Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì & cho ăn thế nào đúng?
Chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài có thể khiến trẻ bị táo bón, tiêu chảy, nôn ói, giảm cân hoặc nghiêm trọng hơn là suy dinh dưỡng. Xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý cho bé chính là cách đơn giản nhất để cha mẹ có thể giúp con thoát khỏi căn bệnh này nhanh chóng. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn biết được trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì, kiêng gì và nên cho các bé ăn uống như thế nào để đảm bảo được sức khỏe của con yêu trong thời gian bé bị bệnh.
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì?
1. Sữa mẹ
Sữa mẹ là sự lựa chọn tốt nhất cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa từ 0 – 6 tháng tuổi. Nguồn dưỡng này cung cấp chất lỏng giúp bé ngăn ngừa mất nước khi bị tiêu chảy, làm mềm phân cho trẻ bị táo bón, đồng thời bổ sung các dưỡng chất và kháng thể giúp chống lại vi khuẩn gây hại trong đường ruột.
Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, mẹ nên tăng cữ bú hàng ngày. Thay vì 3 tiếng mới cho bé bú một lần thì có thể rút ngắn khoảng cách lại là 2 tiếng. Mẹ lưu ý không nên cho con bú quá no vì lúc này đường tiêu hóa đang gặp trục trặc, bé rất dễ bị nôn ói.
2. Khoai lang
Khoai lang giàu viatmin và hàm lượng carbohydrate có khả năng kích thích tiêu hóa, ngăn chặn sự phát triển của các gốc tự da và làm lành các tổn thương viêm loét trong dạ dày cũng như ruột của trẻ.
Bạn có thể cho bé ăn khoai lang nghiền hoặc thêm khoai vào canh, cháo cho bé dùng mỗi tuần 3 – 4 lần.
3. Trẻ em bị rối loạn tiêu hóa nên ăn chuối
Chuối là một loại thực phẩm đa tác dụng. Nó vừa bổ sung pectin ngăn ngừa táo bón lại có khả năng cung cấp hàm lượng kali dồi dào bù đắp lại lượng chất điện giải đã mất trong quá trình bé bị nôn ói và tiêu chảy.
Ngoài ra, chuối còn chứa nhiều đường tự nhiên giúp trẻ bị rối loạn tiêu hóa bớt mệt mỏi, có nhiều năng lượng để hoạt động.
4. Cà rốt
Cà rốt có thành phần giàu beta-caroten, vitamin C, kali, sắt, mangan, canxi, pectin và các chất chống oxy hóa. Những chất này không chỉ giúp giảm táo bón, tiêu chảy, cung cấp chất điện giải mà còn tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ miễn dịch của trẻ.
5. Ăn táo tốt cho bé bị rối loạn tiêu hóa
Tương tự như chuối, táo cũng được xếp vào nhóm trái cây có hàm lượng pectin dồi dào nhất. Chất xơ này đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định hoạt động của hệ tiêu hóa, tạo điều kiện để các vi sinh vật có lợi trong đường ruột phát triển.
Khi cho trẻ ăn loại trái cây này, các mẹ chú ý nên nấu chín táo dưới dạng sốt hoặc làm món bánh táo yến mạch để bé dễ tiêu hóa và được cung cấp nguồn năng lượng dồi dào hơn.
6. Gạo trắng
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa có biểu hiện tiêu chảy thì mẹ nên cho bé ăn các món từ gạo trắng. Nó đảm bảo cho bé chắc bụng nhưng rất dễ tiêu hóa và còn giúp hấp thụ bớt chất lỏng trong đường ruột, qua đó làm giảm tiêu chảy.
Tùy theo độ tuổi của bé mà bạn có thể dùng gạo nấu cơm, cháo hay lấy nước cơm cho con uống cũng rất tốt.
7. Quả bơ
Ngoài chất xơ, quả bơ còn chứa nhiều vitamin A và chất béo lành mạnh giúp kháng viêm, bảo vệ lớp lót trong đường ruột của bé.
Với trẻ từ 6 tháng tuổi trở nên, mẹ có thể sử dụng bơ làm thức ăn dặm cho bé bằng cách nghiền nhuyễn và pha chung với sữa. Các bé lớn hơn thì có thể làm món bơ dằm hoặc xay sinh tố bơ cho bé uống.
8. Bánh mì nướng
Ăn bánh mì nướng có thể hữu ích cho các bé bị tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa. Nó hoạt động bằng cách cung cấp nhiều tinh bột làm chậm lại quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày, đồng thời đảm bảo nguồn năng lượng cần thiết cho trẻ hoạt động.
9. Rau củ
Trong thực đơn hàng ngày của trẻ bị rối loạn tiêu hóa không thể thiếu rau củ. Đây là nguồn bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất cho hệ tiêu hóa của trẻ phát triển khỏe mạnh.
Nếu bé bị đau bụng tiêu chảy thì nên tăng cường thêm rau ngót, nấm, rau sam, giá đỗ, cà rốt. Ngược lại hãy cho trẻ ăn rau đay, mồng tơi, củ cải, rau diếp cá, rau má, bí đỏ nếu con bạn đang gặp khó khăn trong việc đi tiêu.
9. Dứa
Cho trẻ ăn dứa khi bị rối loạn tiêu hóa có tác dụng giảm táo bón, giúp kích thích tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng sinh khí gây đầy hơi, chướng bụng.
10. Thịt gà
Thịt gà chứa nhiều đạm nhưng lại có ít chất béo bão hòa. Thêm vào đó, các thành phần enzym trong dạ dày còn giúp xoa dịu cảm giác khó chịu trong dạ dày của bé. Khi được nấu chín, thịt gà sẽ trở thành thực phẩm dễ tiêu, có giá trị dinh dưỡng cao cho trẻ.
11. Thực phẩm chứa probiotic
Bao gồm sữa chua, kefir, phô mai mềm lên men, sữa chua uống… Chúng cung cấp lợi khuẩn probiotic giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại trong đường ruột, cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em.
12. Gừng
Gừng có thể hữu ích cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa bởi thực phẩm này chứa chất kháng viêm, chống khuẩn, kích thích tiêu hóa. Nó cũng giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu do rối loạn tiêu hóa gây ra như đầy bụng khó tiêu, buồn nôn, đau bụng.
13. Ngũ cốc nguyên hạt
Đây là nguồn cung cấp chất đạm thực vật và chất xơ dồi dào, dễ tiêu. Ngoài ra tinh dầu từ các loại hạt còn giúp thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa.
Vì vậy, bạn không nên bỏ qua yến mạch, bắp, vừng, hạt sen… khi chế biến thức ăn cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn cháo gì?
Cháo là món rất dễ tiêu hóa và hữu ích ngay cả trong trường hợp trẻ bị táo bón hoặc tiêu chảy. Bạn có thể chế biến các món sau cho bé dùng:
– Cháo bột:
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi có thể tập ăn dặm với món cháo bột. Bạn chỉ cần xay gạo rồi nấu chín, thêm một ít rau củ, thịt xay vào. Cho bé ăn 3 – 5 bữa một ngày tùy theo lứa tuổi của trẻ.
– Cháo gừng:
Dùng 30g gạo nấu cháo trắng rồi thêm chút muối và gừng tươi vào cho bé dùng. Ăn nóng vài lần trong ngày.
– Cháo rau sam:
Chuẩn bị hồng xiêm non ( 10g), rau sam ( 90g), búp ổi non ( 20g) đem sắc với 250ml nước trong 20 phút. Dùng nước sắc vừa thu được nấu với 30g gạo cho chín nhừ. Nêm nếm gia vị và chia làm 2 phần cho trẻ ăn khi đói giúp cầm tiêu chảy.
– Cháo cà rốt nấu ô mai:
Nguyên liệu cần có gồm 50g gạo ( rang chín vàng, nghiền thành bột ), 50g cà rốt ( luộc, nghiền nhuyễn ), 5 quả ô mai ( lấy vỏ giã nát ). Đem tất cả nấu cùng 200ml nước cho đến khi chín. Mỗi ngày cho bé ăn 2 lần trong khoảng 3 ngày liên tục sẽ thấy hiệu quả.
– Cháo hạt sen:
Chuẩn bị 15g hồng xiêm non, 100g bột hạt sen, 50g bột củ mài, 20g đường phèn. Hồng xiêm đem giã nát sắc với 250ml nước. Lấy nước sắc hồng xiêm nấu với củ mài và hạt sen cho chín, thêm đường phèn vào quậy tan. Cho bé ăn món này 3 lần trong ngày.
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa kiêng ăn gì?
Hạn chế các thức ăn dưới đây cũng có thể giúp cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ:
1. Thức ăn chế biến sẵn
Xúc xích, gà rán, hamburger hay các thức ăn nhanh khác đều là những món khoái khẩu của trẻ. Chúng tuy có khẩu vị rất hấp dẫn nhưng lại ít chất dinh dưỡng và chứa nhiều chất béo khó tiêu. Nếu vẫn tiếp tục cho trẻ dùng trong thời gian bị bệnh thì chứng rối loạn tiêu hóa có thể trầm trọng hơn.
2. Sữa chứa lactose
Nhiều trẻ bị rối loạn tiêu hóa do không thể dung nạp Lactose có trong một số sản phẩm sữa. Hãy theo dõi phản ứng của bé sau khi uống sữa đang dùng. Nếu bệnh rối loạn tiêu hóa có khuynh hướng trở nên nghiêm trọng hơn thì nên suy nghĩ đến việc thay đổi loại sữa khác phù hợp hơn với bé.
3. Đồ ngọt
Trẻ nhỏ có sở thích ăn đồ ngọt. Chúng không chỉ làm tăng nguy cơ bị béo phì mà còn khiến đường ruột bị quá tải dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Do đó, bạn không nên để con ăn nhiều bánh kẹo hoặc uống nước ngọt.
4. Đồ ăn chứa nhiều gia vị
Hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt nên rất khó tiêu hóa được các món ăn tẩm ướp nhiều gia vị. Chúng có thể làm tăng các triệu chứng khó chịu ở bụng, đặc biệt là tình trạng táo bón, tiêu chảy.
5. Các món chiên xào
Sử dụng nhiều dầu mỡ trong khâu chế biến, các món chiên xào hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của trẻ, đặc biệt là khi con bạn đang bị rối loạn tiêu hóa.
Lưu ý khi xây dựng thực đơn và chế biến thức ăn cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa
- Việc kiêng cữ là điều cần thiết song mẹ cần đảm bảo bữa ăn của trẻ phải cung cấp đủ 4 nhóm chất thiết yếu cho bé. Bao gồm chất béo, đạm, bột đường, vitamin và khoáng chất.
- Lựa chọn các thực phẩm dễ tiêu hóa để không làm tăng thêm gánh nặng cho đường tiêu hóa và khiến tổn thương trong niêm mạc ruột lâu lành.
- Lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng
- Đảm bảo vệ sinh trong tất cả các khâu chế biến, sử dụng và bảo quản thực phẩm
- Không nên ép trẻ ăn quá nhiều một lúc khiến bé dễ bị ói. Thay vì vậy, hãy cho bé ăn nhiều lần trong ngày, mỗi lần ăn ít một để không bị đói hoặc bị thiếu chất.
- Dù trẻ bị táo bón hay tiêu chảy thì cũng cần khuyến khích bé uống nhiều nước trong ngày. Có thể dùng nước lọc, nước ép trái cây, nước canh, nước dừa hay các loại nước điện giải. Tránh cho trẻ uống nước ngọt.
Ngoài ra, đối với những bé còn đang bú mẹ thì ngoài việc nhận biết trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì và kiêng gì thì mẹ cũng cần xem xét, điều chỉnh lại chế độ ăn của mình. Nên tránh ăn đồ cay nóng, thức ăn nhiều dầu mỡ, bổ sung thêm rau xanh và thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi để cung cấp được nguồn sữa chất lượng cho con.
Bạn nên tham khảo thêm:
- Các nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa và cách điều trị phù hợp
- 10 cách trị rối loạn tiêu hóa tại nhà hiệu quả nhanh nhất