Bà bầu có cắt trĩ được không hay phải đợi sau sinh?

Trĩ là một trong những vấn đề thường gặp khi mang thai, bệnh xuất phát từ những thay đổi về nội tiết ảnh hưởng đến sinh hoạt, ăn uống và bài tiết. Bà bầu thường bị trĩ vào những tháng cuối của thai kỳ, đây cũng là thời điểm bắt đầu cho giai đoạn trĩ sau sinh. Vậy bà bầu có cắt trĩ được không hay phải đợi sau sinh, bài viết làm rõ vấn đề này.

Bà bầu có cắt trĩ được không hay phải đợi sau sinh?
Bà bầu có cắt trĩ được không hay phải đợi sau sinh là câu hỏi rất nhiều mẹ bầu đang mắc phải bệnh lý này quan tâm

Những điều cần biết về trĩ khi mang thai

Vì sao bà bầu bị trĩ?

Bệnh trĩ có thể xảy ra ở mọi đối tượng, tuy nhiên trong đó nhóm phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Tình trạng này xảy ra khi hệ thống tĩnh mạch tại trực tràng giãn nở và ảnh hưởng đến hệ thống tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn. Tình trạng này có thể dẫn đến viêm và sưng tấy tại vùng hậu môn, đặc trưng là những u thịt có kích thước nhỏ nằm trong hoặc ngoài hậu môn.

Bà bầu có thể bị trĩ nội hoặc trĩ ngoại, trong đó trĩ nội ít gặp phải hơn và thường nằm trong ống hậu môn. Trĩ ngoại là những búi trí có thể nhìn và sờ được tại hậu môn. Thông thường nếu như không điều trị trĩ nội sớm, về sau búi trĩ sẽ phình lớn dần và sa ra ngoài hậu môn, đây còn gọi là hiện tượng sa búi trĩ phổ biến ở phụ nữ mang thai hoặc sau sinh. Trĩ là căn bệnh không nguy hiểm nhưng lại gây ra nhiều đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường nhật của người bệnh.

Bà bầu bị trĩ trong 3 tháng cuối của thai kỳ là phổ biến nhất. Có thể nói việc mang thai như một nguyên nhân thúc đẩy búi trĩ được hình thành và tồn tại đến thời kỳ sau sinh.  Khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ sản sinh tăng cường các hormone progesterone – hormone này khiến thể tích máu gia tăng và đòi hỏi thể tích của tĩnh mạch phải mở rộng để tăng cường hoạt động lưu thông máu. Từ đó mà tĩnh mạch hậu môn bị phình to, góp phần gây ra bệnh trĩ.

Khi mang thai người phụ nữ cũng đối mặt với tình trạng táo bón thường xuyên, kết hợp với các áp lực từ thai gây cản trở hoạt động của tĩnh mạch trĩ. Ngoài ra việc bà bầu không thường xuyên vận động trong thai kỳ cũng khiến cho khí huyết kém lưu thông, từ đó làm tăng khả năng phát triển của búi trĩ.

Bệnh trĩ khi mang thai ảnh hưởng gì?

Bà bầu có cắt trĩ được không hay phải đợi sau sinh?
Trĩ khi mang thai ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và sinh hoạt vệ sinh của người mẹ

Trĩ là căn bệnh phổ biến ở phụ nữ mang thai những tháng cuối. Thông thường bệnh sẽ không gây nguy hiểm, ban đầu búi trĩ mới hình thành rất khó nhận biết. Những ảnh hưởng của trĩ đến thai kỳ của bà bầu là:

  • Khi bị trĩ, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và vệ sinh cá nhân. Trĩ càng lớn càng ảnh hưởng đến việc đi ngoài, thông thường trĩ và táo bón là hai triệu chứng song hành cùng nhau.
  • Đi vệ sinh khó khăn, búi trĩ tạp áp lực khi rặn gây đau rát hậu môn, nghiêm trọng hơn là tình trạng nứt hậu môn và chảy máu khi đi đại tiện.
  • Thường xuyên bị chảy máu khi đi ngoài có thể dẫn đến thiếu máu. Trong trường hợp thiếu máu nặng do chảy máu quá nhiều thì thai phụ có thể bị hoa mắt, mệt mỏi, chóng mặt, suy nhược cơ thể.
  • Tình trạng búi trĩ phát triển trong hậu môn dễ dẫn đến tắc mạch, nhất là khi có sự xuất hiện của cục máu đông trong lòng mạch. Điều này khiến máu lưu thông kém, vùng hậu môn đau nhức âm ỉ.
  • Bà bầu không thể sinh hoạt và vận động thoải mái, nhất là khi ngồi và đi lại, ngồi xe thường bị đau và thốn tại vùng hậu môn.
  • Sa búi trĩ chèn ép hậu môn, có thể gây nghẹt một phần hậu môn, từ đó làm tăng nguy cơ táo bón, ảnh hưởng đến trực tràng và nguy cơ nhiễm khuẩn, thậm chí là hoại tử có thể xảy ra.
  • Khi đi vệ sinh, nếu không cẩn thận vùng búi trĩ sẽ bị tổn thương và nhiễm trùng, nếu viêm nhiễm xảy ra bên trong hậu môn dễ dẫn đến ngứa và nóng rát tại khu vực này.
  • Nguy cơ nứt hậu môn thường xảy ra khi bà bầu cố gắng rặn quá mức, từ vết nứt sẽ làm tăng nguy cơ viêm và nhiễm trùng ngược dòng.
  • Bệnh trĩ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh thường của người mẹ, nếu như búi trĩ càng lớn càng chèn ép vị trí đường ra của thai nhi. 

Phụ nữ sau sinh đối mặt với những ảnh hưởng của bệnh trĩ nặng nề nhất. Do trong quá trình sinh nở, đặc biệt là sinh thường, khi chị em phải rặn nhiều để đẩy em bé ra ngoài vô tình cũng tạo áp lực lên búi trĩ. Lực rặn khiến cho hệ thống tĩnh mạch, mao mạch bị tác động và búi trĩ sau sinh sa xuống nặng hơn. 

Mặc dù những ảnh hưởng của bệnh trĩ sẽ gây ra nhiều khó khăn và bất tiện trong sinh hoạt của bà bầu. Tuy nhiên nhìn chung đây vẫn là căn bệnh lành tính, không ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Điều quan trọng là bà bầu nên chủ động thăm khám và điều trị sớm để hạn chế kích thước búi trĩ phát triển thêm. Để điều trị trĩ khi mang thai có nhiều phương pháp mang lại hiệu quả tốt, còn tùy thuộc vào mức độ phát triển của búi trĩ mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp cho người mẹ.

Bà bầu cắt trĩ được không hay phải đợi sau sinh?

Bà bầu có cắt trĩ được không hay phải đợi sau sinh?
Bà bầu sẽ được điều trị bằng thuốc hoặc áp dụng các phương pháp kiểm soát búi trĩ đến khi sinh mới thực hiện cắt trĩ

Khi bị trĩ, hầu hết những bà bầu điều lo sợ bệnh gây ảnh hưởng đến thai nhi. Cộng với cảm giác khó chịu mà bệnh gây ra khiến thai phụ muốn dứt điểm tình trạng này càng sớm càng tốt. Để điều trị trĩ thường áp dụng hai hình thức điều trị là sử dụng thuốc và điều trị ngoại khoa (phẫu thuật cắt trĩ). Trong đó phương pháp phẫu thuật cắt trĩ có thể khắc phục được những búi trĩ lớn, triệt tiêu trĩ hoàn toàn. Tuy nhiên đối với phụ nữ mang thai sẽ không áp dụng hình thức điều trị ngoại khoa vì nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để điều trị trĩ khi mang thai, thai phụ có thể sử dụng thuốc đặt hậu môn để làm teo nhỏ búi trĩ. Đa số những trường hợp trĩ khi mang thai chỉ mới ở giai đoạn đầu, búi trĩ nhỏ nên việc điều trị bằng thuốc sẽ đạt được những hiệu quả nhất định. Trong trường hợp búi trĩ to thì thai phụ sẽ phải đợi đến khi sinh con xong thì mới thực hiện phẫu thuật cắt búi trĩ.  Với những trường hợp trĩ đã có biến chứng đe dọa sức khỏe thì bác sĩ sẽ có phương án hỗ trợ để duy trì trạng thái sức khỏe ổn định đến khi sinh xong.

Phẫu thuật cắt trĩ cho bà bầu hiện không được áp dụng tại những bệnh viện chuyên khoa lớn hiện nay. Do trong khi phẫu thuật , thai phụ có thể mất máu, tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột. Điều này có thể ảnh hưởng nguy hiểm đến thai nhi, nguy cơ suy thai cao trong quá trình phẫu thuật. Chưa kể đến việc phẫu thuật trong thời gian mang thai cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh nở, vì vết cắt tại khu vực bị trĩ có thể bị lồi, viêm nhiễm và chảy máu trong khi sinh.

Thời điểm cắt trĩ phù hợp nhất là sau khi sinh khoảng 6 tuần. Thời điểm này vùng hạ bộ của người mẹ đã hoàn toàn bình phục, các cơ ở hậu môn cũng ở trạng thái ổn định nên việc phẫu thuật diễn ra an toàn. Đồng thời phẫu thuật sau khi sinh cũng không ảnh hưởng đến khả năng nuôi con của người mẹ. Các bác sĩ chuyên môn sẽ khám và đánh giá mức độ của trĩ và đưa ra cách điều trị thích hợp cho người bệnh.

Bà bầu bị trĩ có sinh thường được không?

Bên cạnh thắc mắc bà bầu có cắt trĩ được không hay phải đợi sau sinh thì nhiều mẹ bầu cũng rất lo lắng khi lựa chọn phương pháp sinh. Các chuyên gia đã nhận định trĩ khi mang thai không ảnh hưởng đến việc sinh thường, trừ những trường hợp búi trĩ lớn, gây tắc mạch ở hậu môn. Trong quá trình sinh thường, thai phụ sẽ dùng sức rặn để sinh con, điều này vô tình khiến búi trĩ sa ra ngoài nhiều hơn và gây khó khăn trong khâu xử lý.

Tùy thuộc vào kích thước của búi trĩ mà bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên để thai phụ chọn phương pháp sinh phù hợp. Thông thường những trường hợp búi trĩ lớn sẽ được khuyến khích sinh mổ. Ca sinh của người mẹ sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các thao tác của bác sĩ, trong quá trình sinh chỉ tác động đến vùng bụng. Vì thế có thể đảm bảo búi trĩ không bị tổn thương dẫn đến xuất huyết, nhiễm trùng.

Đối với những thai phụ mới hình thành búi trĩ,  triệu chứng nhẹ, không gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt thì vẫn có thể sinh thường.  Trong quá trình sinh bác sĩ sẽ theo dõi song song các biểu hiện để hỗ trợ thai phụ kịp thời nếu dấu hiệu xuất huyết búi trĩ xảy ra.

Phương pháp điều trị trĩ khi mang thai

Bà bầu có cắt trĩ được không hay phải đợi sau sinh?
Đối với những búi trĩ nhỏ, chưa có dấu hiệu biến chứng có thể điều trị bằng thuốc đặt ở hậu môn

Như đã đề cập, phương pháp điều trị trĩ khi mang thai tốt nhất là sử dụng thuốc đặt và phẫu thuật. Thai phụ sẽ được bác sĩ chẩn đoán và đánh giá mức độ phát triển của búi trĩ để chọn phương pháp điều trị thích hợp. Có hai phương án xử lý và điều trị búi trĩ trước khi sinh hoặc ngay khi sinh. Trong đó có hai trường hợp nghiêm trọng mà bệnh nhân sẽ được cân nhắc kỹ trước khi điều trị là:

  • Bệnh nhân bị trĩ ngoại tắc mạch: Trường hợp này thông thường bệnh nhân sẽ được cấp cứu, cắt trĩ để giải phóng u mạch. Tuy nhiên đối với những thai phụ mắc bệnh chỉ được hỗ trợ duy trì bằng phương pháp vô cảm, nhằm gây tê búi trĩ tại chỗ. Kỹ thuật gây tê này tương đối an toàn cho thai nhi hơn phương pháp gây tê tủy sống, giúp phòng tránh trước nguy cơ sảy thai và sinh non. Bệnh nhân sẽ được hội chẩn phương pháp can thiệp phù hợp để hạn chế tốt nhất khả năng phẫu thuật trong khi còn mang thai.

  • Bệnh nhân bị trĩ cấp độ IV chảy máu: Đối với những thai phụ bị trĩ cấp độ IV – cấp độ nặng sẽ được điều trị theo hình thức co mạch, đồng thời giúp tăng sức bền cho thành mạch. Song song đó bệnh nhân được chỉ định những loại thuốc giảm đau, thuốc cầm máu đề duy trì tình trạng cho đến khi sinh xong sẽ tiến hành phẫu thuật.

Để điều trị trĩ khi mang thai thành công cũng phụ thuộc vào cách chăm sóc của thai phụ. Các bác sĩ đã đưa ra một số lời khuyên về phương pháp giảm đau, kiểm soát sự phát triển của búi trĩ sau:

  • Tập thể dục thường xuyên: Tập luyện thể thao mang lại rất nhiều lợi ích trong thai kỳ, đặc biệt là khả năng hạn chế tình trạng táo bón và giảm áp lực lên búi trĩ. Tuy nhiên cũng cần lưu ý không nên tập những bộ môn đòi hỏi sức khỏe phần dưới cơ thể. Ưu tiên những bài tập vận động nhẹ như đi bộ, yoga, bơi lội. Trong những tháng cuối nên hạn chế vận động mạnh để tránh những ảnh hưởng đến sức khỏe bà bầu và thai nhi.

  • Hạn chế lượng sắt bổ sung: Sử dụng viên sắt uống là nhu cầu cần thiết trong thai kỳ, đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón và nóng nảy ở nhiều thai phụ. Mà táo bón lại chính là nguyên nhân làm trầm trọng hơn bệnh trĩ, vì thế bà bầu nên hạn chế sử dụng sắt nếu đang bị trĩ. Thay vào đó bổ sung sắt qua đường ăn uống sẽ giúp dạ dày phân giải dưỡng chất tốt hơn.

  • Bổ sung chất xơ: Một nguyên tắc quan trọng để hạn chế bệnh trĩ là, bạn cần bổ sung đầy đủ những loại thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước. Đồng thời thường xuyên bổ sung các nguồn chất xơ từ ngũ cốc, những loại thực phẩm này sẽ giúp việc đi ngoài của thai phụ dễ dàng hơn rất nhiều.

  • Uống đủ nước: Những ảnh hưởng từ trĩ có thể cải thiện tốt khi thai phụ bổ sung đủ nước cho cơ thể. Trong đó nước có vai trò lớn trong việc hỗ trợ tuần hoàn máu đến những vùng mạch bị tắc nghẽn. Từ đó giúp tăng cường độ bền cho những khu vực cơ ở hậu môn, phòng tránh nguy cơ sa búi trĩ.

Bà bầu có cắt trĩ được không hay phải đợi sau sinh?
Uống đủ nước là nguyên tắc cơ bản cần thực hiện khi điều trị trĩ ở bà bầu
  • Đi vệ sinh khi cần thiết: Nhiều bà bầu vì sợ đau mà nhịn đi vệ sinh, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trĩ nghiêm trọng hơn. Tốt nhất bạn nên tập thói quen đi vệ sinh vào khung giờ nhất định trong ngày. Thai phụ nên đi vệ sinh khi có nhu cầu, tuyệt đối không được rặn hay ngồi quá lâu, ngồi xổm sẽ tạo áp lực lên hậu môn. 

  • Ngâm hậu môn trong nước ấm: Đây là cách giảm đau nhức khi bà bầu bị trĩ rất hiệu quả, bà bầu nên thực hiện 2 – 3 lần mỗi ngày và thời gian ngâm mỗi lần từ 10 – 15 phút. Có thể pha thêm một ít muối vào nước ấm để sát khuẩn vùng kín, sau khi ngâm bà bầu nên dùng khăn mềm lau khô khu vực này.

  • Giữ vệ sinh vùng kín: Đối với những búi trĩ ngoại, hoặc những bà bầu bị sa búi trĩ có nguy cơ viêm nhiễm cao nếu như khu vực này không được vệ sinh thường xuyên. Sau mỗi lần đi vệ sinh thì bà bầu cần vệ sinh khu vực này sạch sẽ,  đồng thời chỉ sử dụng khăn bông mềm, không có sợi và không dùng dung dịch vệ sinh để tránh gây tổn thương mặt ngoài hậu môn.  

  • Lưu ý trong vận động: Những bà bầu bị trĩ không nên đứng hoặc ngồi quá lâu, ngoài ra cũng nên hạn chế những hoạt động khom người hay ngồi xổm. Các bác sĩ cũng đã khuyến khích tư thế nằm nghiêng sang trái sẽ hỗ trợ làm giảm tình trạng tắc nghẽn máu lưu thông đến hậu môn.

Trong trường hợp thai phụ bị trĩ nặng, cần thăm khám và kiểm tra tình trạng búi trĩ thường xuyên để phòng tránh các trường hợp nhiễm trùng xảy ra. Thai phụ tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc bôi, thuốc uống hay thuốc đặt tự ý có thể gây ra tác dụng phụ.

Bài viết đã thông tin chi tiết về vấn đề bà bầu có cắt trĩ được không hay phải đợi sau sinh. Việc phẫu thuật cắt trĩ hầu như không được khuyến khích trong quá trình mang thai. Do trĩ không ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe thai nhi nên việc điều trị bằng thuốc sẽ được ưu tiên trên hết. Trong thời gian mang thai, bà bầu nên tuân thủ các lịch tái khám và  kiểm tra sức khỏe cũng như bệnh trĩ cho đến lúc sinh. Tùy theo từng biểu hiện mà bác sĩ sẽ tư vấn giúp bệnh nhân phương pháp hỗ trợ cụ thể.