Điều trị viêm gan C khỏi nhờ “dùng đúng thuốc”
Sử dụng thuốc điều trị viêm gan C là phương pháp chính được áp dụng cho những người bị nhiễm trùng gan do virus HCV. Hiện nay có nhiều loại thuốc kháng virus mới cho hiệu quả cao giúp rút ngắn thời gian chữa trị và giảm thiểu nguy cơ gặp tác dụng phụ cho người bệnh.
Tổng quan về bệnh viêm gan C
Bệnh viêm gan C còn được gọi là viêm gan siêu vi C. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm do virus Hepatitis C (HCV) gây ra. Tác nhân gây bệnh này xâm nhập vào cơ thể thông qua đường máu rồi mới tấn công vào các tế bào gan gây nhiễm trùng.
Virus viêm gan C ít khi lây qua quan hệ tình dục. Bạn có thể bị nhiễm loại virus này nếu được truyền máu của người bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, nhóm đối tượng được ghép nội tạng trong thời gian trước tháng 7/1992, người từng đi xăm mình hoặc sử dụng chung kim tiêm y tế không được tiệt trùng theo đúng quy định cũng có nguy cơ cao bị lây nhiễm viêm gan C. Một số trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh ngay từ khi sinh ra do lây từ người mẹ.
Khi xâm nhập vào gan, virus phát triển một cách âm thầm và không phải ai bị nhiễm virus cũng xuất hiện ra các triệu chứng cảnh báo bên ngoài. Theo thống kê của Tổ chức Y Tế thế giới được thực hiện vào năm 2000, ước tính trên toàn cầu có khoảng 170 triệu người đang mắc căn bệnh này.
Hiện nay, virus Hepatitis C tồn tại với 7 kiểu gen chính được đánh số thứ tự từ 1 – 7. Xét nghiệm máu được thực hiện để xác định kiểu gen trước khi tiến hành điều trị. Đây là bước vô cùng quan trọng bởi kiểu gen của virus viêm gan C sẽ quyết định đến phương pháp điều trị được lựa chọn. Mỗi kiểu gen sẽ có phác đồ chữa trị khác nhau. Thực tế một số kiểu gen virus có khuynh hướng được điều trị dễ dàng hơn so với các kiểu gen khác.
Tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan C có kiểu gen số 1 là nhiều nhất, tiếp đến là kiểu gen số 6. Khi bị viêm gan C, người bệnh có thể gặp các dấu hiệu bất thường sau:
- Nóng sốt trong người
- Mất cảm giác ngon miệng, chán ăn
- Nước tiểu có màu sẫm hơn bình thường
- Tích tụ nhiều chất lỏng trong bụng gây chướng bụng, đau bụng
- Trong người luôn có cảm giác mệt mỏi dù không làm việc nhiều
- Vàng mắt, vàng da
- Đau nhức ở các khớp và cơ bắp
- Ngứa da, nổi mẩn
- Da dễ xuất hiện vết bầm tím, chảy máu dù va quẹt nhẹ
- Chi dưới bị phù
- Sút cân một cách bất thường mà không trong quá trình ăn kiêng hay tập luyện để giảm cân
- Hay buồn ngủ
- Da nổi nhiều mạch máu tương tự như mạng nhện
- Hay nhầm lẫn
- Buồn nôn hoặc nôn ói nhiều
- Đi ngoài thấy phân có màu đất sét
- Tiêu lỏng nhiều hơn 3 lần một ngày
Có khoảng 80% bệnh nhân bị viêm gan C tiến triển sang gian đoạn mãn tính. Bệnh tiến triển trong nhiều năm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như xơ gan, suy gan hoặc thậm chí là ung thư gan. Những bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá hoặc nghiện uống bia rượu có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn gấp nhiều lần so với những người không sử dụng các chất kích thích này.
Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra thuốc chủng ngừa virus viêm gan C. Căn bệnh này có khả năng lây lan cao trong khi việc chữa trị lại khá tốn kém và mất nhiều thời gian. Chính vì vậy, bạn nên chủ động trong việc thăm khám và tiến hành điều trị viêm gan C từ sớm ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.
Viêm gan C có chữa khỏi được không?
Khi được chẩn đoán mắc căn bệnh này, rất nhiều bệnh nhân tỏ ra lo lắng không biết viêm gan C chữa được không. Câu trả lời là có. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, ngày càng có nhiều loại thuốc chữa viêm gan C mới được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng cho hiệu quả cao, giúp trị khỏi bệnh nhanh hơn nhưng lại ít tác dụng phụ so với các thuốc thế hệ cũ.
