Nhiễm vi khuẩn HP dạ dày ở trẻ em khi nào cần điều trị?

Hiện nay, tình trạng nhiễm khuẩn HP dạ dày ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Để tìm hiểu rõ về bệnh và biện pháp khắc phục an toàn, bạn có thể tham khảo các thông tin dưới đây.

HP dạ dày ở trẻ em
HP dạ dày ở trẻ em là bệnh lý phổ biến được hình thành bởi nhiều nhân tố khác nhau

Vi khuẩn HP dạ dày không chỉ là bệnh lý phổ biến ở người lớn mà còn được phát hiện ở trẻ em. So với người lớn, bệnh nhiễm khuẩn HP ở trẻ em thường khó điều trị và cách điều trị cũng hoàn toàn khác biệt.

Tìm hiểu về bệnh nhiễm vi khuẩn HP dạ dày ở trẻ em

Chúng ta vẫn thường lầm tưởng vi khuẩn Hp chỉ xuất hiện ở người trưởng thành. Nhưng thực tế, trẻ em cũng là đối tượng rất dễ bị vi khuẩn HP tấn công. Theo một số thống kê tại Hoa Kỳ, có khoảng 10% trẻ em từ độ tuổi 10 – 18 nhiễm vi khuẩn HP/năm. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em dưới 10 tuổi nhiễm vi khuẩn HP dạ dày chiếm khoảng 60 – 80%. Bệnh đang có xu hướng phát triển ở đa số trẻ em do nhiều nguyên nhân, vì vậy bố mẹ đừng nên bỏ qua những thông tin về bệnh được cung cấp dưới đây.

1 – Nhiễm vi khuẩn HP dạ dày ở trẻ em là gì?

Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là một loại xoắn khuẩn Gr(-) khu trú trong dạ dày. Các vi khuẩn này gây tổn hại đến các tế bào trong dạ dày và tá tràng. Đây là căn bệnh có diễn biến âm thầm nên thường bệnh nhân không phát hiện triệu chứng trong thời gian ủ bệnh.

Nhiễm trùng do vi khuẩn hp có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư dạ dày trong thời gian sau này. Theo thống kê, có khoảng 50% dân số thế giới bị nhiễm vi khuẩn HP bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có khoảng 15% bệnh nhân nhiễm khuẩn HP có xu hướng viêm loét dạ dày, tá tràng và khoảng 3% biến chứng ung thư.

2 – Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn HP dạ dày ở trẻ em

Các chuyên gia đầu ngành cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP dạ dày. Trong đó, cơ địa, lây truyền hoặc tiếp xúc với tác nhân nhiễm khuẩn từ nhỏ cũng là những nhân tố tiềm ẩn bên trong cơ thể người sau nhiều năm mới bùng phát. Ngoài ra, bệnh còn phát sinh bởi một số nhân tố khác, chẳng hạn như:

  • Hệ miễn dịch của trẻ rất kém nên không thể tự phòng tránh được các tác nhân gây nhiễm khuẩn. 
  • Sử dụng thực phẩm không được nấu chín, thực phẩm có chứa ấu trùng vi khuẩn.
  • Trẻ em là đối tượng chưa ý thức được tác nhân gây bệnh nên thường không chủ động phòng tránh.
  • Uống nước bị nhiễm khuẩn.
  • Không vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Lây nhiễm vi khuẩn HP qua đường tiếp xúc như hôn, dùng chung ly chén, bàn chải đánh răng với người mắc bệnh.

Hiện nay, vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu nào khẳng định vi khuẩn HP có di truyền hay không. Cho nên nguyên nhân này không được đưa vào phần thông tin bên trên.

3 – Những triệu chứng khi trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP

Triệu chứng nhiễm khuẩn HP ở trẻ em thường rất khó kiểm soát hơn so với người lớn. Vì vậy, bố mẹ có thể ghi nhớ và lưu ý một số biểu hiện dưới đây để kịp thời khắc phục cho trẻ.

