Viêm đại tràng ở trẻ em do đâu? Điều trị và phòng ngừa

Viêm đại tràng ở trẻ em thường hiếm gặp ở ở người lớn. Tuy nhiên, đây là một tình trạng mãn tính và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Bệnh có thể dẫn đến một số vấn đề về sự phát triển và tăng trưởng của trẻ ở tuổi dậy thì. Vì vậy, cha mẹ cần nắm rõ một số thông tin về cách nhận biết và điều trị viêm đại tràng ở trẻ.

viêm đại tràng ở trẻ em
Viêm đại tràng ở trẻ em thường khó nhận biết và điều trị hơn ở người lớn

Bệnh viêm đại tràng ở trẻ em là gì?

Viêm loét đại tràng là một tình trạng phát triển lâu dài. Viêm đại tràng thường bắt đầu phát triển ở lớp trực tràng và phần đại tràng Sigma, sau đó lan rộng ra khắp đại tràng.

Viêm đại tràng có thể gây chảy máu, sưng ruột hoặc khiến người bệnh bị tiêu chảy. Ở trẻ em, các triệu chứng viêm đại tràng thường khó nhận biết và điều trị hơn ở người lớn. Do đó, nếu nghi ngờ hoặc nếu bé được chẩn đoán bị viêm đại tràng, cha mẹ và người chăm sóc cần nắm rõ thông tin về bệnh để có cách điều trị phù hợp nhất.

Viêm đại tràng ở trẻ em nguyên nhân do đâu?

Hiện tại, nguyên nhân cụ thể dẫn đến viêm đại tràng ở trẻ em vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một số tác nhân có thể làm tăng nguy cơ viêm đại tràng bao gồm:

triệu chứng viêm đại tràng ở trẻ em
Di truyền và nhiễm khuẩn là nguyên nhân phổ biến gây viêm đại tràng ở trẻ
  • Di truyền: Có khoảng 20% các trường hợp viêm loét đại tràng dưới 15 tuổi có liên quan đến yếu tố di truyền.
  • Nhiễm khuẩn: Trẻ em dễ bị nhiễm khuẩn và nấm đường ruột. Điều này dẫn đến các triệu chứng viêm đại tràng như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn,…
  • Chế độ ăn uống không phù hợp: Thực phẩm kém vệ sinh, thức ăn nấu chín không kỹ hoặc thói quen ép trẻ ăn quá nhiều có thể là tăng nguy cơ viêm đại tràng.
  • Trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc: Điều này thường xảy ra ở những trẻ có bố mẹ li hôn, áp lực học hành,…

Ngoài ra những trẻ có tiền sử bệnh dạ dày, bệnh viêm ruột hoặc có vấn đề dị tật hệ tiêu hóa bẩm sinh cũng làm tăng nguy cơ viêm đại tràng.

Triệu chứng viêm đại tràng ở trẻ em

Theo thống kê, có khoảng 15 – 20% các bệnh nhân viêm loét đại tràng là trẻ em. Và hầu hết các trường hợp thường được chẩn đoán khi trẻ trên 10 tuổi. Trẻ bị viêm đại tràng thường có nhiều triệu chứng liên quan đến viêm nhiễm. Triệu chứng có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng tùy theo tình trạng sức khỏe và mức độ viêm của trẻ.

Các triệu chứng viêm loét đại tràng ở trẻ em phổ biến bao gồm:

  • Đau bụng
  • Ăn mất ngon, chán ăn
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Mệt mỏi
  • Có dấu hiệu mất nước
  • Chảy máu từ trực tràng
  • Thiếu máu
  • Tiêu chảy hoặc kèm một ít máu trong phân
  • Suy dinh dưỡng vì ruột cũng không hấp thụ chất dinh dưỡng
dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng ở trẻ em
Viêm đại tràng có thể dẫn đến các cơn đau bụng ở trẻ

Ngoài sự ảnh hưởng đến cơ thể và hệ thống tiêu hóa, viêm đại tràng có thể ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ. Trẻ có thể gặp một số thay đổi cảm xúc như:

  • Thường xuyên phẫn nộ, tức giận, la hét
  • Tâm trạng không ổn định, mơ hồ
  • Cảm thấy dễ bị tổn thương, dễ thất vọng

Đôi khi, viêm loét đại tràng ở trẻ em có thể phát triển trở nên nghiêm trọng. Lúc này trẻ có thể gặp các triệu chứng không liên quan đến đường tiêu hóa. Các dấu hiệu thường bao gồm:

  • Đau khớp
  • Phát ban
  • Tổn thương bề mặt da
  • Rối loạn chức năng gan
  • Có các vấn đề về thận
  • Loãng xương

Viêm đại tràng ở trẻ em thường khó phát hiện hơn ở người lớn. Mặt khác, thanh thiếu niên thường ngại ngùng hoặc thiếu quan tâm về các vấn đề sức khỏe. Do đó, đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để phòng ngừa và điều trị bệnh.

