Trẻ sơ sinh bị táo bón lâu ngày – Ba mẹ cần cảnh giác
Táo bón khá thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài nhiều ngày sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường. Dưới đây là những lưu ý và cách điều trị cho trẻ sơ sinh bị táo bón lâu ngày.
Biểu hiện trẻ sơ sinh bị táo bón lâu ngày
Đi ngoài ít
Trẻ sơ sinh từ 8-12 tháng bú sữa mẹ sẽ đi ngoài từ 1-2 lần/1 ngày. Bé dùng sữa công thức hoặc kết hợp giữa sữa mẹ và sữa công thức thì số lần đi ngoài sẽ giảm.
Nếu cách 1-2 ngày trẻ mới đi ngoài 1 lần, phân vón cục và phải rặn nhiều thì đó là những biểu hiện của chứng táo bón ở dạng nhẹ. Tình trạng này kéo dài hơn 2 ngày có thể chuyển sang táo bón mạn tính. Ba mẹ cần hết sức thận trọng.
Lười ăn và hay quấy khóc
Thức ăn trong cơ thể không được tiêu hóa khiến bé khó chịu, mệt mỏi và hay quấy khóc vô cớ. Đi kèm với đó là tình trạng biếng ăn. Bụng của trẻ lúc này sẽ luôn trong tình trạng phình to. Nếu dùng tay sờ, ba mẹ có thể cảm nhận được nó cứng hơn bình thường.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị táo bón lâu ngày
Đa số trẻ sơ sinh bị táo bón ở dạng nhẹ thường có nguyên nhân từ chế độ ăn uống của người mẹ (trong trường hợp nuôi con bằng sữa mẹ) hoặc một số loại sữa công thức dùng trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, khi trẻ sơ sinh bị táo bón lâu ngày thì đa số lại có nguyên nhân từ bệnh lý hoặc dị tật bẩm sinh. Khi đó, mức độ rủi ro cho sức khỏe của bé rất cao. Cụ thể là:
– Đại tràng phình to
Tên khoa học là bệnh Hipschsprung. Đây một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ sơ sinh. Ở Việt Nam, cứ 5.000 trẻ thì có 1 trẻ bị bệnh này. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh ở bé trai khoảng 80%. Bệnh có tính chất di truyền.
– Suy giáp bẩm sinh
Tên khoa học là Myxoedeme. Trẻ mắc bệnh này sẽ chậm phát triển thể chất và trí não. Ở nước ta, cứ 2.500 trẻ thì có 1 trường hợp mắc bệnh suy giáp bẩm sinh. Bé gái dễ mắc bệnh hơn bé trai. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, trẻ lớn lên vẫn phát triển bình thường.
Cách trị táo bón lâu ngày cho trẻ sơ sinh
Nếu trẻ bị táo bón kéo dài từ 2 ngày trở lên, ba mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra nguyên nhân. Nếu thuộc 1 trong hai trường hợp trên, cách điều trị có thể chỉ dùng thuốc hoặc phải can thiệp ngoại khoa.
Đối với bệnh phình đại tràng
Ở mức độ nhẹ và vì một vài lý do đặc biệt nào đó về thể trạng của bé, có thể các bác sĩ chỉ dùng thuốc kết hợp với chế độ nuôi dưỡng thích hợp. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không trị được triệt để bệnh.
Muốn khỏi bệnh hoàn toàn, bé nhất thiết phải được phẫu thuật. Yêu cầu về tay nghề bác sĩ lẫn trang thiết bị thực hiện khá cao. Do đó, không nhiều bệnh viện có thể điều trị được bệnh này. Cụ thể, các bác sĩ sẽ cắt bỏ đoạn trực tràng hoặc đại tràng vô hạch. Sau đó, nối đầu đại tràng bình thường với ống hậu môn.
Khả năng thành công của phẫu thuật phụ thuộc nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh. Phát hiện càng sớm thì thành công càng cao và ít xảy ra biến chứng. Phương pháp phẫu thuật đối với bệnh phình đại tràng cho trẻ sơ sinh đang được áp dụng hiện nay là Pull through. Đây là phương pháp phẫu thuật 1 lần và không để lại sẹo.
Đối với bệnh suy giáp bẩm sinh
Trẻ mắc bệnh này được điều trị bằng thuốc bổ sung Thyroxin. Trong 2 năm đầu đời, trẻ cần được thử máu định kỳ nhiều lần để kiểm tra nồng độ chất này trong máu. Căn cứ vào đó, các bác sĩ sẽ tăng hoặc giảm lượng thuốc. Sau khoảng thời gian này, số lần thử máu sẽ ít đi.
Mắc bệnh suy giáp bẩm sinh, trẻ cần phải uống Thyroxin suốt đời. Hiện nay, hầu hết các nhà thuốc lớn trên toàn quốc điều có bán loại thuốc này. Trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được điều trị miễn phí.
Về bản chất, Thyroxin chỉ đóng vai trò thay thế một loại nội tiết tố mà trẻ bị suy tuyến giáp không thể tự sản xuất. Do đó, nó không gây ra phản ứng phụ với cơ thể. Điều ba mẹ cần làm là giúp trẻ bổ sung chất này đúng liều và tái khám theo lời dặn của bác sĩ.
Những lưu ý khác
Song song với các biện pháp dùng thuốc hoặc phẫu thuật, để trẻ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng táo bón lâu ngày, ba mẹ cần lưu ý thêm những điều dưới đây:
-
Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Nếu nuôi con bằng sữa mẹ thì người mẹ phải thay đổi chế độ dinh dưỡng cùng với bé. Cần chú ý bổ sung các thực phẩm nhiều chất xơ. Cụ thể là rau của quả tươi, ngũ cốc và các loại đậu. Mặt khác, mẹ và bé cần uống nhiều nước. Điều này khiến phân của bé mềm và dễ đào thải ra ngoài hơn.
Ngoài ra, bổ sung thêm nước ép hoa quả cho mẹ và bé cũng mang lại hiệu quả cải thiện tình trạng táo bón. Bên cạnh đó, loại nước này còn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, giúp bé phát triển khỏe mạnh.
-
Massage bụng cho bé
Ba hoặc mẹ dùng 3 ngón tay giữa chụm lại và đặt gần rốn bé. Kết hợp giữa xoa nhẹ và lực ấn vừa đủ với độ cứng của bụng bé. Điều này hỗ trợ bé đẩy thức ăn khó tiêu trong ruột xuống hậu môn. Ba mẹ nên thực hiện động tác này vài lần, mỗi lần khoảng 3 phút.
-
Ngâm hậu môn bằng nước ấm
Nước ấm có tác dụng giãn nở cơ hậu môn. Do đó, việc ngâm hậu môn trong nước ấm sẽ giúp bé đi ngoài dễ dàng hơn. Ba mẹ nên ngâm hậu môn bé 1-2 lần/ 1 ngày. Mỗi lần ngâm khoảng 5-10 phút. Bên cạnh đó, ba mẹ hãy lưu ý đến nhiệt độ của nước. Bởi da bé rất mỏng và nhạy cảm.