Tiêu chảy cấp: Dấu hiệu nhận biết và cách chữa trị tốt nhất

Tiêu chảy cấp một một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nguy hiểm xảy ra trên toàn thế giới, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em của những nước đang phát triển. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có đến 3 – 5 tỷ ca mắc tiêu chảy cấp.

Tiêu chảy cấp khiến bệnh nhân suy nhược, mệt mỏi, mất nước nghiêm trọng
Tiêu chảy cấp khiến bệnh nhân suy nhược, mệt mỏi, mất nước nghiêm trọng

Dấu hiệu của tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp được đánh giá là bệnh nguy hiểm gây mất nước nghiêm trọng, nếu không được kịp thời bù nước, cầm tiêu chảy có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh. Tiêu chảy cấp ở người lớn được chia thành 2 nhóm là tiêu chảy cấp xâm nhập và tiêu chảy cấp không xâm nhập. Các triệu chứng cụ thể gồm:

  • Tiêu chảy cấp xâm nhập: Tiêu chảy kèm theo sốt, phân có máu, thường xuất hiện do ký sinh trùng hoặc viêm ruột xuất tiết.
  • Tiêu chảy cấp không xâm nhập: Tiêu chảy không kèm theo sốt, phân toàn nước, có máu, ít đau bụng, thường do nhiễm virus.

Ngoài ra, một số triệu chứng chung của hai nhóm tiêu chảy này là:

  • Bụng đau âm ỉ hoặc đau nhói, đau tăng lên khi đi đại tiện.
  • Buồn nôn, nôn ra thức ăn, nước hoặc nếu nặng hơn là dịch vàng.
  • Da khô, thiếu nước, người khô khốc thường phải uống nhiều nước.
  • Người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, sụt cân nhanh.
  • Ít hoặc không tiểu, khi tiểu thấy nước có màu sẫm. 

Nguyên nhân tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp là bệnh gây đi ngoài phân lỏng nhiều nước 3 lần/ngày, thời gian kéo dài dưới 2 tuần. Nếu tình trạng tiêu chảy trên 4 tuần thì được gọi là tiêu chảy mãn tính. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra như:

  • Do virus, vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra

 Các loại virus có thể gây tiêu chảy bao gồm virus Norwalk, cytomegalovirus, hepatitis. Ngoài ra, bệnh cũng có thể do nguồn nước ô nhiễm truyền vi khuẩn và ký sinh trùng vào cơ thể. Loại có thể gây nhiễm trùng dẫn đến tiêu chảy nghiêm trọng hiện nay là Clostridium difficile.

  • Tác dụng phụ của thuốc

 Việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh, giảm đau cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Lý do là thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt cả vi khuẩn tốt và xấu làm xáo trộn sự cân bằng môi trường của vi khuẩn trong đường ruột từ đó gây tiêu chảy.

  • Do hiện tượng không dung nạp Lactose

 Lactose là loại đường có trong sữa và các chế phẩm làm từ sữa. Những người không dung nạp lactose thường gặp các vấn đề về tiêu hóa khi sử dụng các sản phẩm làm từ sữa, dễ nhận thấy là tiêu chảy cấp.

  • Do Fructose

 Đường Fructose có thể được tìm thấy trong mật ong và trái cây. Những người gặp vấn đề trong tiêu hóa fructose khi sử dụng các đồ uống chất này thường dễ bị tiêu chảy.

  • Do sử dụng chất ngọt nhân tạo

 Chất ngọt nhân tạo thường có trong kẹo cao su và các sản phẩm không đường nhưng có vị ngọt. Đây cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy hàng đầu hiện nay. 

  • Do chế độ ăn

 Dị ứng thức ăn, bia rượu, cơ thể kém hấp thu… có thể gây ra tình trạng tiêu chảy cấp ở nhiều người. Ngoài ra, đây cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh đường tiêu hóa như bệnh đại tràng, đau dạ dày… 

Tiêu chảy cấp có bị lây không?

Tiết canh, rau sống là những thực phẩm mang mầm bệnh tạo điều kiện lây lan tiêu chảy cấp
Tiết canh, rau sống là những thực phẩm mang mầm bệnh tạo điều kiện lây lan tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp là một bệnh nguy hiểm có tốc độ lây lan nhanh, chủ yếu qua ăn uống các thực phẩm nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Theo nghiên cứu, phần lớn những người mắc bệnh có liên quan đến việc sử dụng các thực phẩm như rau sống, tiết canh, mắm tôm, mắm tép, hải sản tươi sống, rau quả chưa được nấu chín… Đặc biệt, bệnh dễ bùng phát thành dịch do ô nhiễm nguồn nước.