Phương pháp chẩn đoán viêm đại tràng ở trẻ em

Viêm đại tràng ở trẻ nhỏ thường khó chẩn đoán. Bên cạnh đó, đôi khi các triệu chứng thường không liên quan đến các vấn đề tiêu hóa và làm sai lệch quá trình chẩn đoán.

Để chẩn đoán viêm đại tràng, bác sĩ thường kiểm tra lịch sử y tế và các triệu chứng của trẻ. Sau đó, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm chuyên môn bao gồm:

  • Xét nghiệm máu bao gồm kiểm tra nồng độ hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu. Điều này có thể giúp bác sĩ kiểm tra dấu hiệu thiếu máu hoặc các vấn đề miễn dịch ở trẻ.
  • Kiểm tra phân để phát hiện dấu hiệu có máu, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng ở đường ruột.
  • Nội soi đại tràng để lấy mẫu mô ở ruột. Các mẫu mô này sẽ được kiểm tra ở phòng thí nghiệm để phát hiện dấu hiệu viêm.
  • Chụp X – quang có thuốc phản quang giúp bác sĩ quan sát và xác định các khu vực bị thu hẹp và tắc nghẽn ở đại tràng và hệ thống tiêu hóa.

Điều trị viêm đại tràng ở trẻ em

Hiện tại không có biện pháp điều trị dứt điểm viêm đại tràng. Các biện pháp điều trị nhằm làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát. Việc điều trị viêm đại tràng ở trẻ nhỏ thường không giống như ở người lớn. Một số thuốc điều trị có thể gây tổn thương hệ tiêu hóa của trẻ. Điều trị viêm loét đại tràng ở trẻ em thương phụ thuộc vào một số yếu tố như:

  • Độ tuổi của bệnh nhân
  • Lịch sử y tế và tình trạng sức khỏe
  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh
  • Khả năng hấp thụ thuốc
  • Ý kiến của cha mẹ hoặc người chăm sóc
điều trị viêm đại tràng ở trẻ em
Việc điều trị viêm đại tràng phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ và mức độ nghiêm trọng của bệnh

Một số đề nghị điều trị viêm loét đại tràng ở trẻ em bao gồm:

  • Sử dụng Aminosalicylates để giảm viêm trong ruột kết
  • Thuốc Corticosteroid để cân bằng hệ thống miễn dịch và chống viêm
  • Điều hòa hệ thống miễn dịch hoặc ngăn chặn sự phát triển của tế bào TNF – Alpha để giảm viêm trong cơ thể.

Nếu các biện pháp điều trị không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ ruột già của trẻ đế tránh các biến chứng.

Biện pháp phòng ngừa viêm loét đại tràng ở trẻ em

Hiện tại không có biện pháp phòng ngừa viêm đại tràng hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa như sau:

  • Thay đổi chế độ ăn uống: Một số loại thực phẩm có thể gây viêm và làm nghiêm trọng các triệu chứng viêm đại tràng. Trẻ em bị viêm đại tràng nên tránh các loại thực phẩm chế biến, đồ uống có gas, thực phẩm chứa hương vị nhân tạo, chất bảo quản, lượng đường cao.
  • Uống nhiều nước: Có thể giúp ruột già ngậm nước và hoạt động tốt hơn. Nếu trẻ bị tiêu chảy, hãy cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước.
  • Tập thể dục thường xuyên: Có thể giảm nguy cơ viêm và loét ở đại tràng.  Ngoài ra, các hoạt động thể chất có thể ngăn ngừa các nguy cơ biến chứng liên quan bao gồm loãng xương hoặc viêm khớp.
  • Tăng lượng vitamin D: Có thể giảm nguy cơ viêm loét đại tràng và tăng cường hệ thống miễn dịch. Cha mẹ có thể cho trẻ tổng hợp vitamin D thông qua ánh nắng mặt trời hoặc các sản phẩm bổ sung.
  • Tránh căng thẳng, áp lực: Mặc dù căng thẳng không trực tiếp dẫn đến viêm đại tràng nhưng có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm trong cơ thể. Quản lý căng thẳng có thể giúp trẻ phòng tránh các vấn đề về hệ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch.

Viêm loét đại tràng là một tình trạng mãn tính. Ở trẻ em, viêm đại tràng có thể tồn tại và phát triển suốt phần đời còn lại. Do đó, tìm hiểu về cách điều trị và kiểm soát các triệu chứng là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh. Trao đổi với bác sĩ về kế hoạch chăm sóc và phòng ngừa viêm đại tràng ở trẻ em.