Bị bệnh trĩ có phải đi nghĩa vụ không, khi nào được miễn?
Trong Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành, bệnh trĩ không được ghi trong các trường hợp được miễn. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bị bệnh này và không được đi. Thực tế đó khiến nhiều người thắc mắc vậy bệnh trĩ có phải đi nghĩa vụ không?
Tổng quan về bệnh trĩ
Trước khi tìm đáp án cho câu hỏi bị bệnh trĩ có phải đi nghĩa vụ không, bạn cần biết tổng quan về bệnh này, đặc biệt là các mức độ diễn biến của bệnh.
Cơ chế hình thành bệnh trĩ
Bệnh trĩ còn có tên gọi khác là lòi dom. Bệnh hình thành khi các đám rối tĩnh mạch ở hậu môn bị mất khả năng đàn hồi và phình giãn quá mức tạo thành các búi trĩ. Đây là một trong những bệnh phổ biến về hậu môn hiện nay.
Nguyên nhân gây bệnh chưa được làm rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết nó có liên quan đến tình trạng gia tăng áp lực quá lớn lên hậu môn. Đối tượng dễ mắc bệnh này là người bị táo bón kéo dài, ngồi quá lâu không vận động hoặc thường xuyên lao động nặng…
Phân loại và các cấp độ diễn biến bệnh
Dựa vào vị trí hình thành búi trĩ, người ta chia bệnh này thành 2 loại: trĩ nội và trĩ ngoại. Bên cạnh đó, một số trường hợp bị cả trĩ nội lẫn trĩ ngoại được gọi là trĩ hỗn hợp.
Trĩ ngoại không chia cấp độ, nằm bên ngoài ống hậu môn và dễ quan sát bằng mắt. Trong khi đó, trĩ nội xuất hiện trong ống hậu môn và chia thành 4 cấp độ. Ở cấp độ 4, búi trĩ sẽ sa ra ngoài, mất hoàn toàn khả năng tự co lại.
Biểu hiện đầu tiên của bệnh trĩ là đại tiện ra máu kèm cảm giác đau rát. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng như nhiễm trùng, hoại tử hậu môn; nhiễm trùng máu và thiếu máu…
Người bị trĩ nội từ cấp độ 3 trở lên được xem là nặng. Các biện pháp Đông y hoặc dùng thuốc kháng sinh điều trị bệnh trĩ không còn hiệu quả nữa. Đa số những trường hợp này phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ. Sau đó, người bệnh cần phải có chế độ chăm sóc và nghỉ ngơi đặc biệt. Nếu không, tai biến sau phẫu thuật rất dễ xảy ra. Đặc biệt là tình trạng tái phát bệnh.
Trong khi đó, đối với trĩ ngoại, búi trĩ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và tâm lý của người bệnh. Tình trạng nhiễm trùng rất dễ xảy ra và khiến búi trĩ sưng to hơn. Bên cạnh đó, nó còn có thể cản trở hoạt động tống phân ra ngoài của hậu môn. Đa số các trường hợp bị trĩ ngoại đều cần đến các biện pháp can thiệp y khoa để cắt bỏ búi trĩ sớm nhất có thể.
Bệnh trĩ có phải đi nghĩa vụ không còn tùy vào tình trạng bệnh
Nếu như trước đây, đối tượng mắc bệnh trĩ là người trung niên thì hiện nay đối tượng mắc bệnh đang có dấu hiệu trẻ hóa. Cụ thể là những người trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự (từ 18 đến 27 tuổi). Thực tế này nảy sinh ra vấn đề là bị trĩ có đi nghĩa vụ không. Nhiều người lo ngại các hoạt động luyện tập ở thao trường cùng chế độ sinh hoạt của quân đội có thể khiến cho bệnh tình trầm trọng hơn.
Trong quy định về các trường hợp được miễn hoặc tạm hoãn nghĩa vụ quân sự không đề cập đến bệnh trĩ. Tuy nhiên, đây sẽ là một trong những điều kiện về sức khỏe để được hoặc không tham gia nghĩa vụ. Trường hợp mắc bệnh nhẹ thì vẫn có thể đi nghĩa vụ.
Theo Thông tư liên tịch số 16 giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế (16/2016/TTLT-BYT-BQP), ở mục 5 trong phụ lục có quy định về trường hợp bị bệnh trĩ và tạm hoãn nghĩa vụ quân sự khi:
- Có từ 2 búi trĩ trở lên.
- Kích thước búi trĩ từ 0,5cm trở lên.
- Đã mổ trĩ nhưng hiện tại có thêm búi trĩ phát triển.
Lưu ý: Áp dụng cho cả trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp.
Như vậy, đối với trĩ nội thì từ cấp độ 3 trở lên có thể xem xét tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Trong khi đó, trĩ ngoại thì dựa vào kích thước búi trĩ. Kết quả cuối cùng có đi nghĩa vụ quân sự hay không sẽ được Hội đồng khám sức khỏe quyết định.
Bệnh gì được miễn nhập ngũ?
Theo Thông tư số 140 của Bộ quốc phòng (140/2015/TT-BQP) về hướng dẫn thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự thì các trường hợp không được gọi nhập ngũ gồm:
- Cận thị 1,5 độ trở lên.
- Nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma túy, bệnh ung thư hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo.
- Tâm thần, động kinh.
- Suy tim, suy thận mạn tính.
- Bệnh chân voi không lao động được.
- Bệnh lao.
- Bệnh khớp gây biến dạng teo cơ, cứng khớp.
- Trĩ mũi gây rối loạn phát âm.
- Run chân tay mạn tính, đi lại khó khăn.
- Bại liệt, tàn tật.
- Câm, điếc bẩm sinh; ngọng líu lưỡi từ bé; mù hoặc chột mắt; sứt môi (kèm khe hở miệng chưa vá); cổ bị cố tật; có bướu ở lưng.
- Không đủ chiều cao và cân nặng theo quy định.
- Nhiễm chất độc màu da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Bên cạnh đó, các trường hợp sức khỏe bình thường vẫn được miễn nghĩa vụ nếu:
- Là con một trong gia đình.
- Là lao động duy nhất trong nhà.
- Con thương binh.
- Có anh, chị, em ruột đang phục vụ tại ngũ.
- Thuộc diện di dân, giãn dân trong 3 năm đầu theo dự án do UBND cấp tỉnh quyết định.
- Đang học tập thuộc hệ đào tạo chính quy của Sở GD&ĐT.