7 cách chữa bệnh trĩ tại nhà hiệu quả nhất

Các cách chữa bệnh trĩ tại nhà thường được áp dụng cho bệnh nhân trĩ có mức độ nhẹ. Với trường hợp bệnh nặng hoặc đã phát sinh biến chứng, bạn có thể phối hợp cách chữa này với các biện pháp chuyên sâu nhằm hỗ trợ quá trình điều trị.

cách chữa bệnh trĩ tại nhà
Cách chữa bệnh trĩ tại nhà thường được áp dụng với bệnh nhân trĩ có mức độ nhẹ

Thông tin cần biết về bệnh trĩ

Trĩ là một trong những bệnh lý phổ biến nhất ở cơ quan tiêu hóa dưới. Bệnh xảy ra khi tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn bị phình, dẫn đến tình trạng sưng phồng và viêm. Bệnh trĩ được chia thành 2 loại: trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp (vừa mắc trĩ nội và trĩ ngoại).

Trĩ ngoại được đánh giá là loại trĩ có mức độ nhẹ và ít phức tạp. Tổn thương do loại trĩ này gây ra thường xảy ra ở tĩnh mạch hậu môn. Trong khi đó, trĩ nội được hình thành ở bên trong các tĩnh mạch của trực tràng.

Do đặc điểm nằm sâu bên trong nên trĩ nội thường khó phát hiện và có mức độ tiến triển phức tạp hơn trĩ ngoại. Ở một số trường hợp trĩ nội phát triển lớn, búi trĩ có thể sa xuống hậu môn và gây nhầm lẫn trong việc chẩn đoán.

Người thừa cân - béo phì thường có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ
Người thừa cân – béo phì thường có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ

Trĩ là một tình trạng sức khỏe khá phổ biến, xảy ra ở người thừa cân – béo phì, lao động nặng nhọc, táo bón kinh niên, ăn uống không lành mạnh,… Bệnh có thể được điều trị dứt điểm nếu phát hiện và điều trị sớm.

Ngược lại nếu chủ quan với các biểu hiện của cơ thể và chậm trễ trong việc khắc phục, bệnh trĩ có thể gây ra một số biến chứng như vỡ búi trĩ, thiếu máu do xuất huyết kéo dài, nhiễm khuẩn, nứt kẽ hậu môn, rối loạn chức năng cơ thắt, sa trực tràng,…

Có nên điều trị bệnh trĩ tại nhà hay không?

Bệnh trĩ thường được điều trị bằng cách sử dụng thuốc và can thiệp một số thủ thuật ngoại khoa. Tuy nhiên với những trường hợp bệnh trĩ có mức độ nhẹ và không phát sinh triệu chứng nghiêm trọng, bạn có thể áp dụng một số cách điều trị tại nhà để khắc phục.

mẹo chữa bệnh trĩ
Nếu bệnh trĩ có mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng các biện pháp chữa bệnh trĩ tại nhà để cải thiện

Trong trường hợp đã hình thành búi trĩ và có dấu hiệu xuất huyết, bạn cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, có thể áp dụng một số cách chữa tại nhà để tác động toàn điện đến tiến triển của bệnh và hỗ trợ điều trị một số triệu chứng như đau rát hậu môn, khó khăn khi đại tiện,…

Các cách chữa bệnh trĩ tại nhà đơn giản – hiệu quả

Các cách chữa bệnh trĩ tại nhà có khả năng giảm một số triệu chứng khó chịu thường gặp, đồng thời ngăn ngừa nhiễm trùng và tăng độ bền của tĩnh mạch trực tràng – hậu môn. Một số biện pháp điều trị tại nhà được áp dụng phổ biến, bao gồm:

1. Mẹo giảm cơn đau do bệnh trĩ tại nhà

Đau và sưng nóng vùng hậu môn là triệu chứng đặc trưng nhất ở bệnh nhân trĩ. Triệu chứng này không chỉ gây ra cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng đến hoạt động làm việc và sinh hoạt.

Với những cơn đau nhẹ đến trung bình, bạn có thể áp dụng một số mẹo sau đây:

Chườm lạnh lên khu vực hậu môn:

Chườm lạnh là phương pháp giảm đau được áp dụng trong điều trị nhiều bệnh lý (xương khớp, viêm họng, đau bụng kinh, bệnh trĩ,…). Nhiệt độ từ đá lạnh có tác dụng giảm sưng nóng, co mạch và sát trùng nhẹ.

Chườm đá hỗ trợ giảm đau, chữa bệnh trĩ tại nhà
Chườm đá có thể làm giảm viêm và đau rát ở vùng hậu môn

Trước khi chườm lạnh vào hậu môn, bạn nên vệ sinh cơ quan này với nước sạch. Sau đó chườm lạnh trong khoảng 5 – 10 phút để cải thiện cơn đau.

Ngâm rửa hậu môn với nước ấm:

Ngoài phương pháp chườm lạnh, bạn cũng có thể làm giảm cơn đau và triệu chứng ngứa ngáy ở vùng hậu môn bằng cách ngâm rửa với nước ấm.

Nhiệt độ ấm từ nước có thể làm mềm niêm mạc, cải thiện tình trạng khô và ngứa ngáy ở hậu môn. Để tăng tác dụng điều trị, bạn có thể thêm một ít muối vào nước để kháng khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng.

2. Dùng các bài thuốc dân gian trị bệnh trĩ tại nhà

Với trường hợp trĩ có mức độ nhẹ, bạn có thể điều trị dứt điểm bệnh với một số bài thuốc từ dân gian sau:

Cách chữa bệnh trĩ ngoại tại nhà với nghệ vàng:

Nghệ là dược liệu có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn mạnh. Sử dụng nghệ lên vùng hậu môn có khả năng giảm sưng nóng, cải thiện cơn đau và ngăn ngừa nhiễm trùng. Ngoài ra, hoạt chất Curcumin trong nghệ còn hỗ trợ phục hồi tĩnh mạch bị tổn thương và ngăn ngừa tình trạng xuất huyết.

cách chữa trĩ nội tại nhà bằng nghệ vàng
Nghệ vàng có tác dụng chống viêm, giảm đau, kháng khuẩn và phục hồi tĩnh mạch bị tổn thương
  • Chuẩn bị: 2 – 3 củ nghệ, 1 ít muối và 1 chiếc khăn nhỏ.
  • Thực hiện: Rửa sạch nghệ, sau đó giãn nát và thêm ít muối. Dùng khăn bọc lại và đắp lên hậu môn trong khoảng 10 phút, sau đó rửa lại với nước sạch.

Cách chữa trĩ nội tại nhà với rau diếp cá:

Theo dân gian, rau diếp cá có tính mát, tác dụng thanh nhiệt và giải độc nên thích hợp điều trị các bệnh do thấp nhiệt gây ra – trong đó có bệnh trĩ.

Ngoài ra y học hiện đại cũng chứng minh, thành phần Decanoyl acetaldehyde trong dược liệu này có khả năng ức chế trực khuẩn mủ xanh và ngăn ngừa viêm nhiễm. Bên cạnh đó, hợp chất thực vật Quercetin trong diếp cá còn có tác dụng bảo vệ thành mạch, ngăn chặn hiện tượng sưng viêm và xuất huyết búi trĩ.

Việc bổ sung các bài thuốc uống từ rau diếp cá còn có tác dụng nhuận tràng, hạn chế táo bón và giảm tình trạng khó khăn khi đại tiện ở bệnh nhân bị trĩ.

  • Bài thuốc 1: Bổ sung rau diếp cá vào chế ăn hằng ngày hoặc ép lấy nước uống.
  • Bài thuốc 2: Rửa sạch 1 nắm diếp cá và hẹ. Sau đó đun sôi trong khoảng 3 – 5 phút. Dùng nước xông và ngâm rửa hậu môn.
  • Bài thuốc 3 (thích hợp với bệnh nhân trĩ nội có búi trĩ sa xuống hậu môn): Rửa sạch 1 năm lá diếp cá, sau đó thêm ít muối và giã nát. Sau đó dùng khăn bọc lại và đắp lên búi trĩ sa ra ngoài. Có thể đắp vào buổi tối và giữ nguyên trong lúc ngủ, sau đó rửa lại vào sáng hôm sau để dưỡng chất từ dược liệu thẩm thấu hoàn toàn vào búi trĩ.

