khương 8g, hương phụ 12g, đại táo 16g, quế chi 12g và bạch thược 10g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.

3. Thay đổi thói quen và chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng là yếu tố tác động trực tiếp đến tiến triển của bệnh viêm dạ dày. Vì vậy song song với việc sử dụng thuốc, bạn nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học để phục hồi niêm mạc và kiểm soát các triệu chứng của bệnh.

hp âm tính
Chế độ ăn khoa học có thể kiểm soát triệu chứng và hỗ trợ quá trình điều trị viêm dạ dày HP âm tính

Chế độ ăn và lối sống cho người bị viêm dạ dày HP âm tính:

  • Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ nhằm hạn chế áp lực lên dạ dày. Ngoài ra việc chia nhỏ bữa ăn còn làm giảm triệu chứng đau thượng vị, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và ợ hơi sau khi ăn.
  • Không nên hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, đồ uống chứa cồn và thực phẩm nhiều dầu mỡ, gia vị, cay nóng,…
  • Uống đủ 2 – 3 lít nước/ ngày. Thói quen này không chỉ giúp ổn định quá trình trao đổi chất mà còn trung hòa dịch vị dạ dày và giảm kích thích lên vùng niêm mạc bị sưng viêm.
  • Tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây. Với độ pH kiềm, rau xanh có khả năng trung hòa dịch vị, giảm nóng rát, ợ hơi và buồn nôn hiệu quả.
  • Cung cấp thực phẩm giàu dinh dưỡng cho cơ thể như ngũ cốc, trứng, thịt, cá,… nhằm nâng cao thể trạng và cải thiện hệ miễn dịch.
  • Hạn chế căng thẳng và thức khuya. Các thói quen này không chỉ gây hại lên não bộ mà còn kích thích dạ dày co bóp quá mức, dẫn đến tình trạng đau thượng vị, ăn không tiêu, đầy hơi,…
  • Tránh tình trạng bỏ bữa, đồng thời nên xây dựng giờ giấc sinh hoạt và ăn uống điều độ nhằm hỗ trợ quá trình điều trị.

Viêm dạ dày HP âm tính có thể được kiểm soát hoàn toàn nếu chủ động trong việc chăm sóc và điều trị. Ngược lại tình trạng chủ quan có thể khiến bệnh kéo dài và gây ra các biến chứng nguy hiểm.