Các chuyên gia cho biết, chất thải của người bệnh là nguồn lây nhiễm nguy hiểm vì đều mang mầm bệnh. Mầm bệnh có thể tồn tại từ 4 – 47 ngày trong nước biển, 4 – 40 ngày trong nước máy, 2 – 3 tuần trong ruồi… Do đó, nguy cơ bị lây nhiễm tiêu chảy cấp khi có người thân hoặc người xung quanh mắc bệnh là rất cao. 

Cơ chế bệnh sinh của tiêu chảy cấp

Một số cơ chế bệnh sinh của bệnh có thể kể đến như:

  • Do thẩm thấu: Niêm mạc ruột đóng vai trò như màng bán thấm, nếu nạp vào cơ thể một lượng lớn các chất có tính thẩm thấu như cơ thể không thể hấp thu được sẽ làm cho chúng di chuyển vào lòng ruột gây tiêu chảy.
  • Do dịch tiết: Tiêu chảy có thể gây ra do độc tố của một số virus vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột hoặc do sử dụng thuốc nhuận tràng làm kích thích bài tiết nước vào lòng ruột.
  • Do rối loạn động ruột: Xảy ra do các bệnh lý như đái tháo đường, suy yếu thượng thận dẫn đến tiêu chảy cấp tính và thậm chí là mãn tính.
  • Do bị viêm: Virus, vi trùng, ký sinh trùng làm tổn thương niêm mạc ruột gây tổn thương viêm dẫn đến bài tiết chất nhầy, máu, mủ vào lòng ruột gây rối loạn hấp thu nước, các chất hòa tan.

Cách chữa tiêu chảy cấp tại nhà

Bổ sung nước, bù điện giải là điều hết sức cần thiết cho người bệnh
Bổ sung nước, bù điện giải là điều hết sức cần thiết cho người bệnh

Tiêu chảy là bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai nhất là khi bệnh có xu hướng lan rộng thành dịch. Do đó, khi có các dấu hiệu như đi tiêu phân lỏng, nôn nhiều, sốt thì nên nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Với những tình trạng bệnh nặng, bệnh nhân sẽ được điều trị theo phác đồ tiêu chảy cấp phù hợp.

Có thể áp dụng các biện pháp điều trị khi bệnh mới khởi phát như:

Bù nước và điện giải

Nếu tình trạng tiêu chảy xuất hiện quá 6 giờ, người bệnh trước hết phải bù nước và điện giải để tránh suy nhược, kiệt sức do mất nước. Cụ thể:

  • Dùng 1 gói Oresol pha với 1 lít nước sôi để nguội, uống liên tục 2 – 3 gói/ngày.
  • Có thể thay thế bằng Hydrite, uống mỗi lần 1 viên pha với 200ml nước. 
  • Nếu không có thì dùng nước đun sôi uống ít nhất 1 lít/giờ cho đến khi tiêu chảy không còn. 

Nhóm thuốc hấp thu nước

Có thể sử dụng một số thuốc hấp thu nước, cô đặc phân và làm giảm thời gian tiêu chảy như:

  • Diosmectite: Tác dụng hấp thụ các độc tố, bao phủ niêm mạch ruột, giảm số lần đi tiêu, rút ngắn thời gian phục hồi. Có thể sử dụng cho mọi lứa tuổi, không có chống chỉ định. 
  • Bismuth subsalicylate, Kaolin-pectin: Tác dụng giảm số lần đi tiêu, cô đặc phân. Không dùng cho trẻ em, người nhiễm HIV do gây độc tế bào thần kinh.
  • Than hoạt tính: Chủ yếu dùng cho ngộ độc thực phẩm hoặc ngộ độc thuốc.

