Búi trĩ bị xung huyết là gì? Có nguy hiểm không & Điều trị

Búi trĩ bị xung huyết là một trong những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân trĩ. Biến chứng này phát sinh khi người bệnh chậm trễ trong việc điều trị hoặc thực hiện các biện pháp chăm sóc không đúng cách.

búi trĩ bị xung huyết là gì
Búi trĩ bị xung huyết là một trong những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân trĩ

Búi trĩ bị xung huyết là gì? Có nguy hiểm không?

Búi trĩ xung huyết là tình trạng các mạch máu ở búi trĩ bị giãn và gây ứ đọng máu. Đây là một trong những biểu hiện cảnh báo bệnh trĩ đã bước sang giai đoạn nghiêm trọng.

Nếu không tiến hành khắc phục kịp thời, tình trạng xung huyết có thể tạo điều kiện gây xuất huyết và hình thành tắc mạch trĩ.

1. Nguyên nhân gây xung huyết búi trĩ

Tình trạng xung huyết ở búi trĩ có thể hình thành do những nguyên nhân sau:

  • Mang thai trong quá trình điều trị bệnh trĩ
  • Không tiến hành chẩn đoán và chữa trị bệnh
  • Thường xuyên mang vác nặng
  • Rối loạn ăn uống khiến tiêu chảy/ táo bón kéo dài
  • Chấn thương búi trĩ (do vận động, va chạm hoặc làm việc)
  • Không điều chỉnh cân nặng khiến áp lực lên búi trĩ tăng và làm giãn mạch máu
  • Co thắt của cơ thắt khiến máu ứ trệ bên trong búi trĩ

2. Dấu hiệu nhận biết búi trĩ bị xung huyết

So với giai đoạn trước, búi trĩ bị xung huyết thường gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

búi trĩ bị xung huyết là gì
Tình trạng xung huyết ở búi trĩ khiến người bệnh thường xuyên buồn đi đại tiện

Các triệu chứng nhận biết tình trạng xung huyết ở búi trĩ:

  • Búi trĩ đỏ hơn bình thường
  • Hậu môn sưng nóng và đau rát dữ dội
  • Cơn đau có xu hướng tăng lên khi đi đại tiện
  • Luôn có cảm giác buồn đại tiện nhưng không đi được

3. Búi trĩ bị xung huyết có nguy hiểm không?

Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng xung huyết ở búi trĩ có thể tiến triển nặng, gây xuất huyết và tắc mạch trĩ. Tình trạng xuất huyết búi trĩ nhiều lần có thể gây thiếu máu nặng và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Vì vậy khi phát hiện búi trĩ bị ứ máu, bạn cần thông báo với bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Các phương pháp điều trị búi trĩ bị xung huyết

Điều trị búi trĩ xung huyết bao gồm việc sử dụng thuốc và can thiệp ngoại khoa. Bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc trước khi quyết định thực hiện các thủ thuật xâm lấn.

1. Sử dụng thuốc

Với tình trạng xung huyết ở búi trĩ, bạn sẽ được sử dụng thuốc nhằm cải thiện triệu chứng đau nhức, sưng nóng và tăng cường độ bền của mạch máu.

búi trĩ xung huyết là gì
Sử dụng thuốc có khả năng giảm đau, sưng viêm và tăng độ bền của mạch máu

Các loại thuốc thường được sử dụng, bao gồm:

  • Thuốc nhuận tràng: Có tác dụng cải thiện táo bón, nhằm giúp người bệnh dễ dàng khi đại tiện, đồng thời làm giảm áp lực lên búi trĩ xung huyết.
  • Thuốc bôi trơn hậu môn: Loại thuốc này được bào chế ở dạng viên đạn hoặc thuốc bôi, có tác dụng làm dịu niêm mạc và giúp hậu môn dễ dàng bài tiết chất thải.
  • Thuốc làm bền thành mạch: Nhóm thuốc này có khả năng làm bền và tăng độ co giãn của các mạch máu ở búi trĩ. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng chảy máu và tắc mạch.
  • Thuốc chống viêm: Thuốc chống viêm được sử dụng để cải thiện phản ứng viêm và giảm đau do bệnh trĩ gây ra.

Sử dụng thuốc có thể làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng xuất huyết ở búi trĩ. Tuy nhiên phương pháp này không có khả năng cải thiện dứt điểm tình trạng xung huyết.

2. Can thiệp ngoại khoa

Với những trường hợp búi trĩ bị xung huyết kèm theo tình trạng sa, bác sĩ sẽ cân nhắc cắt bỏ búi trĩ hoặc thực hiện các thủ thuật ngoại khoa ít xâm lấn.

búi trĩ xung huyết là gì
Can thiệp ngoại khoa sẽ được cân nhắc với bệnh nhân có búi trĩ xung huyết và phù nề

Các thủ thuật ngoại khoa ít xâm lấn:

  • Tiêm thuốc xơ hóa búi trĩ: Biện pháp này sử dụng dung dịch tiêm vào búi trĩ nhằm kích thích phản ứng xơ hóa. Từ đó ép chặt mạch máu và niêm mạc với nhau, nhằm hạn chế xuất huyết và sa búi trĩ.
  • Thắt búi trĩ bằng vòng cao su: Thủ thuật này tiến hành đặt vòng cao su vào cổ búi trĩ, sau đó thắt chặt để hạn chế máu tuần hoàn đến búi trĩ. Không có máu và dưỡng chất, búi trĩ sẽ hoại tử và rụng sau khoảng 5 – 7 ngày. Trước khi thắt vòng cao su, bác sĩ có thể yêu cầu tiêm xơ hóa để làm giảm kích thước búi trĩ.
  • Áp lạnh: Là phương pháp sử dụng nito lỏng (có nhiệt độ – 196 độ C) để đóng băng búi trĩ. Sau đó búi trĩ sẽ bị hoại tử lạnh, các tổ chức bị teo, xơ hóa và rụng sau một thời gian ngắn.

Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ:

Với những búi trĩ to, phù nề, kèm theo tình trạng xung huyết và sa ra bên ngoài, bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật cắt bỏ. Các phương pháp phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ, bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt toàn bộ vòng trĩ (phẫu thuật Whitehead W)
  • Phẫu thuật cắt đơn lẻ từng búi trĩ (phẫu thuật Milligan,  phẫu thuật cắt trĩ khâu kín, phẫu thuật cắt trĩ dưới niêm mạc Parks A.G)

So với các thủ thuật ít xâm lấn, phẫu thuật cắt bỏ có thể điều trị triệt để bệnh trĩ và hiếm có trường hợp tái phát trở lại. Tuy nhiên sau khi phẫu thuật, bạn có thể gặp phải các rủi ro như: Chảy máu, nhiễm khuẩn, mưng mủ quanh hậu môn, hẹp hậu môn, tái phát trĩ (hiếm gặp), nứt kẽ hậu môn,…

Bệnh trĩ có nguy cơ tái phát nếu bạn thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt và làm việc thiếu khoa học. Vì vậy sau khi điều trị búi trĩ bị xung huyết, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tái phát.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Khi búi trĩ bị xung huyết, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị.