Mổ ruột thừa khi nào cần thực hiện? Vị trí, quy trình, chăm sóc
Mổ ruột thừa là phương pháp điều trị chính của bệnh viêm ruột thừa cấp. Ngoài ra phương pháp này cũng có thể được thực hiện với người có mong muốn phẫu thuật nhằm hạn chế nguy cơ mắc các vấn đề ở ruột thừa.
Mổ ruột thừa được thực hiện khi nào?
Ruột thừa là một phần của đường ruột, nằm ở ngã ba nối giữa ruột non và ruột già. Ruột thừa có hình dạng như ngón tay, chiều dài khoảng 4 – 14 cm và đường kính dưới 1cm. Ruột thừa có một đầu bít và đầu kia thông với manh tràng – đoạn đầu tiên của ruột già.
Viêm ruột thừa là bệnh lý phổ biến nhất xảy ra ở cơ quan này. Nguyên nhân được xác định là do tắc nghẽn ruột, tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus xâm nhập.
Khi triệu chứng của viêm ruột thừa cấp bùng phát (đau bụng dữ dội, sốt, nôn mửa, tiêu chảy, buồn nôn,…) bạn cần gọi cấp cứu để được khắc phục kịp thời. Viêm ruột thừa là dạng cấp cứu ngoại khoa, do đó phần lớn các trường hợp đều phải can thiệp phẫu thuật.
Mổ ruột thừa được thực hiện khi nào:
- Khi triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa bùng phát mạnh (đau vùng bụng dưới, đau thượng vị, đau hố chậu, buồn nôn, sốt, tiêu chảy,…). Trong trường hợp này phải tiến hành cắt bỏ ruột thừa nhằm hạn chế các biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc ruột thừa, áp xe ổ bụng và tử vong.
- Ruột thừa không đảm nhiệm bất cứ chức năng gì trong cơ thể. Vì vậy, một số người có mong muốn cắt bỏ để tránh tình trạng viêm nhiễm cơ quan này.
Tuy nhiên trong trường hợp ruột thừa bị vỡ, gây nhiễm trùng phúc mạc và áp xe ổ bụng, phẫu thuật thường không được thực hiện.
Với những trường hợp này, bác sĩ cần chọc hút dịch mủ, chỉ định kháng sinh để kiểm soát hiện tượng nhiễm trùng. Khi nhiễm trùng ở ổ bụng và phúc mạc được kiểm soát, bạn có thể cắt bỏ ruột thừa để tránh nguy cơ tái phát.
Các kỹ thuật mổ ruột thừa phổ biến
Hiện nay, mổ ruột thừa có 2 kỹ thuật chính là mổ nội soi và mổ truyền thống.
1. Mổ mở (mổ truyền thống)
Mổ mở là phương pháp mổ truyền thống. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ cắt một đường lớn để lộ phần ruột thừa. Sau đó sẽ tiến hành cắt bỏ ruột thừa và khâu lại vết mổ.
Hiện tại kỹ thuật ít khi được áp dụng do phạm vi xâm lấn lớn và mất nhiều thời gian để phục hồi. Tuy nhiên với những trường hợp bị viêm ruột thừa có biến chứng, bác sĩ có thể đề nghị mổ mở để làm sạch khoang bụng.
2. Mổ ruột thừa nội soi
Nội soi là phương pháp phẫu thuật sử dụng máy nội soi để hỗ trợ. Khi thực hiện, bác sĩ chỉ tạo ra 1 vết cắt nhỏ, sau đó đưa dụng cụ nội soi nhằm quan sát biểu hiện bên trong đường ruột. Sau khi xác định được vị trí ruột thừa, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ và khâu vết rạch.
Kỹ thuật nội soi được áp dụng phổ biến do mức độ xâm lấn thấp và ít gây biến chứng. Tuy nhiên kỹ thuật này chỉ được áp dụng với trường hợp viêm ruột thừa cấp chưa vỡ.
Mổ ruột thừa kéo dài bao lâu? Cần chuẩn bị gì trước khi mổ?
Trung bình một ca mổ ruột thừa có thể kéo dài trong khoảng 30 – 60 phút. Tuy nhiên thời gian có thể chênh lệch ít nhiều, phụ thuộc vào mức độ bệnh lý, thể trạng của từng trường hợp và kỹ thuật mổ được áp dụng.
Trước khi phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa, bạn nên thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe (bệnh lý, mang thai, tiền sử dị ứng thuốc,…). Ngoài ra bạn nên trình bày lịch trình dùng thuốc và một số thói quen có ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật như hút thuốc lá, dùng chất kích thích, uống rượu bia, sử dụng cà phê,…
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngưng sử dụng một số loại thuốc chống đông máu, Aspirin, thuốc ức chế miễn dịch và ngưng hút thuốc lá, dùng rượu bia, cà phê… trước khi tiến hành mổ. Ngoài ra, bạn cần nhịn ăn uống trong ít nhất 8 giờ đồng hồ trước thời gian mổ ruột thừa.
Vị trí và quy trình mổ ruột thừa
Vị trí mổ ruột thừa chủ yếu ở vùng bụng dưới bên phải do ruột thừa nằm ở vị trí này. Tuy nhiên ở một số trường hợp, ruột thừa có mạc treo có thể di động ở những vị trí khác. Với những bệnh nhân này, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm hoặc chụp X-Quang để xác định vị trí mổ.
