Đầy bụng khó tiêu – Nguyên nhân và cách khắc phục
Đầy bụng khó tiêu là một hiện tượng thường gặp, hay xảy ra sau khi ăn uống do hệ tiêu hóa gặp vấn đề. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người chủ quan, lơ là dấu hiệu này, từ đó dẫn đến các bệnh lý về tiêu hóa nghiêm trọng, khó điều trị.
Triệu chứng đầy bụng khó tiêu thường gặp
Ở những người gặp chứng đầy bụng khó tiêu thường có những biểu hiện như sau:
1/ Đầy hơi, chướng bụng
Thức ăn không tiêu hoặc chưa được tiêu hóa hết kết hợp cùng một lượng lớn hơi do nuốt không khí vào dạ dày gây ra hiện tượng đầy bụng. Dẫn đến bụng thường hay xuất hiện các triệu chứng như sôi bụng, ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, có cảm giác mùi thức ăn trào lên họng và mũi khiến người bệnh khó chịu. Các dấu hiệu này có thể kéo dài vài giờ đến vài ngày sau bữa ăn.
2/ Đau nhức, khó chịu vùng bụng
Bụng thường xuyên khó chịu với các dấu hiệu đặc trưng như:
- Đau âm ỉ hoặc đau quặn bụng, cơn đau xuất hiện từng cơn, có thể kéo dài.
- Đau tức nặng ở vùng thượng vị, cảm giác bụng cứng, chứa đầy hơi hoặc nước. Đau tăng lên sau khi uống rượu, dùng các thức ăn nhiều chất béo, cay nóng hoặc nhiều gia vị kích thích.
- Người mệt mỏi, chán ăn, sợ ăn, không có cảm giác đói hoặc khi đói ăn vào rất nhanh no.
- Đi lại khó khăn, thở nặng, có cảm giác vướng víu nơi cổ họng hoặc khó nuốt thức ăn.
3/ Một số triệu chứng khác
Ngoài đầy bụng khó tiêu, hiện tượng này còn kèm theo các triệu chứng khác có thể kể đến như:
- Thay đổi thói quen đại tiện, có thể đi nhiều hơn bình thường, lúc táo bón lúc tiêu chảy.
- Đau bụng giảm bớt khi đi đại tiện, ngoài ra còn kèm theo buồn nôn hoặc nôn vào buổi sáng.
Nguyên nhân gây đầy bụng khó tiêu
Thông thương, sau khi ăn nửa tiếng, bụng sẽ nhẹ và có cảm giác dễ chịu khi thức ăn được tiêu hóa bớt. Tuy nhiên với nhiều người, lúc này họ thường có cảm giác người mệt mỏi, khó chịu, bụng nặng nề, có cảm giác ậm ạch, đầy tức vùng thượng vị. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân như:
Do chế độ ăn uống không phù hợp
Hiện tượng đầy bụng khó tiêu thường xảy ra khi:
- Sử dụng quá nhiều thực phẩm khó tiêu như súp lơ, ngũ cốc, các loại đậu… khiến dạ dày khó tiêu hóa dẫn đến dễ sinh hơi làm chậm quá trình tiêu hóa.
- Sử dụng nhiều thực phẩm giàu tinh bột có men nở như bánh bao bánh mỳ
- Sử dụng nhiều thực phẩm chứa xơ già, thức ăn nhiều dầu mỡ, rượu bia, chất kích thích…
Do thói quen ăn uống
Những thói quen ăn uống xấu gây ra tình trạng đầy bụng khó tiêu có thể kể đến như:
- Ăn uống không đúng giờ, lúc ăn quá sớm, lúc ăn quá muộn.
- Ăn uống vội vàng, ăn nhanh, không ăn chậm nhai kỹ khiến nước bọt không thể thấm đều vào thức ăn gây áp lực cho dạ dày, tá tràng.
- Vừa ăn vừa nói, ăn uống không tập trung, nằm ngay sau khi ăn cũng là những thói quen gây đầy bụng, khó tiêu thường gặp.
Do rối loạn tiêu hóa
Một trong những nguyên nhân thường gặp khiến bụng đau âm ỉ khó chịu là do rối loạn tiêu hóa. Tình trạng rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện khi cơ thể tiếp xúc với các độc tố trong thức ăn, dị ứng thức ăn, dư acid dịch vị, loạn khuẩn đường ruột hoặc nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori gây loét dạ dày tá tràng.
