Nội soi đại tràng – Quy trình như thế nào, có đau không?
Kỹ thuật nội soi đại tràng thường được chỉ định cho những người đang gặp triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa như đau bụng, đi cầu ra máu, rối loạn đại tiện… Cùng tìm hiểu sâu hơn về quy trình thực hiện, chi phí cùng các rủi ro có thể gặp để có sự chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt khi được chỉ định nội soi.
Nội soi đại tràng là gì?
Nội soi đại tràng là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được thực hiện để kiểm tra bên trong ruột già. Nó cho phép bác sĩ quan sát được những tổn thương và những thay đổi bất thường trong cấu trúc của đại tràng, trực tràng. Đây sẽ là cơ sở giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý như viêm đại tràng, viêm loét đại trực tràng, polyp đại tràng hay ung thư đại trực tràng…
Khi nào cần nội soi đại tràng?
Không phải trường hợp nào đi khám tiêu hóa cũng được chỉ định kỹ thuật nội soi đại tràng. Phương pháp này được thực hiện cho nhóm đối tượng sau:
- Người có các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa: Táo bón, tiêu chảy kéo dài, đi cầu ra máu, phân lẫn chất nhầy, đau bụng dưới, phân đen và mỏng…
- Bệnh nhân chụp X-quang thấy có những điểm bất thường ở niêm mạc đại trực tràng
- Kiểm tra phát hiện sớm polyp đại trực tràng ở những người không có triệu chứng
- Trường hợp có nguy cơ bị ung thư đại tràng cao cần nội soi đình kỳ để sàng lọc bệnh: Người trên 50 tuổi, những đối tượng trong gia đình có người thân từng bị ung thư đại tràng hoặc bệnh polyp đại tràng, trẻ em có tiền sử bị ung thư ruột già.
- Ngoài ra, những bệnh nhân cần cắt polyp, lấy dị vật trong ruột già, cầm máu đường tiêu hóa dưới, hẹp đại tràng hoặc điều trị bệnh xoắn đại tràng cũng sẽ được điều trị thông qua nội soi.
Những ai không nên nội soi đại tràng?
Kỹ thuật nội soi đại tràng không được chỉ định cho các trường hợp bị:
- Suy tim mạch
- Nhồi máu cơ tim
- Thủng đại tràng dẫn đến xuất huyết
- Thuyên tắc phổi
- Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong những tháng đầu của thai kỳ
- Người cao tuổi có sức khỏe yếu
Các kỹ thuật nội soi đại tràng
Hiện nay, có hai phương pháp nội soi được áp dụng phổ biến để chẩn đoán bệnh ở đại tràng, bao gồm:
– Nội soi đại tràng không gây mê:
Đây là một kỹ thuật nội soi truyền thống được triển khai thực hiện tại hầu hết các bệnh viện. Với phương pháp này, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn trong suốt quá trình thực hiện nội soi. Cảm giác khó chịu có thể xuất hiện khi mới đưa ống nội soi vào trong lỗ hậu môn.
– Nội soi đại tràng có gây mê:
Phương pháp này có chi phí cao hơn so với kỹ thuật nội soi truyền thống. Bệnh nhân được tiêm thuốc gây mê vào trong tĩnh mạch nên sẽ không cảm thấy bất kì triệu chứng khó chịu nào.
Trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiên lượng thời gian nội soi để tính toán liều lượng thuốc gây mê sử dụng cho phù hợp để bệnh nhân có thể tỉnh táo ngay sau khi làm nội soi xong.
Cần làm gì trước khi nội soi đại tràng?
“Nội soi đại tràng cần chuẩn bị gì?” Đây là một trong những thắc mắc được rất nhiều bệnh nhân quan tâm. Công tác này được thực hiện tốt sẽ giúp quá trình nội soi diễn ra nhanh chóng và mang đến hiệu quả chính xác.
Dưới đây là một số vấn đề bệnh nhân cần chuẩn bị trước khi nội soi đại tràng:
- Thực hiện chế độ ăn lỏng trước khi nội soi, thăm khám đại tràng một ngày. Tránh ăn các thức ăn đặc, cứng hoặc có màu đỏ sẽ khiến bác sĩ bị nhầm lẫn với máu. Các loại đồ uống được sử dụng trước ngày nội soi cũng được giới hạn ở chất lỏng trong hoặc nước thường. Không uống nước ngọt có ga, trà hoặc cà phê.
- Dùng thuốc nhuận tràng: Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân dùng thuốc này vào chiều hôm trước và cả buổi sáng của ngày thực hiện nội soi nhằm mục đích làm rỗng đại tràng để bác sĩ quan sát được hết bên trong. Thuốc được chỉ định có thể là thuốc viên hoặc dạng lỏng, trong đó loại được dùng phổ biến nhất là Fleet Phosphosoda 45 ml.