Mẹo chữa bệnh trĩ với lá trầu không:

Với khả năng kháng khuẩn mạnh, trầu không được tận dụng để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh trĩ. Ngoài ra tinh chất từ trầu không còn có khả năng cầm máu, se búi trĩ và giảm viêm nhanh chóng.

cách chữa trĩ nội tại nhà bằng lá trầu không
Lá trầu không có tác dụng ức chế tụ cầu nên có thể ngăn ngừa hiện tượng nhiễm trùng búi trĩ
  • Chuẩn bị: 7 lá trầu không, 1 quả cau, 7 quả bồ kết và 7 hạt gấc.
  • Thực hiện: Đem các nguyên liệu giã nát, thêm 1 ít muối và đun nóng, sau đó dùng để xông hậu môn. Thực hiện đều đặn 2 lần/ ngày để nhận thấy cải thiện.

Dầu dừa giảm ngứa ngáy và khô hậu môn:

Ngứa ngát, đau rát và khô hậu môn là một trong những biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân trĩ. Để làm giảm triệu chứng này, bạn có thể sử dụng dầu dừa thoa trực tiếp vào hậu môn 1 lần/ ngày. Ngoài ra, thoa dầu dừa còn có khả năng giảm sung huyết và hạn chế chảy máu khi đi đại tiện.

Áp dụng các bài thuốc dân gian chữa bệnh trĩ tại nhà có thể điều trị dứt điểm với những trường hợp mắc bệnh nhẹ. Còn với những người đã hình thành búi trĩ, việc áp dụng các bài thuốc này có thể giảm triệu chứng và ngăn chặn tình trạng chuyển biến theo chiều hướng xấu.

3. Điều trị bệnh trĩ tại nhà bằng bài thuốc Đông y

Ngoài các bài thuốc nam, bạn có thể cân nhắc và áp dụng một số bài thuốc Đông y để điều trị bệnh trĩ. Hầu hết bài thuốc từ Đông y đều có tác dụng thanh nhiệt, giải uất kết, nhuận tràng hành khí, hoạt huyết,… nên rất phù hợp với người mắc bệnh trĩ do thường xuyên uống rượu bia, ăn đồ cay nóng và táo bón kinh niên,…

cách trị bệnh trĩ ngoại tại nhà bằng đông y
Bài thuốc chữa bệnh trĩ từ Đông y có tác dụng thanh nhiệt, hoạt huyết, giảm ứ trệ và nhuận tràng

Một số bài thuốc bạn có thể áp dụng như:

Bài thuốc Ngẫu tiết thang:

  • Chuẩn bị: Bồ hoàng và trắc bá diệp mỗi thứ 16g, cỏ mực và ngẫu tiết mỗi thứ 20g.
  • Thực hiện: Đem dược liệu sao đen và sắc uống 2 lần/ ngày. Nên uống sau khi đại tiện ra máu hoặc uống trước khi ăn.

Bài thuốc Tứ sinh thang:

  • Chuẩn bị: Lá ngải cứu tươi, sinh địa hoàng tươi, lá sen tươi và lá trắc bá tươi, các vị bằng lượng nhau (khoảng 30 – 40g).
  • Thực hiện: Đem nguyên liệu rửa sạch, sau đó giã nát và vắt lấy nước cốt. Hoặc có thể đem sắc, uống trước bữa ăn khoảng 30 – 60 phút.

Bài thuốc Hoa hòe tán:

  • Chuẩn bị: Lá trắc bá sao đen, hoa hòe sao đen, chỉ xác sao và hoa kinh giới sao đen, các vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Đem các vị nghiền thành bột mịn, mỗi lần dùng 10g uống cùng với nước sôi để nguội.

Bài thuốc chữa đại tiện ra máu:

  • Chuẩn bị: Cỏ mực 8g, hoa hòe sao 8g, vỏ quả ấu 60g, trắc bá diệp 8g và gương sen 8g.
  • Thực hiện: Đem sắc với 750ml nước, còn lại khoảng 300ml nước sắc. Đem chia đều thành 2 lần uống và dùng trước khi ăn.

Để tăng tác dụng điều trị tại nhà, bạn có thể kết hợp bài thuốc uống Đông y với các bài thuốc dùng ngoài từ dân gian. Việc tác động từ cả bên trong và bên ngoài có khả năng thúc đẩy tiến triển của bệnh và giảm thiểu thời gian điều trị.

Lưu ý: Khi mua thuốc, nhớ nêu rõ tình trạng bệnh lý với các thầy thuốc đông y. Không tự ý dùng bừa bãi.

4. Chữa bệnh trĩ tại nhờ chế độ ăn uống khoa học

Bệnh trĩ là một trong những vấn đề sức khỏe thuộc hệ tiêu hóa. Vì vậy chế độ dinh dưỡng có vai trò to lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ tiến triển của bệnh.

Với những người có bệnh trĩ nhẹ và chưa phát sinh triệu chứng, việc thay đổi chế độ ăn có thể giảm tổn thương ở tĩnh mạch trực tràng và hậu môn.

cách chữa bệnh trĩ ngoại tại nhà qua chế độ ăn uống
Bệnh nhân trĩ nên xây dựng chế độ và nguyên tắc ăn uống khoa học nhằm hỗ trợ quá trình điều trị

Nguyên tắc ăn uống cho bệnh nhân trĩ:

  • Nên chia nhỏ bữa ăn để tránh gây áp lực lên đường ruột.
  • Hạn chế các thực phẩm có khả năng táo bón như thịt đỏ, hải sản, cóc, xoài, thực phẩm cay nóng, caffeine, đồ uống chứa cồn,…
  • Thay vào đó nên tăng cường bổ sung chất xơ, vitamin và nước để giúp phân lỏng và tránh gây áp lực lên tĩnh mạch trực tràng khi đại tiện.
  • Chú trọng vào nhóm thực phẩm có khả năng tạo hồng cầu nhằm ngăn ngừa thiếu máu do búi trĩ xuất huyết, thực phẩm có khả năng chống viêm, phục hồi vết thương và tăng độ bền thành mạch.
  • Nên điều chỉnh thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn cho phù hợp. Tránh tình trạng thiếu hụt dưỡng chất gây giảm thể trạng và sức đề kháng.
  • Chế biến món ăn lỏng và mềm để tránh gây chèn ép lên cơ quan tiêu hóa bị tổn thương.

Các loại thực phẩm bệnh nhân trĩ nên bổ sung:

  • Thực phẩm giàu đạm nhưng dễ tiêu hóa như trứng, sữa, nấm, cá hồi, đậu nành,…
  • Thực phẩm giàu khoáng chất như rau xanh, trái cây, củ, nấm,…
  • Thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa như các loại đậu, trái cây, rau xanh,…
  • Thực phẩm giàu vitamin K (có vai trò thúc đẩy quá trình đông máu) như xà lách, rau bina, giá đỗ, đậu tương,…

Ở những người mắc bệnh trĩ nặng, việc xây dựng chế độ ăn hợp lý có thể hỗ trợ quá trình phục hồi tĩnh mạch tổn thương và giảm áp lực lên búi trĩ đã hình thành.

5. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt

Tương tự như chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt cũng là yếu tố có tác động đến mức độ tiến triển và phục hồi của bệnh trĩ khi bạn tự chữa trị tại nhà. Vì vậy ngoài việc xây dựng chế độ ăn hợp lý, bạn cần điều chỉnh một số thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh.

cách điều trị bệnh trĩ tại nhà nhờ chế độ sinh hoạt hợp lý
Nghỉ ngơi hợp lý có thể giảm áp lực lên tĩnh mạch hậu môn và hạn chế phát sinh cơn đau

Các thói quen sinh hoạt người mắc bệnh trĩ nên điều chỉnh để hỗ trợ quá trình điều trị:

  • Hạn chế mang vác nặng vì hoạt động này có thể gây áp lực lên tĩnh mạch hậu môn và làm nghiêm trọng hóa các triệu chứng của bệnh.
  • Tránh mặc quần hoặc váy bó sát, thay vào đó nên mặc quần rộng rãi để tránh nhiễm trùng và ma sát lên vùng hậu môn.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, hạn chế làm việc quá sức, đồng thời cần ngủ đúng giờ và đủ giấc.
  • Không nên hút thuốc lá hay sử dụng chất kích thích. Các thành phần trong khói thuốc có khả năng gây hư hại mạch máu và khiến tình trạng sung huyết ở búi trĩ tiến triển xấu hơn.
  • Tuyệt đối không nhịn đại tiện. Thói quen này có thể làm tăng áp lực lên búi trĩ và gây ra các biến chứng như xuất huyết búi trĩ, nứt hậu môn,…
  • Cải thiện tâm trạng căng thẳng và stress kéo dài.

Việc thay đổi thói quen không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Tuy nhiên bạn nên tập thay đổi các thói quen xấu nói trên để tránh gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Nếu không tiến hành cải thiện, bệnh thường có đáp ứng kém với thuốc điều trị và có xu hướng chuyển biến theo hướng tiêu cực.

6. Để chữa bệnh trĩ tại nhà cần tăng cường luyện tập thể thao

Luyện tập thể thao có khả năng ổn định hoạt động tuần hoàn, kích thích nhu động ruột và hạn chế tình trạng táo bón. Ngoài ra hoạt động thể chất thường xuyên còn giúp người mắc bệnh trĩ dễ dàng hơn khi đi đại tiện.

Tập luyện hỗ trợ điều trị bệnh trĩ tại nhà
Luyện tập thường xuyên giúp tăng nhu động ruột và hạn chế táo bón ở bệnh nhân trĩ

Vì vậy bạn nên dành khoảng 15 – 30 phút mỗi ngày để luyện tập các bộ môn có cường độ luyện tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga,… Cần tránh các bộ môn làm tăng áp lực lên cơ quan tiêu hóa dưới như đạp xe, nâng tạ,… Những bộ môn này có thể kích thích cơn đau và hiện tượng sưng viêm ở búi trĩ.

7. Sử dụng thuốc chữa bệnh trĩ tại nhà

Trong trường hợp cơn đau không thuyên giảm khi áp dụng bài thuốc và các mẹo chữa bệnh trĩ tại nhà, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không cần kê toa để cải thiện tình trạng này.

chữa bệnh trĩ tại nhà
Có thể sử dụng thuốc chữa bệnh trĩ tại nhà trong trường hợp cần thiết

Một số loại thuốc chữa bệnh trĩ tại nhà, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau (Acetaminophen): Loại thuốc này có tác dụng giảm đau toàn thân, do đó có thể cải thiện triệu chứng đau rát do búi trĩ gây ra. Acetamoniphen không gây kích thích lên cơ quan tiêu hóa nên được sử dụng phổ biến cho bệnh nhân trĩ.
  • Thuốc trị táo bón (Forlax, Bisacodyl và Duphalax): Sử dụng trong trường hợp bệnh trĩ do táo bón kinh niên. Bên cạnh việc sử dụng những loại thuốc này, bạn nên phối hợp với chế độ ăn giàu chất xơ để kích thích nhu động ruột.
  • Sử dụng thuốc bôi trĩ (Titanoreine, Proctolog, Hemopropin,…): Thuốc bôi trĩ được sử dụng nhằm giúp bạn dễ dàng hơn trong quá trình đại tiện. Ngoài ra một số loại thuốc còn có khả năng giảm viêm và ngứa ngáy.

Bạn có thể sử dụng những loại thuốc điều trị bệnh trĩ tại nhà trong khoảng 5 – 7 ngày. Nếu triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm, vui lòng tìm gặp bác sĩ để được chỉ định các loại thuốc đặc hiệu như kháng sinh, thuốc co mạch, thuốc làm bền mạch máu, thuốc chống viêm,…

Khi nào cần tìm gặp bác sĩ?

Một số trường hợp bệnh trĩ có thể thuyên giảm khi áp dụng các cách chữa tại nhà. Tuy nhiên với nếu có biểu hiện nghiêm trọng, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị theo phác đồ.

Cần chủ động tìm gặp bác sĩ trong những trường hợp sau:

  • Vùng hậu môn đau rát dữ dội, gây khó khăn khi ngồi và đi lại.
  • Có búi trĩ lòi ra khỏi hậu môn.
  • Đau rát khi đi đại tiện và phân có lẫn máu.
  • Vùng hậu môn có dấu hiệu nhiễm trùng (sốt, ớn lạnh, buồn nôn, chảy dịch và có mùi hôi tanh,…)

Ngay khi phát hiện các triệu chứng này, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị. Với những trường hợp này, các cách chữa bệnh trĩ tại nhà chỉ có vai trò hỗ trợ. Nếu lạm dụng, bệnh tình có thể chuyển biến xấu và gây ra một số biến chứng nguy hiểm.

Bài viết đã tổng hợp một số cách chữa bệnh trĩ nội, trĩ ngoại ngay tại nhà. Để quá trình điều trị đạt được kết quả khả quan, bạn nên xem xét mức độ bệnh nhằm áp dụng các biện pháp khắc phục phù hợp.