Trẻ bị đi ngoài ra máu – Dấu hiệu nguy hiểm cần cảnh giác

Trẻ nhỏ đi ngoài ra máu là một trong những dấu hiệu nguy hiểm. Trong trường hợp phụ huynh chủ quan, triệu chứng này có thể kéo dài và dẫn đến một số biến chứng như thiếu máu, rối loạn tiêu hóa, trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi,…

trẻ đi ngoài có nhầy màu hồng
Trẻ bị đi ngoài ra máu do những nguyên nhân nào?

Trẻ đi ngoài ra máu do đâu?

Đi ngoài ra máu là tình trạng đi ra phân lỏng, màu đen, màu đỏ sẫm hoặc có lẫn máu tươi. Ngoài ra ở một số trường hợp, trẻ có thể đi ngoài ra chất nhầy màu hồng có lẫn máu.

Triệu chứng này thường đi kèm với một số biểu hiện khác ở đường tiêu hóa như đau quặn bụng, sưng nóng hậu môn, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi,…

Tình trạng trẻ đi ngoài ra máu là một trong những dấu hiệu nguy hiểm. Vì vậy khi nhận thấy biểu hiện này, phụ huynh cần tránh tình trạng chủ quan và lơ là. Bởi nếu để kéo dài, trẻ có thể đối mặt với một số biến chứng nặng nề.

Dưới đây là các vấn đề sức khỏe có liên quan đến tình trạng trẻ nhỏ đi ngoài ra máu và chất nhầy:

1. Bệnh kiết lỵ

Kiết lỵ (lỵ) là một trong những vấn đề tiêu hóa gây ra triệu chứng tiêu chảy kèm theo máu. Bệnh phát sinh khi đường ruột bị nhiễm trùng do sự xâm nhập của virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và động vật nguyên sinh. Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh lỵ là amip Entamoeba histolytica và trực khuẩn Enterobacteria shigella.

bé ị ra máu
Trẻ bị kiết lỵ thường có xu hướng quấy khóc, đại tiện ra máu, bọt hơi, đau quặn bụng và buồn nôn

Kiết lỵ là một dạng nhiễm trùng có mức độ nghiêm trọng. Nếu không được khắc phục sớm, trẻ có thể bị tử vong do vi khuẩn xâm nhập vào máu.

Ngoài tình trạng tiêu chảy kèm theo máu, trẻ bị kiết lỵ có thể biểu hiện thông qua một số triệu chứng khác như đi đại tiện nhiều lần (thường từ 4 lần trở lên), phân có lẫn dịch nhầy, bọt hơi, trẻ có xu hướng quấy khóc khi đại tiện,…

2. Polyp đại – trực tràng

Polyp đại – trực tràng là bệnh lý thường gặp ở người lớn. Tuy nhiên đã có ghi nhận một số ít trường hợp polyp tăng sản và polyp viêm xảy ra ở trẻ nhỏ. Hầu hết các dạng polyp này đều không có khả năng chuyển biến thành ung thư (khối u ác tính).

Trẻ có thể xuất hiện polyp đại – trực tràng do béo phì, ăn nhiều chất béo, ít chất xơ và thu nạp hàm lượng thịt đỏ cao. Phần lớn các trường hợp xuất hiện polyp đại trực tràng đều không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt. Tuy nhiên khi kích thước polyp tăng lên, phụ huynh có thể nhận thấy trẻ đi ngoài có lẫn máu hoặc bị chảy máu trực tràng.

Ngoài ra một số loại polyp có khả năng tiết ra nước và muối, gây tiêu chảy kéo dài ở trẻ. Điều này có thể gây hạ kali huyết và làm mất cân bằng điện giải.

Polyp ở trẻ nhỏ nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây tắc ruột và đau bụng dữ dội. Vì vậy nếu bạn nhận thấy trẻ đi ngoài ra máu, cần chủ động đưa trẻ đến bệnh viện để thực hiện các chẩn đoán cần thiết.

