Tiêu chảy là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu & điều trị ỉa chảy

Tiêu chảy là một trong những vấn đề tiêu hóa thường gặp, khiến bạn đi ngoài liên tục do rất nhiều nguyên nhân kích hoạt. Tình trạng này thường dễ khắc phục nhưng đôi khi nó có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý cần sự can thiệp chuyên sâu. 

tiêu chảy là gì
Tiêu chảy là vấn đề về tiêu hóa rất phổ biến có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng

Tiêu chảy là bệnh gì?

Tiêu chảy là một vấn đề về tiêu hóa đặc trưng bởi tình trạng đi ngoài ra phân lỏng khoảng từ ba lần trở lên trong một ngày. Thông thường, tình trạng này kích hoạt ở dạng cấp tính, kéo dài trong một thời gian ngắn. Có thể tự biến mất trong một vài ngày. Bạn có thể gặp các triệu chứng khác đi kèm, nhất là tình trạng mất nước khiến cơ thể mệt mỏi.

Tuy nhiên, nếu tiêu chảy kéo dài hơn một vài ngày thì có thể là dấu hiệu cảnh bảo các vấn đề nghiêm trọng. Tiêu chảy mãn tính thường dai dẳng trong ít nhất 4 tuần, đây được cho là vấn đề có liên quan đến các bệnh mãn tính về đường tiêu hóa. Các triệu chứng của tiêu chảy mãn tính có thể liên tục hay tái đi tái lại thường xuyên.

Bệnh tiêu chảy nếu không được khắc phục sớm cũng có thể phát sinh các vấn đề nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Nhất là các đợt tiêu chảy cấp nếu không sớm kiểm soát sẽ rất dễ chuyển sang mạn tính.

Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy

Rất nhiều người nghĩ rằng, bệnh tiêu chảy khởi phát đơn thuần chỉ do vấn đề ăn uống. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ của vấn đề. Sau đây là những nguyên nhân liên quan trực tiếp đến sự xuất hiện của bệnh tiêu chảy:

1. Nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng

Sự xâm nhập của các loại virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng vào cơ thể là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh lý này. Các tác nhân này có thể xâm nhập qua con đường ăn uống, sử dụng nguồn nước ô nhiễm hay vệ sinh kém.

Các loại virus gây bệnh thường là:

  • Cytomegalovirus
  • Norwalk
  • Rotavirus
  • Virus viêm gan

Các loại vi khuẩn liên quan, bao gồm:

  • Staphylococcus aureus
  • Escherichia coli
  • Clostridium perfringens
  • Bacillus cereus
  • Salmonella
  • Shigella
  • Vibrio parahaemolyticus
  • Vibrio cholerae
  • Yersinia enterocolitica

Ký sinh trùng có thể là:

  • Entamoeba histolytica
  • Giardia lamblia
  • Cryptosporidium

2. Không dung nạp Lactose hay Fructose

Lactose là một loại đường thường được tìm thấy trong sữa và các chế phẩm từ sữa. Tình trạng không dung nạp Lactose sẽ phát sinh khi ruột ngon không sản xuất đủ enzyme lasease để phá vỡ và tiêu hóa loại đường này. Lúc này, Lactose sẽ di chuyển vào ruột già và tương tác với các vi khuẩn tại đây gây ra các triệu chứng như đầy hơi, tiêu chảy. 

Còn Fructose là một loại đường tự nhiên được tìm thấy nhiều trong mật ong và trái cây. Đôi khi, nó còn được thêm vào như một chất tạp vị ngọt ở các loại thức uống. Nếu gặp khó khăn trong việc tiêu hóa Fructose thì tình trạng tiêu chảy cũng sẽ rất dễ xuất hiện.

3. Tác dụng phụ của thuốc điều trị

Việc sử dụng một số loại thuốc điều trị các vấn đề sức khỏe cũng có thể gây ra phản ứng phụ là tình trạng tiêu chảy. Dễ gặp nhất là khi sử dụng thuốc kháng sinh. Bởi nhóm thuốc này thường tiêu diệt cả vi khuẩn tốt và xấu. Điều này gây xáo trộn và làm mất đi sự cân bằng tự nhiên của vi khuẩn trong đường ruột.

Bị tiêu chảy do tác dụng phụ của thuốc
Đây có thể là một trong những tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Tây dài ngày

Ngoài ra, một số loại thuốc sau đây cũng có thể là yếu tố liên quan:

  • Thuốc chống cao huyết áp
  • Thuốc nhuận tràng
  • Thuốc điều trị ung thư
  • Thuốc kháng axit có chứa magie

4. Tiêu chảy do dị ứng thực phẩm

Tình trạng này diễn ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng bất thường với một số loại thức ăn bạn dung nạp vào. Trứng, sữa, đậu phộng, hải sản… là những loại thực phẩm rất dễ kích hoạt các phản ứng dị ứng.

Dị ứng thực phẩm có thể ảnh hưởng đến da, hệ hô hấp và điển hình nhất là đường tiêu hóa. Trong đó, triệu chứng về đường tiêu hóa như co thắt dạ dày hay tiêu chảy là vấn đề thường gặp.

5. Do mắc các bệnh về đường tiêu hóa

Tiêu chảy cũng có thể là triệu chứng điển hình của các bệnh lý về đường tiêu hóa cần được quan tâm kịp thời. Tình trạng tiêu chảy do bệnh đường tiêu hóa thường được kích hoạt dưới dạng mạn tính với những triệu chứng dai dẳng hơn.

Dưới đây là một số bệnh lý liên quan:

  • Viêm loét đại tràng: Đây là bệnh viêm ruột ảnh hưởng trực tiếp đến ruột già và ruột kết. Thường khởi phát khi hệ miễn dịch cố gắng chống lại sự tấn công của vi khuẩn hay virus. Ở bệnh lý này, tình trạng tiêu chảy sẽ có thể kèm theo có máu hay dịch mủ.
  • Hội chứng ruột kích thích: Là tên gọi cho vấn đề rối loạn chức năng ruột nhưng các xét nghiệm lại không tìm thất được tổn thương. Hiện tượng này không quá nguy hiểm nhưng có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy và đôi khi là táo bón. Cần lưu ý rằng, với hội chứng ruột kích thích, phân được đào thải ra ngoài chắc chắn không lẫn máu.
  • Bệnh Crohn: Có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vị trí nào trên đường tiêu hóa, thường gặp nhất là ở ruột non và ruột kết. Tiêu chảy có dính máu trong phân chính là một trong những triệu chứng điển hình nhất của bệnh. Ngoài ra, bạn còn có thể bị sốt, chán ăn, giảm cân bất thường.
  • Bệnh Celiac: Đây là một rối loạn tiêu hóa xuất hiện khi cơ thể có phản ứng miễn dịch bất thường với Gluten. Hiện tương này có thể phát sinh triệu chứng tiêu chảy kéo dài, nhất là ở trẻ em. Ngoài ra, các dấu hiệu đau bụng, nôn, đầy hơi cũng có thể đi kèm.

Nhận biết triệu chứng bị tiêu chảy

Triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh lý này là tình trạng đi ngoài phân lỏng hay chảy nước trên ba lần một ngày. Tuy nhiên, không thể loại trừ trường hợp bạn có thể gặp các triệu chứng khác đi kèm.

Chúng có thể bao gồm:

  • Đau bụng
  • Chuột rút bụng
  • Sốt
  • Có máu hay dịch mủ, chất nhầy xuất hiện trong phân
  • Buồn nôn
  • Đầy hơi, chướng bụng
  • Khát nước liên tục
dấu hiệu tiêu chảy
Đau bụng là triệu chứng khó tránh khỏi

Hãy nhanh chóng tìm đến bác sĩ khi:

  • Tình trạng tiêu chảy kéo dài trên một vài ngày
  • Cơ thể bị mất nước
  • Đau bụng dữ dội
  • Phân có màu đen hay dính máu hoặc mủ
  • Sốt cao từ 39°C trở lên

Bị bệnh tiêu chảy có nguy hiểm không?

Bệnh tiêu chảy nếu khắc phục đúng cách thì thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, những vấn đề nghiêm trọng có thể sẽ phát sinh khi hiện trạng bệnh không được kiểm soát đúng lúc.

Điển hình nhất là tình trạng không bổ sung nước kịp thời khiến cơ thể mất nước, điện giải Nghiêm trọng. Từ đó dẫn đến trụy tim mạch, suy kiệt và đẩy người bệnh đứng trước nguy cơ tử vong.

Chẩn đoán bệnh tiêu chảy

Mục đích của việc chẩn đoán là để xác định nguyên nhân, từ đó có thể đưa ra phương pháp can thiệp phù hợp. Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm máu: Thường là tổng phân tích công thức máu để nhận diện các chỉ số bất thường có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy.
  • Kiểm tra mẫu phân: Có tác dụng nhận định sự hiện diện của các loại vi khuẩn hay ký sinh trùng có thể là nguyên nhân kích hoạt bệnh.
  • Nội soi đại tràng: Giúp bác sĩ sẽ quan sát được những vấn đề bất thường ở bên trong đại tràng. Đồng thời, một mẫu mô nhỏ có thể được lấy để đem đi sinh thiết.

Cách điều trị bệnh tiêu chảy

Tùy thuộc vào mức độ bệnh cùng biểu hiện của các triệu chứng đi kèm mà sẽ có cách điều trị phù hợp với từng đối tượng. Với tình trạng tiêu chảy cấp tính thì những liệu pháp tại nhà có thể đáp ứng. Tuy nhiên khi bệnh kéo dài thì phải cần đến sự chăm sóc y tế chuyên sâu.

1. Cách chữa tiêu chảy tại nhà

Việc điều trị tại nhà thường gắn liền với những liệu pháp chăm sóc không sử dụng thuốc. Điển hình như:

Bổ sung nước:

Khi bệnh tiêu chảy được kích hoạt ở bất cứ dạng nào thì việc bổ sung nước luôn là yếu tố quan trọng bậc nhất. Bởi bệnh lý này sẽ khiến cơ thể bị mất nước cùng chất điện giải.

Bổ sung nước khi bị tiêu chảy
Cần bổ sung nước kịp thời để tránh mất nước nghiêm trọng

Uống 8 ly nước/ngày được cho là phù hợp với người bệnh tiêu chảy. Ngoài việc uống nước lọc, bạn có thể bổ sung thêm các loại nước ép trái cây giàu kali, tốt nhất là nước ép mận.

Uống trà:

Đây cũng là cách tốt có thể đáp ứng với tình trạng tiêu chảy nhẹ. Một số loại trà như trà hoa cúc hay trà vỏ cam được cho là có tác dụng hữu hiệu trong việc hỗ trợ chữa lành viêm đường ruột.

Đặc biệt là trà hoa cúc, bạn có thể sử dụng một muỗng hoa cúc với 2 – 3 lá bạc hà ngâm trong nước sôi khoảng 15 phút. Sau đó chờ cho trà ấm rồi thưởng thức. Chất tanin có trong trà hoa cúc có tác dụng tốt trong việc chống tiêu chảy.

Ăn sữa chua:

Cách này phù hợp với trường hợp bị tiêu chảy do tác dụng phụ của việc dùng kháng sinh kéo dài. Trong sữa chua có hàm lượng axit lactic cao giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn xấu và kích thích sản sinh các vi khuẩn có lợi. Từ đó có thể giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, ức chế tình trạng tiêu chảy.

Chế độ ăn uống:

Đây được xem là một trong những vấn đề quan trọng giúp kiểm soát bệnh tiêu chảy. Bạn nên ăn các loại thực phẩm giàu tinh bột như cơm trắng, cháo trắng, ngũ cốc, bột sắn… Tuy nhiên, khoai tây chiên và bột yến mạch mặc dù giàu tinh bột nhưng lại được khuyến cáo là không nên sử dụng khi đang bị tiêu chảy.

Ngoài ra, bạn cần tránh các thực phẩm như phô mai, sữa, một số chế phẩm sữa ngoại trừ sữa chua. Cà phê và các thức uống có cồn như rượu bia… cũng có thể khiến tình hình trầm trọng thêm.

2. Điều trị tiêu chảy bằng thuốc

Khi tình trạng tiêu chảy kéo dài không thể kiểm soát bằng các phương pháp khắc phục tại nhà thì bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng thuốc. Sau đây là các thuốc có thể được chỉ định:

Kháng sinh đường ruột:

  • Biceptol
  • Flagyl
  • Flagentyl

Thuốc điều hòa nhu động ruột:

  • Dobriat
  • Rekalat
  • Visceralgin

Bổ sung vitamin và khoáng chất:

  • Folate
  • Vitamin A
  • Đồng
  • Kẽm
  • Sắt
Sử dụng thuốc điều trị tiêu chảy
Bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ bệnh để kê toa thuốc tương thích

Ngoài ra, bệnh nhân cần được bác sĩ theo dõi sát sao mỗi ngày. Việc theo dõi thường thông qua thân nhiệt, cân nặng, số lần tiêu chảy trong ngày, lượng thức ăn dung nạp vào.

Xây dựng chế độ ăn khi bị tiêu chảy

Đây là vấn đề vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng tiêu chảy. Đồng thời góp phần ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái diễn nhiều lần.

Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn uống cho người bệnh tiêu chảy cần đảm bảo các yếu tố sau:

  • Bổ sung các thực phẩm bù nước và điện giải: nước khoáng, nước cơm, nước gạo rang hay nước ép rau quả.
  • Tăng dần khối lượng thực phẩm: Nên chú ý chuyển dần từ thức ăn loãng sang thức ăn đặc. Cụ thể là khi mới bị tiêu chảy bạn có thể ăn cháo loãng hay súp. Sau đó có thể chuyển sang ăn bột khoai, ngũ cốc, khoai lang nghiền hay thịt nạc băm…
  • Cần tránh các loại thức ăn lên men, dễ gây đầy hơi chướng bụng và khó hấp thu. Điển hình như trứng, thịt mỡ, phô mai, các loại rau có hàm lượng chất xơ cao.
  • Cần ăn uống đúng giờ giấc mà bác sĩ chỉ định, tuyệt đối tránh tình trạng bỏ bữa.

Làm sao để ngăn ngừa bệnh tiêu chảy?

Để tránh những ảnh hưởng xấu mà bệnh tiêu chảy gây ra cho sức khỏe và cuộc sống, bạn cần chú ý đề cao công tác phòng tránh bệnh. Sau đây là một số biện pháp:

  • Xây dựng chế độ ăn khoa học, đầy đủ dưỡng chất, tránh ăn kiêng hay nhịn ăn. Chế độ ăn thiếu lành mạnh ảnh hưởng đến sức đề kháng, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công và gây bệnh.
  • Bổ sung đầy đủ nhu cầu nước của cơ thể mỗi ngày, khoảng từ 2 – 2,5 lít.
  • Ăn sữa chua và các sản phẩm có chứa axit lactic mỗi ngày để hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động của hệ tiêu hóa.
  • Ăn uống hợp vệ sinh, hạn chế dung nạp các loại đồ muối chua, đông lạnh hay thức ăn đóng hộp.
  • Tăng cường rau quả tươi để giúp cải thiện miễn dịch. Đồng thời hạn chế thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ hay tiêu thụ rượu bia, nước ngọt, chất kích thích.
  • Nếu mắc các bệnh đường tiêu hóa thì cần sớm thăm khám và điều trị triệt để.
  • Chú ý vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn.
  • Tránh những mệt mỏi, stress trong công việc cũng như cuộc sống, luôn giữ cho tinh thần được lạc quan, thoải mái.

Bài viết đã tổng hợp những thông tin quan trọng cần biết về bệnh tiêu chảy. Bạn tuyệt đối không được chủ quan, chú ý điều trị và chăm sóc đúng cách để tránh vấn đề xấu phát sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.