Quy trình mổ ruột thừa truyền thống:
- Tiêm thuốc mê và đặt bệnh nhân nằm ngửa
- Tạo một vết cắt lớn ở phía bên phải vùng bụng dưới
- Xác định vị trí ruột thừa và tiến hành cắt bỏ
- Bác sĩ khâu lại vết rạch
- Trong kỹ thuật này, bác sĩ có thể để làm sạch khoang bụng do nhiễm trùng đã lan rộng
Quy trình mổ nội soi ruột thừa:
- Tiêm thuốc mê và đặt bệnh nhân nằm ngửa
- Tạo vết cắt nhỏ ở vùng bụng bên phải
- Đưa ống nhỏ vào vết cắt, bơm khi carbonic để làm phồng không gian trong ổ bụng
- Sử dụng ống nội soi đi qua vết rạch nhằm quan sát tình trạng bên trong
- Bác sĩ căn cứ vào hình ảnh từ máy nội soi để cắt bỏ ruột thừa
- Tiến hành khâu vết rạch và chuyển bệnh nhân đến phòng hồi sức
Mổ ruột thừa có nguy hiểm không?
Mổ ruột thừa là biện pháp cần thực hiện để hạn chế các rủi ro như nhiễm trùng phúc mạc, ổ bụng và tử vong. Tuy nhiên bất kỳ phương pháp điều trị nào cũng đi kèm với tác dụng phụ và biến chứng tiềm ẩn.
Sau phẫu thuật, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Ngứa cổ họng
- Tiểu rắt
- Bí tiểu
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Đau tức sườn phải
- Đau bụng
- Mỏi cơ bụng
- Buồn nôn
Ngoài ra, bạn có thể đối mặt với một số biến chứng như:
- Tổn thương ruột già, ruột non và các cơ quan lân cận
- Tắc nghẽn ruột
- Nhiễm trùng
- Chảy máu kéo dài
Rất ít có trường hợp gặp phải biến chứng sau khi mổ ruột thừa. Tuy nhiên nếu nhận thấy triệu chứng sốt cao, ớn lạnh, đau bụng dữ dội, đại tiện ra phân đen,… bạn cần thông báo với bác sĩ hoặc chủ động đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất. Bởi những dấu hiệu này có thể là triệu chứng cảnh báo biến chứng sau khi phẫu thuật ruột thừa.
Chăm sóc bệnh nhân sau khi mổ ruột thừa
Sau khi kết thúc phẫu thuật, bạn cần nằm ở phòng hồi sức 2 – 3 tiếng để theo dõi tình trạng sức khỏe và các biến chứng có thể xảy ra. Nếu không có dấu hiệu bất ổn, bạn sẽ được chuyển sang phòng lưu bệnh và ở lại viện trong 2 – 3 ngày.
Trong thời gian nằm viện, bác sĩ có thể kê một thuốc giảm đau gây nghiện như Oxycodone, Morphine và Hydromorphone để làm giảm triệu chứng đau sau phẫu thuật.
Khi trở về nhà, bạn cần thực hiện các biện pháp chăm sóc sau mổ ruột thừa nhằm rút ngắn thời gian phục hồi và hạn chế các biến chứng có thể xảy ra:
- Nên nằm trên giường nghỉ ngơi trong ít nhất 2 – 3 ngày. Nếu làm việc và hoạt động trở lại, vết mổ có thể bị kích thích, gây đau và chảy máu.
- Có thể đi lại nhẹ nhàng trong thời gian dưỡng bệnh. Tránh vận động mạnh hoặc luyện tập các bộ môn thể thao.
- Giữ vệ sinh vết mổ, nên thay băng gạc thường xuyên để tránh nhiễm trùng. Ngoài ra cần vệ sinh tay trước khi khi chạm vào vết mổ.
- Luyện tập các bài vật lý trị liệu nhẹ nhàng để phục hồi sức khỏe và hỗ trợ làm lành vết mổ.
- Tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, cà phê, rượu bia, hút thuốc lá và dùng thực phẩm cay, nóng, nhiều đường và dầu mỡ trong thời gian này.
- Không nên tắm bồn hoặc bơi lội sau khi mổ.
- Mặc quần áo thông thoáng và rộng rãi để tránh ma sát và gây đau vết mổ.
- Chế biến thực phẩm mềm, lỏng, dễ nuốt, giàu dinh dưỡng và ít dầu, gia vị,… để tránh kích thích cơ quan tiêu hóa.
- Nên tập trung vào các loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, củ, nấm, cá hồi, thịt gà, các loại đậu,… Hạn chế những loại thực phẩm khó tiêu hóa như tôm, mực, hàu, thịt bò,…
- Ngủ trước 23 giờ và cần ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày.
- Hạn chế các thực phẩm sống – ngay cả rau xanh. Vi sinh vật trong thực phẩm sống có thể đi vào đường ruột và gây nhiễm trùng vết cắt ruột thừa.
- Tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy vết mổ có dấu hiệu tụ mủ, chảy dịch hoặc cơ thể xuất hiện những biểu hiện khác thường.
Mổ ruột thừa là một trong phẫu thuật bụng phổ biến. Phương pháp này được áp dụng cho bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp hoặc người muốn hạn chế tình trạng viêm nhiễm ở cơ quan này. Mổ ruột thừa có thể gây ra các rủi ro tiềm ẩn, vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định thực hiện.