Ngoài ra, còn có thể do tâm lý không ổn định, căng thẳng mệt mỏi mất ngủ thường xuyên hoặc do cơ thể suy nhược. Từ đó dẫn đến giảm tiết men tiêu hóa, suy giảm chức năng hoạt động của nhu động ruột khiến quá trình tiêu hóa bị suy giảm. Bên cạnh đó, ở những người không dung nạp lactose (một loại đường trong sữa) cũng có thể bị chướng hơi, đầy bụng, khó tiêu.
Do bệnh lý về tiêu hóa
Hiện tượng đầy bụng khó tiêu cũng có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang mắc một số bệnh về đường tiêu hoa như:
- Hội chứng ruột kích thích: Còn gọi là đại tràng co thắt, thường gây ra các cơn đau ở vùng hạ vị, hố chậu trái hoặc thượng vị phải dọc theo khung đại tràng, đai giảm đi sau khi đi đại tiện.
- Bệnh viêm dạ dày ruột: Là bệnh lý gây khó tiêu, đầy hơi, đầy bụng kèm theo buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy.
- Tắc ruột: Là tình trạng tắc nghẽn một phần hay toàn bộ ruột khiến khí và chất lỏng, chất rắn từ trên không thể di chuyển xuống dưới. Bệnh có các biểu hiện như đau bụng, nôn, bí trung đại tiện, bụng căng trướng.
- Một số bệnh về tuyến tụy: Viêm tụy, ung thư tụy cũng có thể gây rối loạn hệ tiêu hóa, Thường biểu hiện ở chứng buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu và các cơn đau quặn khó chịu ở vùng bụng.
- Một số bệnh về dạ dày, tá tràng: Thường là viêm loét đại tràng, viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, đại tràng kích thích… Các bệnh lý này cũng gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa khiến acid dạ dày rối loạn.
Xử lý thế nào khi bị đầy bụng khó tiêu
Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp dưới đây:
Thay đổi chế độ ăn uống
Như đã nói, đa phần tình trạng chướng bụng đầy hơi xuất phát từ chế độ và thói quen ăn uống. Do đó, có thể cải thiện bằng cách hạn chế sử dụng các thực phẩm có nguy cơ gây chướng bụng, dễ sản sinh khí đã đề cập.
Nên bổ sung nhiều rau xanh, thực phẩm có tác dụng giảm chứng bụng đầy hơi. Có thể kể đến như táo, lê, bưởi, cam, chuối, tỏi và đặc biệt là sữa chua để kích thích hoạt động của nhu động ruột, tạo môi trường thuận lợi cho các lợi khuẩn phát triển.
Có thể uống nước điện giải ion kiềm, men tiêu hóa, nước ép trái cây… để hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa. Đồng thời tăng cường đào thải độc tố cho đường ruột.
Massage bụng
Có tác dụng tích cực trong việc tăng cường lưu thông khí huyết ở vùng bụng đồng thời kích thích hoạt động co bóp và tiêu hóa thức ăn của nhu động ruột. Có thể thực hiện bằng cách dùng lòng bàn tay đặt ngang rốn, bắt đầu massage theo chiều kim đồng hồ, thực hiện từ 5 – 10 phút, mỗi ngày 2 – 3 lần sẽ thấy những chuyển biến tích cực.
Chườm nóng
Chườm nóng cũng là một trong những biện pháp giảm đầy bụng khó tiêu được nhiều người sử dụng. Phương pháp này có thể xoa dịu cơn đau và hỗ trợ cải thiện triệu chứng. Thực hiện bằng cách lấy 1 túi chườm nóng hoặc một cái khăn sạch thấm nước ấm chườm đều trên bụng.
Xoa bóp huyệt tam tiêu
Cách thực hiện phương pháp chữa chướng bụng, đầy hơi, suy giảm chức năng hệ tiêu hóa bằng xoa bóp huyệt tam tiêu như sau:
- Trước tiên, ngồi thõng chân hoặc nằm hơi chống chân rồi bắt đầu xoa vùng hạ tiêu (bụng dưới) bằng cách nắm một tay lại, tay kia úp lên trên. Xoa theo chiều kim đồng hồ từ 10 – 20 lần rồi thực hiện theo chiều ngược lại.
- Tiếp tục thực hiện động tác trên nhưng xoa ở vùng trung tiêu (bụng trên, nơi có tụy tạng, dạ dày, ruột non…)
- Vuốt từ cạnh sườn đến mỏm xương ức, mỗi bên 5 – 10 lần.
- Xoa thượng tiêu (ngực) bằng cách xòe một bàn tay áp lên ngực, tay kia đặt lên trên, xoa theo một chiều từ 10 – 20 lần rồi đổi chiều.
- Cuối cùng nắm hờ tay vuốt nhẹ nhàng từ hạ tiêu đến thượng tiêu 5 – 10 lần.
Thăm khám bác sĩ
Mặc dù đầy bụng khó tiêu là hiện tượng thường gặp nhưng người bệnh không nên lơ là chủ quan trước tình trạng này. Nên nhanh chóng thăm khám bác sĩ khi:
- Triệu chứng đầy bụng khó tiêu xuất hiện kèm theo chứng sôi bụng, bụng đau dữ dội, sốt cao, nôn ói thường xuyên, thay đổi thói quen đại tiện. Hoặc thay đổi khuôn phân, phân sống, lúc táo bón lúc tiêu chảy, phân đen có chất nhầy hoặc phân có máu…
- Khi áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà mà không thấy thuyên giảm ngược lại tình trạng này xuất hiện ngày càng thường xuyên với xu hướng kéo dài và nghiêm trọng hơn.
Cách khắc phục chứng đầy bụng khó tiêu
Tùy vào nguyên nhân, biểu hiện mà các bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị phù hợp. Thường là:
Sử dụng thuốc Tây
Một số loại thuốc có thể được chỉ định cho người bị đầy bụng khó tiêu có thể kể đến như:
- Thuốc kháng acid cho người rối loạn dạ dày, tiêu hóa như Maalox, Mylanta, Rolaids, Riopan…
- Thuốc kháng H2 cho người bị đầy bụng khó tiêu kèm theo buồn nôn do acid dạ dày tăng cao như Zantac, Pepcid, Tagamet…
- Thuốc cho người bệnh dạ dày thực quản như ức chế bơm proton, Zegerid, Aciphex, Prevacid…
- Thuốc tăng nhu động ruột để hỗ trợ cải thiện chứng buồn nôn, đầy bụng khó tiêu cho người suy giảm hoạt động của hệ tiêu hóa.
- Đối với người nhiễm xoắn khuẩn H.Pylori sẽ được điều trị bằng kháng sinh theo phác đồ riêng biệt.
Sử dụng thuốc Nam
Nếu tình trạng của bạn chỉ mới xuất đơn lẻ, ở mức độ nhẹ, có thể áp dụng các bài thuốc nam sau đây:
- Uống trà gừng: Gừng vị cay, tính ấm, có tác dụng kích thích tiêu hóa. Có thể sử dụng bằng cách dùng vài lát gừng tươi hãm với 100ml nước sôi trong 5 phút. Đợi nguội bớt thì uống từ từ từng ngụm nhỏ.
- Uống baking soda: Baking soda hay còn gọi là NaHCO3 có tác dụng điều chỉnh lượng axit trong dạ dày. Lấy 1 muỗng baking soda, 1 muỗng nước chanh, 2 muỗng cà phê mật ong nguyên chất cho vào cốc khuấy đều, uống sau bữa ăn sáng.
- Uống nước lá bạc hà: Lấy 10g lá bạc hà vò nát, hãm với 500ml nước sôi chia làm nhiều lần uống trong ngày.
Biện pháp khác
Ngoài các biện pháp trên, người bệnh còn có thể được điều trị bằng vật lý trị liệu, châm cứu, bấm huyệt… Đối với bệnh lý về dạ dày có nguy cơ xuất huyết cao có thể được điều trị bằng phẫu thuật để can thiệp.
Phòng ngừa chứng đầy bụng khó tiêu
Để không gặp phải tình trạng này, bạn cần thay đổi chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt sao cho phù hợp. Cụ thể:
- Cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa nói, chia nhỏ bữa ăn trong ngày.
- Hạn chế nhai kẹo cao su, tránh ngậm ống hút, ngậm kẹo gừng hay vừa ăn vừa nói vì chúng dễ làm bạn nuốt phải không khí.
- Hạn chế các thực phẩm giàu chất béo, thức ăn nhanh, thực phẩm chiên.
- Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng bia rượu, chất kích thích, nước ngọt có gas, các thực phẩm khó tiêu, thức ăn lên men.
- Thường xuyên tập thể dục, thể thao, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, xây dựng chế độ ngủ nghỉ hợp lý để hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Trên đây là một số thông tin về chứng chướng bụng, đầy hơi, ăn uống không tiêu mà hầu như ai cũng gặp phải một lần trong đời nhất là các bạn trẻ, người già, người lao động nặng nhọc vất vả. Nếu tình trạng này kéo dài kèm theo nhiều dấu hiệu bất thường khác bạn nên nhanh chóng thăm khám để tìm ra nguyên nhân và kịp thời điều trị.