- Dùng thuốc xổ hoặc tháo thụt phân bằng cách bơm nước trực tiếp vào trong ruột già theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Thông báo cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng, đặc biệt là thuốc Aspirin, thuốc bổ sung sắt, insulin, Rivaroxaban, Pradaxa, Plavix hay Warfarin khi được chỉ định nội soi đại tràng. Các thuốc trên có thể làm sai lệch kết quả nội soi nên bác sĩ có thể yêu cầu bạn điều chỉnh liều lượng hoặc tạm thời ngưng dùng chúng trước khi tiến hành thủ thuật một vài ngày.
- Trường hợp có vấn đề về tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường cũng cần chia sẻ cho bác sĩ biết để xem xét lựa chọn phương pháp chẩn đoán bệnh khác phù hợp hơn.
- Nếu nội soi đại tràng gây mê, bệnh nhân nên đi cùng với người nhà và không nên tự lái xe về nhằm đảm bảo an toàn trong khi thuốc gây mê chưa hết tác dụng.
Nội soi đại tràng như thế nào?
– Quy trình nội soi đại tràng:
- Bước 1: Bệnh nhân được đưa vào phòng nội soi và yêu cầu mặc áo choàng của bệnh viện.
- Bước 2: Bác sĩ khám hậu môn để kiểm tra tổn thương, cho bệnh nhân dùng thuốc an thần, giảm đau. Dưới tác dụng của thuốc, bệnh nhân sẽ cảm thấy bớt căng thẳng và hơi buồn ngủ. Trường hợp nội soi đại tràng có gây mê thì tiêm thuốc gây mê.
- Bước 3: Người bệnh được hướng dẫn nằm nghiêng sang trái trên một cái giường phẳng, co đầu gối lại hướng về phìa trước ngực.
- Bước 4: Một ống nội soi colonoscope mềm, nhỏ gắn camera ở đầu sẽ được đưa vào cửa hậu môn rồi luồn vào đến trực tràng, đại tràng một cách nhẹ nhàng, chậm rãi. Bác sĩ cũng tiến hành bơm khí khí carbon dioxide vào trong để làm căng đại tràng, giúp camera có thể dễ dàng ghi nhận được các tổn thương và truyền hình ảnh về máy tính để bác sĩ quan sát.
- Bước 5: Trong quá trình nội soi, bệnh nhân có thể được yêu cầu thay đổi tư thế vài lần để ống nội soi được đưa vào hết ngóc ngách bên trong ruột già.
- Bước 6: Quá trình nội soi kết thúc khi bác sĩ rút ống nội soi ra. Bệnh nhân cầm kết quả về phòng khám gặp bác sĩ điều trị để nghe kết luận bệnh.
– Nội soi đại tràng mất bao lâu?
Một ca nội soi ruột già thường kéo dài trong khoảng 30 – 60 phút tùy theo tính chất phức tạp của mỗi ca bệnh.
– Kết quả nội soi:
Sau khi có kết quả nội soi, bác sĩ sẽ xem xét và cho bạn biết kết quả. Có 2 trường hợp xảy ra như sau:
+ Kết quả âm tính:
Nội soi cho kết luận âm tính nếu hình ảnh ghi nhận được cho thấy trong có bất kì dấu hiệu bất thường nào ở niêm mạc đại trực tràng, chẳng hạn như một vết loét, một khối u hay tình trạng chảy máu…
Lúc này, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân tiến hành nội soi lại:
- Trong 10 năm, nếu người bệnh không có yếu tố nguy cơ ung thư ruột kết ngoài vấn đề tuổi tác.
- Trong 5 năm đối với những trường hợp có tiền sử bị polyp đại trực tràng.
- Trong 1 năm nếu đại tràng không được kiểm tra hoàn toàn qua nội soi do có phần còn sót lại.
+ Kết quả dương tính:
Nội soi đại tràng cho kết quả dương tính nếu bác sĩ tìm thấy sự xuất hiện của polyp hay các mô bất thường trong ruột già.
Hầu hết các polyp đều lành tính, nhưng một số có thể là tiền ung thư. Những cục polyp nhỏ sẽ được cắt bỏ ngay trong quá trình nội soi đại tràng và được đem đến phòng thí nghiệm để kiểm tra xem nó lành tính hay ác tính.
Một số bệnh nhân sẽ được lên lịch trình nội soi định kỳ trong tương lai nhằm theo dõi sự gia tăng kích thước của polyp hoặc kịp thời phát hiện ra các cục polyp đại tràng mới.