3. Thiếu vitamin K

Vitamin K là thành phần giữ nhiều vai trò trong cơ thể – trong đó có chức năng đông máu. Loại vitamin này sản xuất một protein đặc hiệu nhằm thúc đẩy đông máu và hạn chế xuất huyết kéo dài.

bé đi cầu ra máu
Thiếu vitamin K khiến máu khó đông và làm phát sinh triệu chứng trẻ đi cầu ra máu

Tình trạng thiếu hụt vitamin K xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 6 tháng tuổi vì lúc này nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu là từ sữa mẹ. Vì vậy trẻ có thể gặp phải tình trạng khó đông máu và làm phát sinh triệu chứng phân có lẫn máu bên trong.

4. Tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn

Tiêu chảy là hệ quả của nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nhiễm vi khuẩn được đánh giá là nguyên nhân nghiêm trọng nhất. Vi khuẩn Clostridium, tụ cầu, Salmonella,… là những tác nhân chủ yếu gây ra tình trạng tiêu chảy nhiễm trùng.

Bệnh lý này thường xảy ra ở trẻ nhỏ và người già vì đây là nhóm đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu. Tiêu chảy đặc trưng bởi triệu chứng đi ngoài từ 20 – 30 lần/ ngày, phân có thể kèm theo máu, dịch nhầy và có mùi hôi tanh khó chịu. Bên cạnh đó, trẻ bị tiêu chảy còn dễ đau bụng, thường xuyên nôn mửa, chán ăn, mệt mỏi và hạ thân nhiệt.

5. Lồng ruột cấp tính

Lồng ruột cấp tính là tình trạng sức khỏe thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi (phổ biến nhất là từ 4 tháng – 9 tháng tuổi). Bệnh xảy ra khi một đoạn ruột bị lộn ngược và chui vào không gian bên trong của đoạn ruột gần kề. Lồng ruột có thể gây tắc ruột và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được khắc phục kịp thời.

trẻ đi ngoài có chất nhầy và máu
Lồng ruột cấp tính là tình trạng nguy hiểm, xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 2 tuổi

Triệu chứng cơ năng thường gặp nhất của bệnh lý này là đau bụng dữ dội. Với trẻ nhỏ, khi gặp phải triệu chứng này, trẻ thường có xu hướng ưỡn người, bỏ ăn, lười vận động và khóc thét thành từng cơn,

Sau đó trẻ có thể nôn mửa và đi ngoài ra chất nhầy có lẫn máu. Triệu chứng này thường xảy ra khoảng 24 giờ sau kể từ thời điểm bệnh khởi phát.

6. Viêm túi thừa

Viêm túi thừa là tình trạng một phần của đại tràng bị giãn, phồng và tạo thành các túi nhỏ bên trong. Sau một thời gian, các túi thừa này sẽ có xu hướng viêm, đỏ và gây đau.

Nếu viêm túi thừa xảy ra ở trẻ em, trẻ có thể gặp phải triệu chứng đau quặn bụng, ớn lạnh, buồn nôn, chướng bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Trong trường hợp túi thừa có dấu hiệu loét, trẻ có thể đi ngoài ra máu và lẫn với chất nhầy.

7. Viêm đường mật

Viêm đường mật là tình trạng đường mật bị nhiễm khuẩn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là tình trạng đau hạ sườn, buồn nôn, rét run, sốt, nước tiểu vàng, ngứa toàn thân, khó tiêu,… Viêm đường mật do vi khuẩn dễ gây ra biến chứng, bao gồm: chảy máu đường mật, viêm gan, nhiễm khuẩn máu,…

Khi xảy ra biến chứng, trẻ không chỉ gặp phải các triệu chứng nêu trên mà có thể đi ngoài ra máu, co giật, ngất xỉu,…

8. Bệnh Crohn

Bệnh Crohn là một dạng viêm đường ruột có tính chất di truyền cao. Bệnh xảy ra khi các mô sâu trong ruột bị viêm, dẫn đến các triệu chứng như tiêu chảy nghiêm trọng, suy dinh dưỡng, đau bụng, mệt mỏi,… Nếu không kịp thời phát hiện, mô đường ruột có thể bị loét và dẫn đến xuất huyết.

trẻ em đi ngoài ra máu
Bệnh Crohn ở đại tràng có thể gây xuất huyết và khiến trẻ đại tiện ra phân có lẫn máu

Tình trạng đi ngoài ra máu có thể dấu hiệu cho thấy trẻ mắc bệnh Crohn ở đại tràng.

9. Viêm đại tràng amip

Viêm đại tràng amip là tình trạng nhiễm trùng đại tràng do nguyên sinh động vật (amip) gây ra. Amip có thể xâm nhập vào đường ruột của trẻ thông qua đường ăn uống – đặc biệt là những thực phẩm sống như rau xanh, trái cây, cá hồi,…

Khi amip gây nhiễm trùng, trẻ có thể biểu hiện một số triệu chứng như đau bụng, mót rặn nhưng không đi ngoài được,… Sau đó khoảng vài ngày, trẻ có thể đi ngoài nhưng chủ yếu là chất nhầy và máu.

Nhiễm trùng đại tràng do amip thường không gây sốt nhưng dễ chuyển biến thành mãn tính nếu không được điều trị dứt điểm.

10. Ăn dặm không đúng cách

Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể bắt đầu ăn dặm. Đây là giai đoạn trẻ tập làm quen với một số loại thực phẩm. Nếu thường xuyên cho trẻ ăn thịt, trứng, hải sản, ngũ cốc mà không bổ sung rau xanh, trẻ sẽ có nguy cơ đi ngoài ra máu do tổn thương trực tràng.

trẻ đi ngoài ra máu nhầy
Chế độ ăn dặm ít chất xơ có thể gây táo bón, tổn thương niêm mạc trực tràng và khiến trẻ đi ngoài có lẫn máu

Khác với người trưởng thành, đường ruột của trẻ thường rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, lượng chất thải cứng do chế độ ăn ít chất xơ có thể gây trầy xước và chảy máu.

11. Bệnh trĩ

Bệnh trĩ là tình trạng trực tràng – hậu môn bị tổn thương, dẫn đến tình trạng sung huyết tĩnh mạch và hình thành búi trĩ. Bệnh thường gặp ở người lớn thừa cân – béo phì, người bị táo bón kinh niên,…

Tuy nhiên trẻ nhỏ ăn ít chất xơ và bị táo bón kéo dài cũng có thể mắc phải bệnh trĩ. Bệnh trĩ có thể gây đau rát hậu môn, khó khăn khi ngồi và đại tiện ra máu.

12. Thương hàn

Thương hàn là tình trạng nhiễm trùng cơ quan tiêu hóa do vi trùng Salmonella enterica Typhi. Vi trùng này có khả năng sinh sống trong đường ruột và có khả năng thay đổi cấu trúc để tránh ảnh hưởng của bạch cầu hạt (một trong những cơ quan miễn dịch). Vì vậy, Salmonella enterica Typhi có thể dễ dàng xâm nhập vào hệ thống nội môi và lây lan khắp cơ thể.

trẻ đi ngoài ra máu
Vi trùng Salmonella enterica Typhi xâm nhập vào đường ruột, gây tiêu chảy có lẫn máu và đau quặn bụng

Khi trẻ mắc bệnh lý này, bạn có thể nhận thấy thân nhiệt trẻ tăng cao bất thường (thường hơn 40 độ C), xuất hiện ban dát, tiêu chảy (có thể kèm theo máu), đổ mồ hôi bất thường,…

Trẻ bị đi ngoài ra máu có nguy hiểm không?

Trẻ đi ngoài ra máu là tình trạng bất thường và có mức độ nguy hiểm. Phần lớn các nguyên nhân gây ra tình trạng này (polyp đại – trực tràng, thương hàn, viêm đại tràng amip,…) đều có khả năng gây ra biến chứng nặng nề.

Với những trường hợp do các nguyên nhân có mức độ nhẹ hơn như bệnh trĩ, thiếu vitamin K, ăn dặm không đúng cách, triệu chứng thường có tiến triển chậm. Tuy nhiên nếu không xử lý sớm, trẻ mắc các bệnh lý này có thể đối mặt với một số hệ quả như suy dinh dưỡng, thiếu máu, mất cân bằng điện giải, chậm phát triển,…

Chính vì vậy ngay sau khi nhận thấy triệu chứng bất thường, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và điều trị. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hoặc các bài thuốc dân gian để chữa trị cho trẻ nhỏ.

Mẹ phải làm gì khi bé đi cầu ra máu?