  • Trẻ bị đau quanh rốn hoặc thượng vị. Thường gặp nhất là sau khi ăn khoảng 2 – 3 tiếng hoặc vào ban đêm.
  • Trẻ thường bị ợ hơi, ợ nóng, buồn nôn.
  • Người gầy yếu, xanh xao, thiếu máu.
  • Ăn không ngon miệng, sụt cân
  • Nôn ói nhiều hoặc đại tiện có máu tươi, máu lẫn trong phân có màu đen như nhựa đường.
HP dạ dày ở trẻ em
Các triệu chứng nhiễm khuẩn HP ở trẻ em thường rất khó nhận biết

Bởi vì thể trạng của trẻ khác biệt với người lớn nên các dấu hiệu phát hiện nhiễm khuẩn thường rất ít. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần phải chú ý và theo dõi bệnh thường xuyên cho trẻ.

4 – Trẻ em bị nhiễm vi khuẩn HP có nguy hiểm không, khi nào cần điều trị?

Theo PGS. TS. BS Nguyễn Thị Vân Hồng, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh viện Bạch Mai: “Vi khuẩn HP là nhân tố chính gây ra các bệnh lý về tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Khi trẻ mắc bệnh, hầu như không phát hiện được triệu chứng gì đặc biệt cho đến khi xét nghiệm. Đa số các trường hợp bị nhiễm vi khuẩn HP đều có khả năng tự khỏi bệnh sau một thời gian hoặc đến khi lớn lên. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều trường hợp bị biến chứng nghiêm trọng.”

Ngoài ra, bác sĩ cũng nhấn mạnh thêm, tác động nguy hiểm nhất của vi khuẩn HP đó chính là làm tổn thương niêm mạc dạ dày, viêm loét dạ dày, ung thư,… Mặc dù, vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày ở trẻ em nhưng không phải vì vậy mà bố mẹ chủ quan. Vi khuẩn HP có thể gây ra một số ảnh hưởng đối với hệ tiêu hóa của trẻ như:

  • Gây lỗ thủng trong dạ dày.
  • Làm tắc nghẽn tiêu hóa
  • Làm chảy máu dạ dày, tá tràng

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP có phát sinh triệu chứng bệnh dạ dày thì cần điều trị ngay. Và điều này cần được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán từ đó đưa ra khác đồ phù hợp cho bé. Người nhà không nên tự ý mua thuốc về điều trị.

5 – Chẩn đoán vi khuẩn HP ở trẻ em

Khi nghi ngờ trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa ngay. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện một vài xét nghiệm và chẩn đoán theo kinh nghiệm chuyên môn.

Một số thủ tục y tế trẻ cần được thực hiện đó là:

  • Xét nghiệm máu: để kiểm tra kháng thể.
  • Xét nghiệm phân: bác sĩ sẽ kiểm tra mẫu phân trên kính hiển vi và thực hiện một vài thí nghiệm để xác định sự hiện diện của vi khuẩn.
  • Kiểm tra hơi thở: kiểm tra lượng ure trong cơ thể trẻ.
  • Nội soi: trẻ được kiểm tra dạ dày bằng một ống dây nhỏ có camera. Qua nội soi, bác sĩ có thể lấy mẫu mô sinh thiết để xét nghiệm.
HP dạ dày ở trẻ em
Chẩn đoán vi khuẩn HP dạ dày ở trẻ em bằng cách nội soi

Việc chẩn đoán bệnh được thực hiện bởi người có chuyên môn. Khi trẻ được xác định là nhiễm vi khuẩn HP thì người thân cũng nên kiểm tra sức khỏe vì đây là bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao.

6 – Chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn HP

Để giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh, bố mẹ nên lưu ý một số vấn đề khi chăm sóc tại nhà như:

  • Tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, giữ vệ sinh cơ thể, nhất là sau khi đại tiện.
  • Cân bằng chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
  • Bông cải xanh là thực phẩm có khả năng làm giảm H. pylori rất đáng kể, nên mẹ có thể bổ sung chúng trong thực đơn của trẻ.
  • Cung cấp đủ lượng probiotics trong sữa chua. Lợi khuẩn sẽ giúp làm giảm mật độ vi khuẩn có hại và ức chế sản sinh H. pylori.
  • Cho trẻ sử dụng đồ ăn được nấu chín, uống nước sôi để nguội.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh và không sử dụng chung đồ ăn, bàn chải đánh răng của người khác cho trẻ.

Phương pháp điều trị vi khuẩn HP ở trẻ em

Việc điều trị vi khuẩn HP ở trẻ em bao gồm 2 hướng điều trị phổ biến đó là:

– Điều trị bằng Tây y

Sử dụng kháng sinh điều trị vi khuẩn Hp ở trẻ em là xu hướng được đa số phụ huynh lựa chọn. Bác sĩ thường kết hợp thuốc ức chế acid và thuốc kháng acid để vô hiệu hóa tác nhân gây bệnh trong bước đầu. Cụ thể, trẻ sẽ được sử dụng Amoxicillin (kháng sinh) hoặc Biaxin:15 mg/kg trong vòng 14 ngày theo chỉ định của bác sĩ. 

Ngoài ra, trẻ cũng có thể sử dụng một số loại thuốc kết hợp khác như:

  • Thuốc bảo vệ dạ dày: Tạo ra lớp nhầy bảo vệ dạ dày tránh khỏi các axit, ngăn chặn vi khuẩn làm tổn thương niêm mạc.
  • H2-bloker: Giảm lượng axit dạ dày và ngăn chặn sản sinh histamin.
  • Thuốc ức chế bơm proton: Ngăn chặn tiết axit dạ dày.

Nếu việc sử dụng thuốc không hiệu quả, mẹ nên cho trẻ tái khám sau khi dùng thuốc 1 tháng. Nếu duy trì việc dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài, có nguy cơ hệ tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng và để lại một số tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Rối loạn vi khuẩn đường ruột
  • Suy nhược cơ thể
  • Giảm đề kháng
  • Buồn nôn
  • Tiêu chảy

Tuy nhiên, vi khuẩn HP có thể đề kháng với kháng sinh trong môi trường axit dịch vị dạ dày cao. Ngoài ra, chúng còn có khả năng bùng phát và để lại biến chứng. 

HP dạ dày ở trẻ em
Điều trị HP dạ dày ở trẻ em bằng kháng sinh

– Điều trị bằng Đông y

Đối với trẻ em, việc điều trị vi khuẩn HP bằng đông y thường không khả quan. Mặc dù các loại thuốc này thường lành tính, ít gây tác dụng phụ nhưng nó không có tác dụng tốt đối với cơ thể trẻ. Hơn nữa, trong bài thuốc Đông y cũng có một số thành phần dược liệu có dược tính mạnh, không phù hợp với trẻ em. Nếu muốn sử dụng đông y cho trẻ, bố mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ. 

Phòng ngừa nhiễm vi khuẩn HP dạ dày ở trẻ em

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu ra loại vắc xin phòng ngừa vi khuẩn HP ở trẻ em. Do đó, để ngăn ngừa việc lây nhiễm cho trẻ, bố mẹ cần lưu ý đến các vấn đề sau đây.

  • Cho trẻ ăn chín, uống sôi, sơ chế thực phẩm kỹ trước khi chế biến.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nơi mất vệ sinh.
  • Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.
  • Vệ sinh cơ thể, tay chân thường xuyên.
  • Cho trẻ khám sức khỏe định kỳ.
  • Sử dụng thuốc tây theo chỉ định của bác sĩ.

HP dạ dày ở trẻ em có thể chuyển biến nghiêm trọng và trở nên khó điều trị nếu không được phát hiện và khắc phục sớm. Đừng nên chủ quan với tình trạng này của trẻ, tránh trường hợp biến chứng.