Trường hợp polyp hoặc mô bất thường không thể loại bỏ bằng phương pháp nội soi, bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc tiến hành phẫu thuật.
Nội soi đại tràng có đau không?
Vấn đề nội soi đại tràng có đau hay không còn tùy thuộc vào kỹ thuật được tiến hành. Bệnh nhân được nội soi bằng phương pháp gây mê sẽ chìm vào giấc ngủ trong suốt thời gian nội soi nên sẽ không cảm thấy bất kỳ dấu hiệu khó chịu nào.
Ngược lại, những cơn đau nhẹ ở bụng có thể xuất hiện ở những bệnh nhân được nội soi thường. Đôi khi, bệnh nhân còn bị đau nhói mỗi khi ống nội soi di chuyển đến các góc hẹp bên trong đại tràng.
Mặc dù vậy, bệnh nhân cũng không nên quá lo lắng bởi cảm giác đau thường kèo dài không quá lâu. Thông thường, sau khi kết thúc nội soi khoảng vài tiếng, cơn đau sẽ tự biến mất.
Nội soi đại tràng có nguy hiểm không?
Hiếm khi nội soi đại tràng gây ra biến chứng nếu bác sĩ thực hiện là người được đào tạo bài bản . Trường hợp không may, bạn có thể phải đối mặt với các biến chứng sau:
- Tổn thương, chảy máu ở niêm mạc đại trực tràng do thao tác nội soi quá mạnh, bác sĩ thực hiện không có kinh nghiệm.
- Tình trạng xuất huyết cũng có thể xảy ra ở những vị trí được cắt bỏ polyp hoặc nơi lấy mẫu làm sinh thiết. Tuy nhiên vấn đề này thường không quá nghiêm trọng và bác sĩ có thể áp dụng ngay các biện pháp cầm máu ngay trong khi nội soi. Hiếm khi có trường hợp nào phải xứ lý cấp cứu bằng cách truyền máu hoặc phẫu thuật.
- Rách hoặc xuất hiện lỗ thủng tại thành đại tràng. Nguy cơ này thường xảy ra ở những người có thành ruột mỏng hoặc ruột già bị viêm loét nặng..
- Biến chứng do sử dụng thuốc an thần, gây mê: Dị ứng thuốc, sưng đỏ ở vị trí tiêm thuốc.
Mặc dù nội soi đại tràng ít khi gây ra các biến chứng nguy hiểm nhưng bệnh nhân cũng cần đề phòng bằng cách theo dõi sức khỏe của bản thân. Nếu nhận thấy bất kì dấu hiệu nghiêm trọng nào sau khi nội soi, chẳng hạn như đau bụng dữ dội, đi cầu ra máu, sốt cao, ớn lạnh trong người… thì nên thông báo cho bác sĩ biết ngay.
Nên làm gì sau khi nội soi đại tràng?
Để giảm thiểu những biến chứng xảy ra sau khi nội soi đại tràng, bệnh nhân lưu ý:
- Ở lại bệnh viện khoảng 1 – 2 giờ để cho thuốc an thần hết tác dụng và theo dõi phát hiện xử lý kịp thời nếu không may gặp biến chứng.
- Hãy chắc chắn tác dụng của thuốc an thần đã biến mất hoàn toàn trước khi bạn tự mình lái xe hoặc vận hành máy móc.
- Thực hiện chế độ ăn mềm, lỏng theo khuyến cáo của bác sĩ nếu bạn được cắt bỏ polyp khi làm nội soi. Kiêng ăn đồ mặn, đồ chua, kem lạnh hoặc gia vị cay sau khi nội soi.
- Đi bộ nhẹ nhàng có thể giúp đẩy sạch khí hơi còn sót lại trong ruột già ra ngoài, góp phần nhanh chóng giải quyết chứng đầy hơi khó chịu ở bụng do ảnh hưởng từ nội soi.
- Tái khám và nội soi định kỳ theo lịch ấn định nếu được bác sĩ chỉ định.
Nội soi đại tràng bao nhiêu tiền?
Theo ghi nhận tại một số bệnh viện, giá trung bình của nội soi đại tràng thường khoảng 900.000 VNĐ/lượt. Trong khi đó, nội soi gây mê có giá cao hơn khá nhiều, dao động từ 1.800.000 – 2000.000 VNĐ/lần tùy theo địa chỉ thực hiện.
>>Bấm xem video nội soi đại tràng để hiễu rõ về kỹ thuật chẩn đoán bệnh này:
Bạn nên tìm hiểu thêm:
- Uống thuốc xổ để nội soi đại tràng và những điều cần biết
- Polyp đại tràng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị