Bệnh mạch lươn là gì? Dấu hiệu nhận biết và điều trị
Bệnh mạch lươn (rò hậu môn) là tình trạng nhiễm trùng trực tràng – hậu môn mãn tính. Hơn 90% trường hợp mắc bệnh đều tiến triển do áp xe hậu môn không được điều trị kịp thời. Bệnh lý này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây bất lợi trong quá trình sinh hoạt và làm việc.
Bệnh mạch lươn là gì? Cách phân loại bệnh
Bệnh mạch lươn là tên gọi dân gian của bệnh rò hậu môn. Đây là bệnh lý hậu môn phổ biến thứ 2 chỉ sau bệnh trĩ. Mạch lươn (rò hậu môn) là một dạng nhiễm trùng trực tràng – hậu môn mãn tính. Trong đó niêm mạc xuất hiện đường rò có hình dạng như đường hầm và bên trong có cấu trúc dạng hạt do hiện tượng viêm mãn tính gây ra.
Bệnh lý này là hệ quả do áp xe hậu môn không được điều trị kịp thời khiến ổ mủ bị vỡ và tạo thành đường rò ở bên trong niêm mạc.
Dựa vào triệu chứng lâm sàng, bệnh mạch lươn được chia thành 2 dạng sau:
- Rò đơn giản: Là tình trạng hậu môn chỉ có 1 đường rò, đường rõ này nối với lỗ bên trong và bên ngoài.
- Rò phức tạp: Ngược lại với rò đơn giản, rò phức tạp là tình trạng hậu môn xuất hiện nhiều đường rò ngoằn ngoèo.
Ngoài ra bệnh còn được phân chia theo vị trí của đường rò, bao gồm:
- Rò ngoài cơ thắt
- Rò trên cơ thắt
- Rò liên cơ thắt
- Rò dưới niêm mạc
- Rò xuyên cơ thắt
- Rò chột (rò không có lỗ bên trong)
Dấu hiệu của bệnh mạch lươn (rò hậu môn)
Triệu chứng của bệnh mạch lươn khá đặc trưng, bao gồm biểu hiện thực thể và các triệu chứng cơ năng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh mạch lươn:
- Vùng hậu môn bị loét và rỉ dịch/ mủ
- Thân nhiệt tăng
- Vùng hậu môn sưng nóng
- Đau đớn khi ngồi hoặc đại tiện
- Có máu/ mủ lẫn trong phân
- Hậu môn xuất hiện các đường ngoằn ngoèo
Nguyên nhân gây bệnh mạch lươn
Mạch lươn đề cập đến tình trạng nhiễm trùng mãn tính ở vùng trực tràng – hậu môn. Bệnh lý có thể khởi phát do áp xe hậu môn không được điều trị dứt điểm hoặc do các bệnh lý tiềm ẩn khác.
Nguyên nhân gây bệnh mạch lươn:
- Nhiễm trùng khe tuyến không được điều trì (áp xe hậu môn, trực tràng)
- Bệnh Crohn
- Nhiễm nấm hậu môn
- Lao hậu môn
Bệnh mạch lươn có nguy hiểm không?
Bệnh mạch lươn thường không ảnh hưởng đến tính mạng, tuy nhiên triệu chứng của bệnh có thể gây khó khăn khi đại tiện, ngồi, nằm hay quan hệ tình dục. Hơn nữa, triệu chứng đau rát và chảy dịch thường xuyên ở hậu môn còn gây ra cảm giác bứt rứt, khó chịu, khiến bạn dễ mất ngủ và thiếu tập trung khi làm việc.
Ngoài ra, bệnh có thể gây một số biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời:
- Nhiễm trùng lan sang tầng sinh môn
- Nhiễm trùng huyết (có nguy cơ tử vong cao)
- Tăng nguy cơ ung thư
Các thủ thuật chẩn đoán rò hậu môn
Rò hậu môn có biểu hiện khá phức tạp và dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Vì vậy bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp chẩn đoán trước khi chỉ định điều trị.
- Xem xét tiền sử bệnh nhân để tìm ra một số yếu tố có khả năng gây bệnh như bệnh Crohn, áp xe hậu môn, nhiễm lao đường ruột,…
- Quan sát biểu hiện thực thể và thăm khám trực tràng – hậu môn bằng tay để đánh giá vị trí và đường đi của đường rò.
- Các xét nghiệm hình ảnh (X-Quang, MRI, siêu âm) có thể được thực hiện để xác định rõ cấu tạo và vị trí của lỗ rò.
Ngoài ra bác sĩ có thể thực hiện các thủ thuật khác nhằm phân loại rò và thực hiện một số xét nghiệm tiền phẫu (phân tích tế bào máu ngoại vi, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm Doppler tim màu với bệnh nhân cao tuổi,…).
Điều trị bệnh mạch lươn theo Tây Y
Bệnh mạch lươn không chỉ là nhiễm trùng thông thường mà còn đặc trưng bởi tình trạng tổn thương niêm mạc và cấu trúc hậu môn.
Việc sử dụng thuốc thường không thể điều trị bệnh dứt điểm. Do đó ở hầu hết các trường hợp, bệnh nhân đều phải can thiệp phẫu thuật.
Các phương pháp phẫu thuật bệnh mạch lươn:
- Mổ cắt đường rò: Với các đường rò nông và đơn giản, bác sĩ có thể phẫu thuật nhằm cắt bỏ đường rò và nạo bỏ hết mủ ứ bên trong.
- Đặt seton: Phương pháp này thích hợp với trường hợp có nhiều đường rò và đường đi ngoằn ngoèo, phức tạp. Đặt seton có thể tăng dẫn lưu dịch và mủ bên trong đường rò. Tuy nhiên phương pháp này thường mất nhiều thời gian khi thực hiện (khoảng 7 – 8 tuần hoặc lâu hơn).
- Các phương pháp khác: Ngoài ra, phẫu thuật bệnh mạch lươn còn bao gồm các kỹ thuật khác như sử dụng keo để lấp đầy lỗ rò, khoét đường rò, khâu lại cơ thắt hậu môn bị dứt,…
Phẫu thuật có thể điều trị dứt điểm bệnh mạch lươn. Tuy nhiên phương pháp này có thể gây ra một số biến chứng như chảy máu sau phẫu thuật, nhiễm trùng, hẹp hậu môn,…
Cách chữa bệnh mạch lươn bằng Đông y
Theo Đông y, bệnh mạch lươn (giang lậu) là do uất kết ở giang môn mà thành. Khác với Tây y, Đông y chia bệnh theo bệnh sinh và bệnh nguyên, bao gồm các thể sau:
- Thể khí huyết lưỡng hư
- Thể thấp nhiệt
- Thể thấp nhiệt đại trường
- Thể khí huyết đều hư
- Thể âm hư
- Thể trung khí bất túc
- Thể âm hư nội nhiệt
Với bệnh lý này, Đông y điều trị bằng cách kết hợp các bài thuốc uống và bài thuốc dùng ngoài.
1. Bài thuốc uống
Bài thuốc uống chữa bệnh mạch lươn từ Đông y được chia thành các thể bệnh riêng biệt. Vì vậy bạn nên căn cứ vào triệu chứng và căn nguyên của bệnh để áp dụng bài thuốc phù hợp.
– Thể thấp nhiệt đại trường
Bệnh mạch lươn ở thể thấp nhiệt đặc trưng bởi hiện tượng sốt cao, miệng khô, người ớn lạnh, kèm với triệu chứng đau hậu môn, táo bón và chảy mủ màu vàng loãng.
- Chuẩn bị: Long đởm thảo 2 – 8g, mộc thông 4 – 8g, chi tử 8 – 16g, trạch tả 8 – 16g, sinh địa 12 – 20g, sài hồ 4 – 12g, hoàng cầm 8 – 16g, sa tiền 12 – 20g, cam thảo 4 – 8g và quy đầu 8 – 16g.
- Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.
– Thể khí huyết đều hư
Thể bệnh này có tính chất dai dẳng và kéo dài, không chỉ gây đau nhức, chảy mủ ở hậu môn mà còn gây suy nhược cơ thể, sụt cân, mệt mỏi, sắc mặt trắng bệch, thiếu sức sống, hoa mắt,… Ở thể khí huyết đều hư, các biểu hiện đau nhức ở hậu môn thường có mức độ nhẹ hơn thể thấp nhiệt đại trường.
- Chuẩn bị: Xuyên khung 8g, quy đầu 12g, bạch truật 12g, hạ khô thảo 12g, bạch thược 12g, cam thảo 6g, đẳng sâm 16g, kê huyết đằng 16g, thục địa 20g, liên kiều 12g và bạch linh 12g.
- Thực hiện: Sắc uống.
– Thể âm hư nội nhiệt
Âm hư nội nhiệt cũng là thể bệnh mãn tính và dai dẳng. Thể bệnh này điển hình với triệu chứng nước tiểu vàng, lỗ rò chảy dịch hoặc mủ loãng, người ốm yếu, táo bón, hay sốt về chiều,…
- Chuẩn bị: Sài hồ 6g, hoàng liên 8g, cam thảo 4g, tần giao 8g, thạch cao 8g, miết giáp 12g, địa cốt bì 12g và tri mẫu 12g.
- Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.
– Thể khí huyết lưỡng hư
Thể khí huyết lưỡng hư có biểu hiện thực thể là lỗ rò thâm, không đỏ, nóng hay sưng nhưng thường gây chảy mủ nhiều. Ngoài ra bệnh khiến người suy nhược, mệt mỏi, da xanh xao,…
- Chuẩn bị: Đẳng sâm 12g, cam thảo 6g, thục địa 12g, xuyên khung 12g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, đương quy 10g và bạch thược 12g.
- Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày.
– Thể âm hư
Thể âm hư là hiện tượng rò hậu môn do vi khuẩn lao, bệnh gây sốt kéo dài, đau nhức xuống, vã mồ hôi,…
- Chuẩn bị: Cam thảo 4g, miết giáp 12g, hoàng liên 8g, thanh hao 16g, địa cốt bì 8g, tri mẫu 8g, tần giao 12g, ngân sài hồ 8g.
- Thực hiện: Sắc uống.
– Thể thấp nhiệt
Thể thấp nhiệt toàn thân là thể bệnh mới phát, điển hình với tình trạng lỗ rò sưng nóng, chảy mủ đặc, đau nhức, người mệt mỏi, sốt cao, rêu lưỡi vàng,…
- Chuẩn bị: Đương quy 12g, bạch truật 12g, bạch linh 16g, đảng sâm 16g, bạch thược 12g, sinh hoàng kỳ 12g, tạo giác thích 12g, kim ngân hoa 16g, cát cánh 16g, bạch chỉ 8g và xuyên khung 8g.
- Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày.
– Thể trung khí bất túc
Triệu chứng nhận biết thể trung khí bất túc là tình trạng lỗ rò ướt, thâm sạm, không đau nhưng chảy dịch nhờn, người mệt mỏi, chán ăn,…
- Chuẩn bị: Đẳng sâm 12g, trần bì 4g, trích cam thảo 6g, thăng ma 6g, bạch thược 12g, hoàng kỳ 10g, bạch truật 12g, gia tạo thích 12g, đương quy 12g và sài hồ 6g.
- Thực hiện: Ngày sắc uống một thang.
2. Bài thuốc dùng ngoài
Bên cạnh việc dùng thuốc uống, nên phối hợp bài thuốc dùng ngoài để làm sạch lỗ rò và tác động toàn diện đến bệnh.
- Chuẩn bị: Phèn phi 5g và lá trầu không 50g.
- Thực hiện: Đun với 2 lít nước sôi, sau đó để nguội bớt, dùng để ngâm rửa hậu môn hằng ngày.
Bệnh mạch lươn nên ăn gì?
Mạch lươn là bệnh lý xảy ra ở hậu môn – trực tràng. Vì vậy ngoài việc áp dụng các biện pháp điều trị, bạn nên chú ý xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp.
- Nên ăn thực phẩm giàu chất xơ nhằm hạn chế tình trạng táo bón. Ngoài ra chất xơ còn có tác dụng tăng cường nhu động ruột và giảm áp lực lên các lỗ rò hậu môn.
- Uống nhiều nước có thể làm mềm phân và hỗ trợ tăng dẫn lưu mủ/ dịch ở bên trong đường rò.
- Bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng để tránh suy nhược cơ thể. Tuy nhiên cần tránh những phương pháp chế biến khiến dạ dày khó tiêu hóa như chiên, xào, nướng,… Đồng thời nên hạn chế sử dụng chất béo và gia vị trong thức ăn.
- Bên cạnh đó, nên hạn chế các thức uống chứa cồn, caffeine và đường trong thời gian điều trị.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh mạch lươn
Bệnh mạch lươn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm gián đoạn quá trình làm việc và sinh hoạt. Vì vậy bạn nên chủ động thực hiện các cách phòng tránh bệnh lý này:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cần tránh tình trạng tiêu chảy và táo bón kéo dài.
- Tích cực trong việc điều trị các viêm loét đại tràng, nhiễm lao đường ruột, bệnh Crohn, áp xe hậu môn,…
- Nên hình thành thói quen đi vệ sinh đúng giờ để tránh các triệu chứng rối loạn đại tiện.
- Bổ sung đủ nước, vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
- Vận động thường xuyên có thể tăng tuần hoàn máu ở vùng hậu môn và cải thiện nhu động ruột.
- Vệ sinh vùng kín và hậu môn đúng cách nhằm hạn chế tối đa hiện tượng viêm nhiễm.
- Nên kiểm soát cân nặng bởi cân nặng dư thừa là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về trực tràng – hậu môn.
Mạch lươn là một trong những bệnh lý phổ biến ở trực tràng – hậu môn. Mặc dù không có mức độ quá nguy hiểm nhưng nếu không can thiệp kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng nề. Vì vậy bạn cần chủ động tìm gặp bác sĩ khi nhận thấy dấu hiệu bất thường.