Khi thấy con bị đi ngoài ra máu, cha mẹ nên cẩn thận và cần thực hiện những điều sau:

1. Chủ động đưa trẻ đến bệnh viện

Phần lớn các trường hợp trẻ đi ngoài có kèm máu và chất nhầy đều phải điều trị y tế. Vì vậy việc đầu tiên bạn cần làm là chủ động đưa trẻ đến bệnh viện.

Tại đây bác sĩ có thể tiến hành một số kỹ thuật chẩn đoán như xét nghiệm mẫu phân, máu, đo điện giải đồ, chụp X quang, nội soi,… để phát hiện sự hiện diện của khối u, vi khuẩn, amip,… và một số tác nhân khác.

trẻ đi ngoài ra máu
Cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời

Sau quá trình chẩn đoán, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị tùy theo nguyên nhân, bệnh lý và mức độ triệu chứng ở từng trường hợp. Với một số trường hợp cấp cứu như lồng ruột, polyp đại – trực tràng,… bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật trong thời gian sớm nhất.

2. Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ

Với các bệnh lý có liên quan đến triệu chứng trẻ đi ngoài ra máu, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị sau:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh trong trường hợp có nhiễm trùng
  • Dùng thuốc giảm đau (Paracetamol), thuốc chống nôn (Domperidol, Metoclopropramid,…), thuốc cầm tiêu chảy (Loperamid) hoặc thuốc bổ sung men vi sinh (Probia, Biolac,…) nhằm cải thiện triệu chứng do các bệnh ở đường tiêu hóa gây ra.
  • Sử dụng thuốc làm dịu, dưỡng ẩm và giảm ngứa ngáy hậu môn với những trẻ mắc bệnh trĩ.
  • Phẫu thuật trong trường hợp lồng ruột, viêm túi thừa và polyp đại trực tràng.
  • Tiến hành cắt bỏ búi trĩ trong trường hợp búi trĩ lớn và có dấu hiệu gây tắc trực tràng.
  • Bổ sung điện giải và nước với những trường hợp tiêu chảy kéo dài.

Lưu ý: Trong từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp và loại thuốc không được đề cập.

3. Chăm sóc trẻ tại nhà

Để điều trị dứt điểm các bệnh lý ở cơ quan tiêu hóa, bạn cần cho trẻ sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và chăm sóc tại nhà. Với những trường hợp chăm sóc đúng cách, bệnh tình ở trẻ sẽ có chuyển biến tích cực và nhanh chóng thuyên giảm.

trẻ đi ngoài ra máu
Khuyến khích trẻ uống đủ nước để bù khoáng chất và điện giải

Các biện pháp chăm sóc trẻ bị đi ngoài ra máu tại nhà:

  • Cho trẻ uống đủ 2 lít nước/ ngày, có thể bổ sung thêm nước trái cây, sữa, nước cơm, nước muối pha loãng,… để bù điện giải.
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin K (cần tây, súp lơ, cải bắp, củ cải, rau bina,…) để thúc đẩy quá trình đông máu và hạn chế lượng máu thất thoát.
  • Cho trẻ ăn thịt đỏ, củ dền, trứng,… nhằm thúc đẩy cơ thể sản xuất hồng cầu và hạn chế tình trạng thiếu máu, suy dinh dưỡng,…
  • Nấu chín thực phẩm, chế biến ở dạng lỏng và mềm để giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa.
  • Nên cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà trong thời gian điều trị.
  • Hạn chế thực phẩm chứa sữa, giàu chất béo và chất xơ,… với những trẻ mắc bệnh Crohn.
  • Chia nhỏ bữa ăn cho trẻ để tránh kích thích cơ quan tiêu hóa.
  • Tuyệt đối không cho trẻ ăn thực phẩm cay nóng và đồ uống chứa caffeine.

Nếu thực hiện chăm sóc và điều trị đúng cách, tình trạng trẻ đi ngoài ra máu sẽ được cải thiện trong một thời gian ngắn. Ngược lại ở những trường hợp không can thiệp kịp thời, trẻ có thể đối mặt với các biến chứng nguy hiểm.

Như vậy có thể thấy, tình trạng trẻ đi ngoài ra máu là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy khi nhận thấy con trẻ có dấu hiệu này, bạn cần chủ động đưa trẻ đến bệnh viện để kịp thời chẩn đoán và điều trị.