Thuốc chứa men và các vi khuẩn

Các thuốc này có tác dụng cung cấp enzyme, acid amin, vitamin nhóm B nhằm ức chế sự phát triển của vi khuẩn do sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên không nên sử dụng đồng thời với kháng sinh đường ruột. Có thể kể đến như Antibiophilus, byosybtin… 

Thuốc làm giảm nhu động và kích thích ruột

Sử dụng thuốc Tây để làm giảm nhu động ruột và kích thích ruột cũng là một trong những biện pháp điều trị tiêu chảy cấp
Sử dụng thuốc Tây để làm giảm nhu động ruột và kích thích ruột cũng là một trong những biện pháp điều trị tiêu chảy cấp

Thường được chỉ định sử dụng là:

  • Loperamid: Sử dụng ngày 1 viên 2mg, không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, người suy gan thận, phụ nữ có thai 3 tháng đầu. Có thể gây các tác dụng phụ như táo bón, ban chuẩn, liệt ruột gây ức chế hệ thần kinh trung ương.
  • Diphenoxylate: Sử dụng ngày 1 viên 2,5mg, không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai và đang cho con bú. Có thể gây ra tác dụng phụ nữ khô miệng, táo bón, nôn mửa, nhức đầu, buồn ngủ.

=> Lưu ý: Có thể giảm liều dùng khi tình trạng đã cải thiện. Tuyệt đối khi tự điều trị nếu bệnh không quá 6 giờ hoặc kèm theo tiêu chảy lẫn kèm máu, sốt cao, bụng đau quặn liên tục.  

Khi nào cần đưa đến bệnh viện

Nếu bệnh nhân có các biểu hiện sau đây phải nhanh chóng đưa đi khám bác sĩ hoặc nhập viện ngay:

  • Biểu hiện mất nước nặng như da khô, mắt lõm, khát nước liên tục… 
  • Tiêu chảy kèm theo sốt cao hoặc xuất hiện tình trạng tiêu chảy trầm trọng, đi phân lỏng nước 10 lần/ngày.
  • Phân đen như bã cà phê hoặc phân lỏng có lẫn máu. 

Biện pháp phòng bệnh tiêu chảy cấp

Để phòng và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, nên thực hiện những điều sau:

Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường

Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh
Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh
  • Rửa sạch tay chân bằng xà phòng diệt khuẩn trước và sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thực phẩm hoặc ăn cơm. 
  • Giữ vệ sinh nhà ở sạch sẽ, dọn dẹp quét tước mỗi ngày. Giữ vệ sinh nguồn nước, không sử dụng nước ao hồ để sinh hoạt.
  • Mỗi nhà sử dụng một nhà vệ sinh riêng, không đi tiêu bừa bãi, tránh tập trung ăn uống nơi đông người như đám giỗ, đám tang, đám cưới và hạn ra vào vùng dịch.

Đảm bảo nguồn nước sạch

  • Bảo vệ nguồn nước, nếu trong vùng dịch, có lũ thì tất cả nước uống phải được sát khuẩn bằng hóa chất Cloramin B. 
  •  Nên sử dụng nước lọc có bán trên thị trường hoặc nước đun sôi. 
  • Đối với những khu vực thiếu thốn, khan hiếm nước sạch, có thể tạm thời sử dụng bằng phương pháp lọc cát với bể 3 lớp đơn giản hoặc khử trùng nước tại nhà bằng hợp chất Cloramin B theo hướng dẫn của nhân viên y tế. 

Thực hiện an toàn thực phẩm

Vào thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh, mọi người mọi nhà đều thực hiện ăn chín uống sôi. Không uống nước lã, không ăn rau sống và các thức ăn dễ nhiễm khuẩn như hải sản tươi sống, gỏi cá, mắm tôm, nem chua… 

Xử lý đúng cách khi có người thân mắc bệnh

Nếu gia đình có người mắc tiêu chảy cấp cần tắc vôi bột hoặc Cloramin B sau mỗi lần đi tiêu. Nên nghỉ việc, nghỉ học ít nhất 48 giờ sau lần tiêu chảy và nôn cuối cùng đồng thời không dùng chung khăn tắm, quần áo với người khác. Cọ rửa nhà vệ sinh thường xuyên, lau kỹ tất các cả bộ phận từ nút xả, bệ toilet, vòi nước tắm đến nắm đấm cửa bằng xà phòng ít nhất 1 lần/ngày. 

Tiêu chảy cấp là một bệnh có mức độ nguy hiểm cao lại lây lan nhanh và có thể bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng nguy hiểm nhất là đối tượng trẻ nhỏ. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần nắm được thông tin về bệnh để có cách xử lý tốt nhất.