Trên thực tế, vẫn có một số bệnh nhân bị viêm gan C có thể tự khỏi bệnh mà không cần dùng thuốc nhờ khả năng kháng lại virus của của hệ miễn dịch. Con số này rơi vào khoảng 15 – 25% trên tổng số bệnh nhân. Các trường hợp còn lại cần tiến hành điều trị theo phác đồ của bác sĩ để giảm thiểu tổn thương tại gan, tránh những di chứng lâu dài.
Thông thường nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn cấp tính bệnh viêm gan C sẽ dễ điều trị hơn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không có triệu chứng nên phát hiện muộn khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn. Lúc này, việc điều trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn.
Thời gian điều trị viêm gan C nhanh hay chậm cũng tùy thuộc vào kiểu gen của virus. Cụ thể như sau:
- Kiểu gen 1: Loại virus viêm gan C có kiểu gen này phát triển tập trung chủ yếu ở các nước nằm châu Âu và Bắc Mỹ. Có khoảng 60% bệnh nhân bị viêm gan C ở khu vực này được xác định bị nhiễm virus có kiểu gen số 1. Loại gen này tương đối khó điều trị. Nếu phát hiện sớm và đáp ứng tốt với thuốc điều trị viêm gan C hiện có thì cũng cần đến 48 tuần để có thể tiêu diệt virus hoàn toàn.
- Kiểu gen 2&3: Virus mang kiểu gen này được tìm thấy ở Châu Âu và Bắc Mỹ (30% trên tổng số ca bệnh) cùng với Úc và các nước trong khu vực Viễn Đông. So với kiểu gen 1 thì loại này dễ điều trị hơn, chỉ mất khoảng 24 tuần để làm sạch virus.
- Kiểu gen 4: Xuất hiện nhiều ở các nước Châu Phi và Trung Đông. Việc chữa viêm gan C ở những bệnh nhân nhiễm virus kiểu gen này cũng khá khó khăn và mất nhiều thời gian, khoảng 48 tuần.
- Kiểu gen 5&6: Loại virus viêm gan C mang kiểu gen này hiến gặp. Thời gian điều trị có thể kéo dài đến 48 tuần.
Thuốc điều trị viêm gan C
Hiện nay, có hai phương pháp được áp dụng trong điều trị viêm gan C là phẫu thuật và sừ dụng thuốc kháng virus. Ngoại trừ một số ít bệnh nhân virus gây tổn thương gan nghiêm trọng cần phải phẫu thuật thì hầu hết các trường hợp đều được điều trị nội khoa bằng thuốc.
Dưới đây là một số loại thuốc chữa viêm gan C đang được sử dụng phổ biến tại các bệnh viện:
1. Thuốc Daclastasvir (Daklinza)
Daclastasvir là thuốc kháng virus thường được bác sĩ kê đơn để điều trị cho các trường hợp bị viêm gan C mãn tính. Thuốc tác dụng tiêu diệt virus HCV, làm giảm lượng virus tồn tại trong cơ thể, hỗ trợ hệ miễn dịch trong việc chống lại nhiễm trùng và giúp các tế bào gan bị tổn thương nhanh chóng phục hồi.
Để chữa viêm gan C, bệnh nhân có thể dùng thuốc Daclastasvir mỗi ngày 1 lần với liều lượng là 60mg cho người trưởng thành. Loại thuốc này thường được chỉ định kết hợp với Sofosbuvir. Một đợt điều trị bằng thuốc Daclastasvir có thể kéo dài trong 12 tuần hoặc lâu hơn tùy theo mức độ bệnh và tiên lượng của bác sĩ.
Các tác dụng phụ của thuốc Daclastasvir:
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Buồn nôn hoặc nôn ói
- Dị ứng
- Tiêu chảy
Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ về tính an toàn của thuốc Daclastasvir khi dùng điều trị viêm gan C cho phụ nữ mang thai, trẻ em hoặc người đang cho con bú. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng thuốc.
2. Thuốc điều trị viêm gan C Epclusa
Thuốc Epclusa có sự kết hợp giữa hai thành phần là Velpatasvir (100mg) và Sofosbuvir (400mg). Đây là thuốc kê toa được chỉ định cho người lớn bị viêm gan C. Loại thuốc này có khả năng đáp ứng được với các loại virus HCV thuộc mọi kiểu gen, bệnh nhân có hoặc không có biến chứng xơ gan đều có thể sử dụng.
Nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả của thuốc chữa viêm gan C Epclusa khi được sử dụng trên 1558 bệnh nhân cho thấy, 98% bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh trong 12 tuần. Mỗi ngày uống thuốc 1 lần.
Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc Epclusa:
- Chậm nhịp tim
- Khó thở
- Ngất
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Mệt mỏi…
3. Thuốc Ledipasvir-sofosbuvir chữa viêm gan C
Loại thuốc này có tên thương mại là Harvestoni hay Ledviclear. Thuốc được bào chế từ hai thành phần là Ledipasvir và Sofosbuvir. Chúng hoạt động bằng cách làm suy yếu và tiêu diệt virus gây bệnh.
Thuốc Ledipasvir-sofosbuvir cho hiệu quả cao ở những người bị nhiễm virus HCV kiểu gen 1. Khoảng 94 – 98% bệnh nhân bị nhiễm virus kiểu gen này đã được điều trị khỏi với thuốc Ledipasvir-sofosbuvir. Hiện nay, hiệp hội FDA cũng đã cho phép sử dụng loại thuốc này trong phác đồ điều trị của bệnh nhân bị nhiễm virus HCV có các kiểu gen 4, 5 và 6.
Để chữa viêm gan C, bệnh nhân được khuyến cáo nên sử dụng thuốc mỗi ngày 1 lần trong vòng 8 – 24 tuần liên tục.
Một số tác dụng phụ có thể gặp:
- Đau nhức cơ bắp
- Buồn nôn
- Nhức đầu
- Ho
- Nổi mề đay, mẩn ngứa, phát ban ngoài da do bị dị ứng thuốc.
4. Thuốc Meefret
Thuốc Meefret được kết hợp giữa các thành phần là glecaprevir 100 mg và pibrentasvir 40 mg. Thuốc có tác dụng ngăn chặn quá trình phân chia tế bào của virus HCV, qua đó trực tiếp làm giảm số lượng virus tồn tại trong gan và trong cơ thể. Loại thuốc này bắt đầu được Mỹ chấp thuận sử dụng trong điều trị viêm gan C ở người trường thành từ năm 2017. Thuốc được chỉ định cho bệnh nhân bị nhiễm virus HCV thuộc bất kỳ kiểu gen nào mà chưa có biến chứng xơ gan hoặc đã bị xơ gan nhưng còn nhẹ.
Hiện nay, thuốc chữa viêm gan C Meefret đã được cấp phép sử dụng điều trị cho bệnh nhi từ 12 – 17 tuổi. Một thử nghiệm được tiến hành trên 47 bệnh nhi bị nhiễm HCV thuộc 4 kiểu gen khác nhau cho thấy 100% không còn phát hiện virus trong máu sau 8 – 16 tuần điều trị
5. Thuốc Ribavirin
Ribavirin cũng là thuốc điều trị viêm gan C đang được sử dụng phổ biến. Loại thuốc này thường được sử dụng phối hợp cùng một số thuốc chống virus khác như Interferon hay Sofosbuvir để chữa viêm gan C mãn tính.
Thuốc Ribavirin được bào chế dưới nhiều hình thức khác nhau như dung dịch uống hoặc viên nén. Tùy theo tính chất nghiêm trọng của bệnh mà thời gian điều trị bằng thuốc Ribavirin có thể kéo dài từ 24 – 48 tuần.
Ribavirin hiếm khi gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên bạn nên thông báo cho bác sĩ biết nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường dưới đây sau khi uống thuốc:
- Buồn nôn
- Tiêu phân lỏng nước nhiều lần trong ngày
- Nhức đầu
- Đau bụng
- Khô da
- Sút cân
- Vị giác, thị giác hoặc thính giác bị suy giảm
- Ho
- Mất cảm giác ngon miệng
- Mắt nhìn mờ
- Mệt mỏi
- Rối loạn nhịp tim
- Đau nhức cơ, khớp
- Bầm tím da
- Vàng da
- Đi ngoài phân đen
Không dùng thuốc cho bà bầu hoặc phụ nữ có khả năng mang thai. Phụ nữ sau sinh nên tạm thời ngưng cho con bú trong thời gian được điều trị viêm gan C với thuốc Ribavirin.
6. Thuốc chữa viêm gan C Zepatier
Thuốc Zepatier chứa 2 thành phần gồm elbasvir (50mg) và grazoprevir (100mg). Thuốc được sử dụng trong đơn của người lớn bị viêm gan C mãn tính nhiễm virus có kiểu gen 1 hoặc 4. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn sự nhân lên của virus.
Khoảng 97% bệnh nhân được điều trị bằng thuốc này trong vòng 12 – 16 tuần. Liều dùng thông thường được khuyến nghị là 1 viên/lần/ngày.
Các tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc Zepatier:
- Nước tiểu sẫm màu
- Nóng sốt. Một số người có cảm giác ớn lạnh, rét run
- Đi ngoài thấy phân sáng màu
- Ăn uống không ngon miệng
- Buồn nôn hoặc có thể nôn ói
- Mệt mỏi kéo dài
- Đau dạ dày
- Vàng mắt hoặc vàng da
- Nhức đầu
- Chóng mặt
7. Thuốc Viekira điều trị viêm gan C
Loại thuốc này chính thức được FDA công nhận và cho phép sử dụng rộng rãi trong điều trị viêm gan C vào tháng 12/2014. Thuốc bao gồm 3 thành phần là paritaprevir, dasabuvir và ombitasvir.
Thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân bị nhiễm virus HCV kiểu gen 1 ghi nhận hơn 90% bệnh nhân đã được chữa lành bệnh sau khi dùng Viekira. Thuốc không được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân bị suy gan ở mức độ trung bình đến nặng.
Các tác dụng phụ đã được ghi nhận của thuốc Viekira:
- Mệt mỏi
- Ngứa da
- Buồn nôn
- Khó ngủ
8. Thuốc Sovaldi
Sovaldi chứa thành phần chính là sofosbuvir. Cũng như nhiều thuốc chữa viêm gan C khác, loại virus này có tác dụng ngăn chặn sự nhân lên của virus HCV trong cơ thể. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế NS5B polymerase – một loại enzym cho phép RNA của virus HCV có thể sao chép, làm gia tăng số lượng virus.
Thuốc Sovaldi không được sử dụng đơn độc mà thường được kết hợp với các thuốc kháng virus khác như Ribavirin, Peginterferon alfa hay Daklinza. Loại thuốc này được cho phép sử dụng trong điều trị viêm gan C cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên bị nhiễm virus có kiểu gen 2&3 và người trưởng thành. Đôi khi, thuốc còn được chỉ định cho bệnh nhân bị nhiễm HIV, người mắc bệnh ung thư gan hoặc chuẩn bị được ghép gan.
Liều dùng thuốc Sovaldi để điều trị viêm gan C là 1 viên 400mg x 1 lần/ngày. Không dùng Sovaldi cho phụ nữ mang thai bởi loại thuốc này có thể gây dị tật bẩm sinh hoặc khiến thai nhi bị tử vong. Ngay cả những bệnh nhân là nam giới có vợ hoặc bạn tình đang mang thai cũng không nên sử dụng.
9. Các loại thuốc chữa viêm gan C khác
Bên cạnh các loại thuốc thông dụng ở trên, bệnh nhân bị viêm gan C cũng có thể được chỉ định các loại thuốc sau:
- Technivie
- Peginterferon alfa
- Vosevi…
Lưu ý khi điều trị viêm gan C
Để nâng cao hiệu quả của thuốc điều trị viêm gan C, người bệnh cần lưu ý:
- Tuân thủ đúng theo phác đồ của bác sĩ
- Uống thuốc đúng liều và đủ thời gian. Không tự ý thêm bớt liều trừ khi được bác sĩ chỉ định
- Uống thuốc đúng giờ và đúng số lần quy định trong ngày
- Thuốc chữa viêm gan C thường được khuyến cáo sử dụng trong hoặc sau khi ăn để giảm thiểu tác hại đến dạ dày
- Các triệu chứng viêm gan C sẽ thuyên giảm dần trong quá trình dùng thuốc. Mặc dù vậy, bạn cũng cần tiếp tục uống thuốc theo đơn bác sĩ cho đến khi được xác định đã loại bỏ hoàn toàn virus trong cơ thể. Không được ngưng điều trị một cách đột ngột gây lờn thuốc và khiến bệnh tình diễn tiến phức tạp hơn.
- Nghỉ ngơi nhiều, không làm việc quá sức
- Tránh sử dụng những thứ có hại cho gan như hút thuốc lá, uống bia rượu, đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, thức ăn mặn. Thay vì vậy, bạn nên bổ sung vào thực đơn những thực phẩm có lợi cho gan như trái cây tươi, rau xanh, thực phẩm giàu đạm, ngũ cốc các loại.
- Phụ nữ đang trong quá trình dùng thuốc điều trị viêm gan C nên có biện pháp phòng tránh thai. Nếu có ý định mang thai thì nên đợi ít nhất là 6 tháng kể từ khi ngưng uống thuốc.
- Để ngăn ngừa lây nhiễm mầm bệnh cho người khác cần chú ý: Mang bao cao su khi quan hệ, không để người khác đụng chạm vào vết thương hở trên da khi đang nhiễm bệnh, không dùng chung kim tim, không hiến máu, tinh trùng hay nội tạng. Thông báo cho bác sĩ biết về bệnh tình của bạn trước khi tiến hành thủ thuật hay phẫu thuật.
Thông tin hữu ích liên quan
- Nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan C và cách phòng ngừa
- Virus viêm gan C sống được bao lâu ngoài môi trường?