Viêm đại tràng ở người già không khó trị như bạn nghĩ
Viêm đại tràng ở người già thường không có biểu hiện điển hình cho đến khi bệnh chuyển sang mãn tính. Khi đó, ngoài triệu chứng đau bụng, người bệnh còn gặp phải biểu hiện táo bón hoặc tiêu chảy. Tùy thuộc vào từng thể bệnh mà bác sĩ sẽ đề nghị phương pháp điều trị thích hợp.
Đại tràng là bộ phận cuối cùng của đường tiêu hóa, có chiều dài từ 1,5 đến 2 m nằm trong ổ bụng hình chữ u úp ngược. Chức năng chính của đại tràng là tiếp tục thực hiện chức năng tiêu hóa phần bã đã được hấp thụ ở ruột non nhằm thu lại nước và các vitamin sót lại. Đồng thời, chúng tham gia vào quá trình nhào nặn, đẩy chất thải xuống trực tràng và ra ngoài cơ thể thông qua lỗ mở ở hậu môn.
Vì là nơi chứa chất thải nên đại tràng rất dễ bị viêm nhiễm nếu người bệnh gặp phải vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa. Đặc biệt, tình trạng viêm thường xảy ra cao ở người già, người cao tuổi. Nguyên nhân là do chức năng hoạt động và sức đề kháng của hệ tiêu hóa giảm.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm đại tràng ở người già
Bệnh viêm đại tràng ở người già thường không có biểu hiện điển hình như ở người trẻ. Thậm chí ở một số trường hợp bệnh ở cơ quan này nhưng lại biểu hiện triệu chứng bệnh ở cơ quan khác, đặc biệt là ở những cơ quan có bệnh từ trước. Đây chính là lý do giải thích vì sao người già thường phát hiện bệnh viêm đại tràng ở giai đoạn nặng dẫn đến điều trị khó khăn.
Dưới đây là các triệu chứng nhận biết bệnh viêm đại tràng ở người già:
- Đau bụng: Khi bệnh mới khởi phát biểu hiện cơ thể thường không rõ ràng nhưng sau thời gian, người bệnh cảm thấy đau bụng âm ỉ. Đôi khi đau nhiều, đau liên tục nhưng cơn đau không liên quan đến ăn uống. Bên cạnh triệu chứng đau còn kèm theo biểu hiện sôi, đầy bụng hoặc nóng ruột.
- Rối loạn đại tiện: Người cao tuổi bị viêm đại tràng thường gặp phải triệu chứng táo bón hoặc tiêu chảy. Người bệnh có thể bị táo bón 4 – 5 ngày mới đi một lần hoặc phân đi tiêu lổn nhổn nhỏ như phân dê. Bệnh nhân cũng có thể bị tiêu chảy 3 – 4 ngày với triệu chứng phân lỏng. Ở một số trường hợp bệnh có thể xen kẽ cả hai, vừa tiêu chảy vừa táo bón.
Ngoài các triệu chứng đặc trưng này, người bệnh còn gặp các biểu hiện khác như:
- Sức khỏe yếu, ăn không ngon miệng
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Dễ nóng giận hoặc hay quên
- Mất ngủ về đêm do cơn đau xuất hiện bất chợt
Chẩn đoán viêm đại tràng ở người già
Chính vì các biểu hiện lâm sàng ở người cao tuổi thường không điển hình nên bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân thực hiện xét nghiệm phân hoặc cấy phân để chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, để chắc chắn, họ còn yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số thủ thuật chẩn đoán khác như siêu âm hoặc chụp X – quang đại tràng. Trong một số trường hợp đi ngoài phân lẫn máu hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân, người bệnh cần tiến hành nội soi đại tràng để loại bỏ nguy cơ ung thư.
Điều trị viêm đại tràng ở người già
Điều trị bệnh viêm đại tràng ở người cao tuổi thường bao gồm các lựa chọn y tế và phẫu thuật. Phần lớn bệnh nhân viêm đại tràng đều được điều trị bằng 5-aminosalicylates. Người bệnh có thể sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc sinh học để điều trị nhưng kết quả chữa trị thường kém. Thuốc corticosteroid giúp kiểm soát triệu chứng bệnh tốt hơn nhưng nếu lạm dụng có thể gây ảnh hưởng tồi tệ đến đại tràng. Trong trường hợp dùng thuốc nhưng không cho kết quả tốt hoặc bệnh gây biến chứng, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân phẫu thuật.
Ngoài ra, điều trị viêm đại tràng ở người già còn tùy thuộc vào từng thể bệnh mà bệnh nhân mắc phải. Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị viêm đại tràng phù hợp với mỗi đối tượng bệnh. Cụ thể:
Đối với thể táo bón
Để kiểm soát và khắc phục chứng táo bón do viêm đại tràng gây nên, người bệnh có thể sử dụng thuốc nhuận tràng để tăng khả năng bài tiết phân, hỗ trợ điều trị và chống táo bón. Tuy nhiên, để có kết quả chữa trị hiệu quả, bệnh nhân cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Xây dựng chế độ ăn giàu dinh dưỡng, bao gồm thực phẩm nhiều chất xơ và ít chất béo
- Uống nhiều nước mỗi ngày, uống ít nhất 1,5 – 2 lít nước. Có thể dùng nước trái cây thay thế nước lọc đều được
- Tăng cường vận động thể dục thể thao mỗi ngày. Việc thường xuyên hoạt động thể chất giúp kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt, giúp giảm viêm và ngăn ngừa bệnh tái phát
- Nên tập cho bản thân thói quen đi đại tiện vào khung giờ nhất định mỗi ngày
Ngoài ra, người bệnh có thể làm giảm triệu chứng viêm đại tràng thể táo bón bằng các cách đơn giản tại nhà sau đây:
- Nha đam: Có tác dụng nhuận tràng, giúp làm mềm phân. Do đó, sử dụng thường xuyên giúp cải thiện chứng táo bón. Cách làm rất đơn giản, bệnh nhân chỉ cần sử dụng 1 – 2 nhánh lá nha đam đem gọt bỏ phần vỏ xanh và rửa sạch nhớt cho hết đắng. Sau đó cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn với 3 muỗng mật ong và uống.
- Dầu mè: Nguyên liệu này có tác dụng giúp giữ ẩm cho ruột, đồng thời giúp cải thiện vấn đề phân khô và táo bón. Người bệnh chỉ cần thêm dầu mè vào khẩu phần ăn hàng ngày để điều trị chứng táo bón. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ nên ăn 1 – 2 muỗng.
- Uống trà gừng hoặc bạc hà: Bạc hà chứa hoạt chất menthol có tác dụng chống co thắt, từ đó làm giãn cơ của đường tiêu hóa. Còn gừng có tính ấm nóng, có tác dụng thúc đẩy nhanh sự tiêu hóa chậm chạp ở ruột. Do đó, uống một tách trà bac hà hay trà gừng nóng, giúp làm giảm táo bón nhanh.
Đối với thể lỏng
Để chữa trị tiêu chảy, bệnh nhân có thể dùng thuốc nhóm co thắt, đồng thời kết hợp thêm men vi sinh. Tuy nhiên, thuốc điều trị bệnh cần được dùng dưới đơn kê của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng tránh trường hợp thuốc gây tác dụng phụ.
Bên cạnh dùng thuốc chống tiêu chảy, người bệnh có thể áp dụng các cách điều trị bệnh tại nhà sau:
- Trà hoa cúc: Uống trà hoa cúc để cải thiện triệu chứng. Mỗi ngày nên uống 3 tách, các hoạt chất, đặc biệt là tannin có chứa trong trà hoa cúc có tác dụng chống tiêu chảy khá tốt.
- Trà vỏ cam: Loại trà thảo mộc này có tác dụng kiểm soát triệu chứng tiêu chảy một cách nhanh chóng. Do đó, bệnh nhân nên sử dụng một ít vỏ cam cho vào ly và đổ nước nóng vào, hãm trong vòng 10 phút rồi uống.
- Ăn quả việt quất: Chứa nhiều hoạt chất anthocyanosides, có đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn, quả việt quất có tác dụng khắc phục bệnh tiêu chảy hiệu quả ngay tại nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên người bệnh mỗi ngày chỉ nên ăn từ 200 – 400 gram. Không nên ăn quá nhiều bởi quả chứa nhiều chất xơ có thể gây đau bụng, đầy hơi hoặc khí.
Viêm đại tràng ở người già là bệnh lý mạn tính. Do đó, người bệnh cần thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên tích cực tham gia thể dục để nâng cao sức khỏe tổng thể, đồng thời nên có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và khoa học.